Văn hóa - Nghệ thuật Thỏa lòng
TTH - Ai cũng có chút tự hào mình là dân Huế, nhưng 'nói cho oai' vậy thôi, chứ người hiểu và 'thấm' Huế chưa phải nhiều…
Thường niên chiếu lệ, cứ vào độ này gia đình anh cũng như nhiều gia đình người Huế khác lại thiết lễ cúng 23/5 âm lịch. Hôm nay đáo hạn, nhà anh bày biện lễ phẩm và thành tâm khấn vái, tưởng niệm. Trong thời gian hầu lễ tất, bỗng một chị láng giềng cũng là một người Huế, lại còn thuộc hàng quan chức cấp phường ngang qua, buột miệng hỏi: Lại cúng cô hồn à? Cô hồn sống sao chưa thấy đến (?!!). Quá bất ngờ với lối ăn nói, và hình như cả sự hụt hổng kiến thức của chị kia, anh quặt lại: Cô hồn a? Cô hồn ngay sau lưng chị kìa! Chị này giật mình nhìn lui, rồi đi liền một mạch.
Bên ly cà phê sáng, anh vẻ vẫn chưa hết bực dọc: Dân Huế mình mà sao không hiểu cái lễ cúng 23/5 nhỉ, nó khác hẳn với cái lễ cúng thí thực cô hồn chứ. Đó là một cái lễ tưởng niệm, ghi nhớ một sự kiện bi hùng của Huế, của dân tộc; bày tỏ lòng tri ân với các quan quân, anh hùng liệt sĩ triều Nguyễn đã xả thân đền nợ nước trong một trận chiến không cân sức vào đêm 23/5 năm Ất Dậu 1885; tưởng nhớ, nguyện cầu cho đồng bào các giới đã không may tử nạn trong sự biến này. Và vì thế, nó ý nghĩa nhắc nhớ, khơi gợi lòng yêu nước, căm thù giặc cho dân ta, chứ đâu chỉ đơn giản và tội nghiệp với danh xưng “cúng cô hồn”.
Câu chuyện anh kể làm tôi giật mình. Đúng là người Huế vẫn tự hào về Huế, nhưng không ít người còn rất ít hiểu về Huế. Ngay quanh chỗ tôi ở thôi, có cái lăng Vạn Vạn thì cũng chẳng mấy ai hiểu cái lăng ấy là lăng gì; hay thấy nghĩa trang Phan Bội Châu thì có người thắc mắc: Sao cụ Phan thấy mộ chôn ở Bến Ngự, đây lại còn có nghĩa trang?!! Rồi chuyện hò Huế, ca Huế với những lý, những Nam Ai, Nam Bình… ai cũng tự hào với di sản ấy của mình lắm, nhưng khi giao lưu với bè bạn, dân miền Nam ai cũng có thể say sưa 6 câu vọng cổ, dân Kinh Bắc, Thái Bình ai cũng có thể cất giọng ngọt lịm đôi câu quan họ, dăm đoạn hát chèo, mời đoàn Huế thì phần nhiều là… cười trừ. Hay cây ngô đồng quý và đẹp nổi tiếng của Huế như thế nhưng còn rất ít người biết, cho đến bây giờ mà vẫn cứ bị đánh đồng với cây vông đồng - loại cây thân đầy gai, có quả vẫn thường được lũ trẻ con dùng làm bánh xe chơi, và hạt ăn thì gây ngộ độc. Vậy mới thấy, người Huế “nói cho oai” vậy thôi, chứ hiểu và “thấm” Huế chưa phải nhiều.
“Vô tri bất mộ” - Không hiểu thì có khi không biết quý, không biết yêu, không biết làm cho lan tỏa, thậm chí có khi còn vô tình xâm hại cả di tích, di sản… Có thể có người không chấp nhận, nhưng đó là thực tế không mấy vui vẻ vẫn tồn tại lâu nay ở vùng đất núi Ngự sông Hương. Thế nên, cách đây chưa lâu, khi nghe tin đưa ca Huế vào trường học, giới học giả, dân nghiên cứu, văn nghệ đã vô cùng vui mừng phấn khởi. Và mới đây, càng càng phấn khởi hơn khi thấy cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh chính thức loan tin “… Ngày 28/6, UBND tỉnh có Quyết định số 1576/QĐ-UBND phê duyệt khung Chương trình giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, đối với cấp THCS: xây dựng đủ 35 tiết/khối lớp tương đương 1 tiết/1 tuần, được giảng dạy từ lớp 6 – lớp 9, là một môn học bắt buộc. Biên soạn theo lớp (từ lớp 6 đến lớp 9), mỗi khối lớp có 01 cuốn tài liệu (nội dung bao hàm các lĩnh vực về văn hóa, lịch sử truyền thống; các vấn đề về địa lý, kinh tế, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương… Giáo dục địa phương (GDĐP) áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập,… Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành, được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin...). Có thể có thêm một chút vất vả cho chương trình, nhưng tôi tin, với mục đích tốt đẹp, với phương pháp đã được tính trước, và với tâm huyết của các thầy cô giáo, 35 tiết học cho mỗi khối lớp sẽ đi qua một cách nhẹ nhàng, hào hứng, thậm chí có thể còn có cả chút thòm thèm.
4 năm của bậc THCS/140 tiết học GDĐP hẳn là chưa đủ để truyền tải hết mọi thông tin về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội… của vùng đất cho người học. Nhưng hẳn là nó sẽ giúp cho các em một số kiến thức cơ bản, và biết đâu, có thể nhiều em sau các tiết học, những kiến thức về vùng đất Huế sẽ làm nhóm lên những đốm lửa mê say để rồi hễ có cơ hội là các em lại đọc, lại xem, lại tìm hiểu để mà thêm yêu quý, thêm tự hào với những giá trị tinh hoa của miền Hương Ngự.
Bất chợt lại nhớ một sinh hoạt văn hóa mà tôi được tham dự mấy năm về trước. Hôm ấy, nhà nghiên cứu (NCC) Phan Tấn Tô đã tiết lộ và tỏ ra vô cùng tiếc nuối về một “dự án” được ông cùng NNC Lê Nguyễn Lưu ấp ủ cách đấy mấy chục năm và được lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh lúc ấy rất tán đồng ủng hộ, đó là soạn một “giáo trình” nhẹ nhàng, hấp dẫn và phù hợp về văn hóa Huế để đưa vào trường học. Mục đích là làm sao để bất kỳ học sinh nào của Huế sau khi rời ghế nhà trường cũng đều có những kiến thức sơ đẳng nhất về văn hóa vùng đất quê hương. Từ chỗ có kiến thức các em mới có cảm hứng để tìm hiểu. Từ chỗ hiểu mới thấy quý và tự hào với di sản tiền nhân để lại; rồi từ đó mà “truyền lửa”, mà khiến du khách hứng thú để tìm đến khám phá, trải nghiệm cùng Huế… Hôm ấy, ông Phan Tấn Tô đã tỏ ra rất nuối tiếc về việc “dự án” mà ông cùng đồng nghiệp hằng thao thức đành dang dở vì nhiều lý do khác nhau. Nay, với Quyết định số 1576/QĐ-UBND phê duyệt khung Chương trình GDĐP cấp Trung học cơ sở của UBND tỉnh, có lẽ ông và những người tâm huyết với Huế, thao thức với Huế hẳn đã phần nào thỏa lòng mãn nguyện…
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thoa-long-a102220.html