Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa 'Chất liệu' cho bộ tiêu chí đô thị di sản

Bộ Chính trị vừa thống nhất ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Để xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, UBND tỉnh vừa mở hội thảo tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo... Thừa Thiên Huế Cuối tuần xin giới thiệu những ý kiến đóng góp tâm huyết.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa:

Đây là động lực quan trọng, tạo cú hích lịch sử

Từng là vùng đất kinh kỳ, Thừa Thiên Huế còn lưu giữ một cách có hệ thống các di sản vật thể (về kiến trúc kinh thành, cung điện, lăng tẩm, đền miếu, phủ đệ, đình chùa… đa dạng và mang tính toàn diện) gắn với di sản phi vật thể truyền thống (Nhã nhạc; tuồng, múa, ẩm thực, trang phục cung đình; ca, lý Huế, các hình thái lễ hội cung đình và dân gian) độc đáo. Đây là ưu thế cần phải nhấn mạnh và làm nổi bật. Trong tiêu chí về các yếu tố truyền thống trong đô thị, cần đề xuất tiêu mục về nghệ thuật truyền thống bởi đây là tiêu chí đặc biệt quan trọng, là tính di sản rất đặc thù, chỉ riêng có của Thừa Thiên Huế.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa

Vấn đề lớn nhất hiện nay là yếu tố kinh tế đô thị, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách và khả năng cân đối ngân sách địa phương của Thừa Thiên Huế chưa cao dù những năm gần đây, dấu hiệu phát triển đang “sáng dần lên”. Do đó, các giải pháp bảo tồn và phát triển di sản của đô thị Thừa Thiên Huế cần lưu ý đến việc cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ đô thị, dịch vụ văn hóa du lịch. Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là đô thị di sản trực thuộc Trung ương sẽ là một động lực quan trọng, tạo cú hích lịch sử để Thừa Thiên Huế bước vào thời kỳ phát triển mới.

Nhà báo Lê Văn Minh Tự (Báo Tuổi trẻ):

Làng quê là một di sản quan trọng

Chúng ta nói nhiều đến di sản kiến trúc, di sản cảnh quan, di sản văn hóa phi vật thể nhưng Huế còn có một di sản quan trọng nữa ít được nói đến, đó là di sản làng quê. Đến đây, có thể sẽ nảy sinh ý kiến tranh luận, rằng quan tâm đến làng quê thì sao mà đô thị được. Nhưng tôi có được một ý kiến rất hay, rất ấn tượng về Huế, rằng: Huế là một trong những ngôi làng ít ỏi còn tồn tại những ngôi nhà đô thị. Kinh thành Phú Xuân xây dựng trên nền của làng Phú Xuân. Trước khi có phố, chúng ta đã có làng. Tôi nghĩ chúng ta nên có di sản làng quê. Thừa Thiên Huế có một hệ thống di sản làng quê rất phong phú. Ở miền núi có làng miền núi. Vùng gò đồi trung du có làng gò đồi trung du, làng đồng bằng, làng ven đầm phá, làng di tích…

Nhà báo Lê Văn Minh Tự

Nhà báo Lê Văn Minh Tự

Quá trình phát triển đô thị, chủ nhân của những ngôi làng xinh đẹp ven đô vẫn âu lo, rằng không biết mai này làng lên phố, không gian sống ấy còn đẹp như cũ không. Do vậy, tôi nghĩ, trong việc xây dựng tiêu chí đô thị di sản, nên quan tâm đến yếu tố di sản làng quê. Nếu vậy, khi thiết kế, quy hoạch và xây dựng đô thị, tôi đề xuất chúng ta nên bảo tồn những ngôi làng này. Đây là thứ di sản mà nếu sau này, trong quá trình đô thị hóa để tùy dân đốn tre, nhổ chè tàu và thay bằng hàng rào bê tông…, khiến nó mất đi, thì chúng ta mới thấy di sản văn hóa làng quê ấy quý giá chừng nào.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh:

Di sản còn phải mang lại giá trị kinh tế

Bên cạnh đề án mở rộng không gian đô thị Huế, việc quan trọng là chúng ta phải giữ gìn và phát huy được những di sản mà Huế đang có nguy cơ bị mất. Huế đang có nhiều di sản được UNESCO công nhận nhưng phải làm gì để 4.0 hóa những di sản ấy, đưa vào đời sống đương đại? Tại sao cho đến thời điểm này, Đại học Huế vẫn chưa mở được Khoa Huế học? Nhiều người đánh giá, Huế là nơi còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa tinh túy của người Việt, cần phải giữ gìn và phát huy khối tài sản vô giá này ra sao trong bối cảnh xã hội hiện nay? Đó là vấn đề cấp thiết phải giải quyết.

GS.TS. Trần Hữu Dàng

Để Huế phát triển du lịch văn hóa từ thế mạnh riêng có, tôi đề xuất với lãnh đạo tỉnh về việc cần xây dựng nơi thờ và trưng bày tư liệu của khoảng 100 danh nhân nổi tiếng của Huế, những người đã làm rạng danh Huế và cả đất nước. Có thể tổ chức những hoạt động “gặp gỡ” danh nhân xưa của Huế. Chẳng hạn, nhân kỷ niệm sinh nhật nhân vật Nguyễn Du thì tổ chức “gặp gỡ Nguyễn Du”, dành cho học sinh, thầy cô giáo, nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm, mến đại thi hào Nguyễn Du, để diễn Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, triển lãm về Kiều, giới thiệu những mộc bản đầu tiên in Kiều…Không chỉ Nguyễn Du, chúng ta còn có thể tổ chức các cuộc gặp gỡ nhiều danh nhân nổi tiếng khác đã từng đóng góp làm rạng danh Huế và từ Huế ra đi làm rạng danh các vùng miền khác trong cả nước. Bằng cách này, Huế thu hút được lượng khách du lịch văn hóa đáng kể. Di sản văn hóa Huế khi đưa vào cuộc sống, ngoài yếu tố bảo tồn còn phải mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Chuyên gia quy hoạch đô thị, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn:

Nhấn mạnh kinh tế biển và các đô thị động lực

Đây là thời gian chín muồi để chúng ta đặt ra vấn đề. Và theo tôi, Thừa Thiên Huế đang có những định hướng đúng trọng tâm, tích cực về nhìn nhận, mở rộng thành phố, trong đó nhấn mạnh yếu tố đặc thù về di sản văn hóa.

 TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn

TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Với tình hình của Thừa Thiên Huế hiện nay, tôi xin có một vài góp ý: Nếu nhấn mạnh yếu tố đặc thù về di sản thì phải trả lời được câu hỏi, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ nộp ngân sách cho Trung ương từ nguồn nào? Theo tôi, Huế cần quan tâm, nhấn mạnh về kinh tế biển. Vì nếu chỉ một mình di sản thì Thừa Thiên Huế không đủ điều kiện kinh tế để nộp ngân sách. Huế có thế mạnh về kinh tế biển, và tiền của Huế chính là đang nằm ở thế mạnh này.

Một trong những cơ hội để đẩy mạnh tiềm lực kinh tế của địa phương là phát triển đô thị đôi Huế - Đà Nẵng. Đó là sánh vai cùng với Đà Nẵng để trở thành hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo tôi, một số vấn đề mà lãnh đạo Thừa Thiên Huế cần quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, là xin vận động chính sách ưu đãi về ngân sách và hạ tầng, trong đó có hạ tầng kết nối vùng và cơ chế chính sách khuyến khích. Thứ hai là vận động điều chỉnh tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, việc mà hiện nay Thừa Thiên Huế đang làm, trong đó nhấn mạnh yếu tố đặc thù về di sản và hình thành đô thị đôi trung tâm vùng kinh tế trọng điểm. Thứ ba, ứng xử hài hòa giữa bảo tồn các giá trị truyền thống và phát triển. Thứ tư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu vực động lực phát triển, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế biển và các đô thị động lực.

THU THỦY (Ghi) - Ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/chat-lieu-cho-bo-tieu-chi-do-thi-di-san-a79911.html