Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa 'Cơm vua' gắn ngày kỵ giỗ - sản phẩm riêng & độc đáo
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế từ những hoạt động dịch vụ khai thác từ chất liệu văn hóa cung đình, có ý kiến gợi ý Thừa Thiên Huế nên chủ động phát triển sản phẩm du lịch 'cơm vua' gắn với ngày kỵ, giỗ hằng năm của các vị vua.
Cơm vua - sản phẩm riêng có và độc đáo của Huế. Ảnh: Đức Quang
Đó là gợi ý của TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Theo TS. Trần Đình Hằng, việc này làm không khó. Quan trọng là cần có sự gắn kết chặt chẽ và lâu dài giữa Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Dọc dài đất nước Việt Nam, hầu như địa phương nào cũng có lễ hội dân gian. Nhưng lễ hội cung đình thì chỉ còn ở Cố đô Huế và chỉ có Huế mới hội tụ nhiều khả năng phục hồi và tái hiện trong cuộc sống đương đại. Ngoài khoảng cách chấm dứt triều đại quân chủ cuối cùng là nhà Nguyễn chưa lâu, Huế còn là Cố đô duy nhất còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn diện mạo của hệ thống kiến trúc cung đình của một thuở vàng son.
Phục dựng nghi thức cúng tế trong lễ Dựng nêu ở Thế Miếu (Đại Nội). Ảnh: Thu Thủy
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An, các lễ hội cung đình nhà Nguyễn được chia làm 2 loại: Tiết lễ và Tế tự. Trong đó, Tiết lễ gồm các kỳ triều hội hàng tháng như: Lễ Đại triều ở điện Thái Hòa, Lễ Thường triều ở Điện Cần Chánh; 3 cuộc lễ Đại tiết hàng năm gồm: Tết Nguyên đán vào ngày đầu năm âm lịch, Tiết Đoan dương vào ngày mồng 5 tháng 5, Tiết Vạn thọ vào ngày sinh nhật của vua; Lễ tế Tiên nông ở khu ruộng Tịch điền vào mùa hạ; Lễ Ban sóc; Lễ Đăng quang; Lễ đại táng… Còn Tế tự gồm: Lễ tế Trời Đất ở Đàn Nam Giao; Lễ tế Xã Tắc; Lễ tế Liệt miếu (những miếu thờ tổ tiên của các vua triều Nguyễn); Lễ tế Thế miếu (nơi thờ các vua Nguyễn quá cố); Lễ tế Văn Miếu… Trong đời sống xã hội hiện đại, nếu những vấn đề thuộc mối liên quan xưa – nay, cũ – mới theo chuyển hóa của lịch sử được giải quyết, những lễ hội cung đình trong đời sống cung đình nhà Nguyễn hoàn toàn có thể được hồi sinh thích nghi, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, giao lưu văn hóa cũng như đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh của mỗi một người dân.
Trước đây, trong một lần bàn đến vấn đề “Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hóa và du lịch ngày nay”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã nhấn mạnh: Huế hoàn toàn có khả năng chọn lựa để tái hiện những lễ hội cung đình đặc sắc, hoành tráng và thích hợp nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu văn hóa và du lịch của thời đại. Ông đề xuất: “Vì Huế chứa đựng trong lòng mình một kho tàng to lớn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nên chúng ta có thể phục hồi dần các lễ hội cung đình mang giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật truyền thống. Lễ hội cung đình Huế đang trở thành một di sản văn hóa tinh thần và là một sản phẩm du lịch cao cấp nhất, là phần hồn làm sống động và nâng cao giá trị hơn cho các kiến trúc di tích. Nếu chúng ta không phục hồi ngay từ bây giờ, thì e sẽ muộn màng. Mấu chốt của vấn đề là việc tổ chức thực hiện của các nhà quản lý văn hóa và hoạch định du lịch tại địa phương”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh đứng lễ nguyện cầu bình an trong lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Đức Quang
Tuy không thường xuyên, nhưng nhiều năm nay thỉnh thoảng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn mời đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, hay lễ giỗ của một số vị vua Nguyễn, như: vua Gia Long, vua Thành Thái, vua Duy Tân... Ở các buổi lễ, không khí trang nghiêm gợi cho người tham dự nhiều cảm xúc thiêng liêng rất khó tả.
Theo TS. Trần Đình Hằng, Cố đô Huế còn đó cả một hệ thống lăng tẩm, đền đài và phủ đệ nhưng lại không thường xuyên tổ chức được những hoạt động dịch vụ tâm linh, liên quan đến đời sống sinh hoạt xưa thì thật bỏ phí. Việc kết hợp lễ giỗ các vị vua Nguyễn để tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch là điều hoàn toàn có thể. Nếu thống nhất làm, có thể công khai lịch kỵ giỗ, nghi thức cúng tế hàng tháng, hàng năm ở Đại Nội và các lăng tẩm. Sau đó, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch tham gia. Các doanh nghiệp du lịch chịu trách nhiệm trực tiếp việc quảng bá, kết nối du khách và tổ chức các dịch vụ đi kèm. Du khách muốn tham gia hoạt động này phải có vé. Giá trị họ nhận được từ dịch vụ này chính là những giá trị tinh thần, sự kết nối tâm linh với tiền nhân và thưởng thức một bữa “cơm vua” đúng chất, đúng nghĩa sau phần nghi lễ.
“Tham gia dịch vụ này, du khách khăn áo chỉnh tề, thành tâm dâng hương lên tiền nhân và được trải nghiệm một nghi lễ cung đình thiêng liêng đúng nghĩa. Với sản phẩm “cơm vua” dành cho du khách sau mỗi lễ cúng giỗ, lễ tế, thực đơn cũng phải được xây dựng cụ thể, đúng tầm và không tầm thường. Mỗi lễ kỵ giỗ gắn với mỗi nhân vật cụ thể, không gian cụ thể thì chắc chắn cảm nhận của du khách qua mỗi bữa “cơm vua” cũng rất khác với những bữa cơm vua ngoài nhà hàng, khách sạn. Đó cũng là điểm làm nên sự khác biệt và giá trị của sản phẩm đúng chất cung đình Huế. Hoạt động dịch vụ này sẽ rất phù hợp với dòng du khách muốn tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống, với cội nguồn lịch sử. Nếu làm “nên chuyện”, thì đây là sản phẩm du lịch độc đáo của riêng Cố đô Huế”, TS. Trần Đình Hằng nói.