Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Giữ gìn tính cách Huế - văn hóa Huế
Xây dựng chiến lược về văn hóa Huế, con người Huế nhằm giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp; bảo tồn, gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị di sản là những điều TS. Phan Thanh Hải quan tâm trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
Thưa ông, với cương vị mới, ông có những quan tâm nào đối với công tác bảo tồn di sản, xây dựng văn hóa?
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân nỗ lực rất lớn, làm được nhiều việc để phục hưng kho tàng di sản khổng lồ, làm nền tảng cho du lịch, dịch vụ phát triển. Tuy vậy, mức độ đầu tư cho văn hóa di sản còn khiêm tốn, chủ yếu mới dành cho Quần thể Di tích Cố đô Huế. Trong khoảng 25 năm (1993-2018), đầu tư cho Quần thể Di tích Cố đô Huế khoảng 1.600 tỷ đồng, nhưng đầu tư cho các di tích nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng trong 10 năm gần đây.
Huế gần như không có các thiết chế văn hóa trọng điểm, trong khi một đô thị di sản, thành phố văn hóa đòi hỏi rất nhiều thiết chế văn hóa. Nhiều bảo tàng đang xuống cấp, “ở trọ” tạm bợ, như Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đến nay vẫn chưa có trụ sở, ngoài hai không gian trưng bày tác phẩm Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Hệ thống hội trường dành cho hội nghị, hội thảo và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quy mô chưa có, trong khi Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh được xây dựng từ năm 1978 (đã quá lâu), cũ kỹ. Thư viện xứng tầm cũng chưa có.
Huế nổi tiếng là vùng đất giữ gìn được nền văn hóa cổ kính, truyền thống nhất Việt Nam. Nhưng, cơn lốc của đô thị hóa, hội nhập phát triển cũng phá vỡ nhiều giá trị truyền thống của gia đình, nếp sống người dân, những tập tục tốt đẹp. Từ thành phố đến nông thôn, những nguy cơ về tệ nạn xã hội, tỷ lệ ly hôn tăng nhanh khiến các giá trị truyền thống bị tác động.
Ngành văn hóa đang đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng chiến lược về văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có chiến lược xây dựng con người Huế, nếp sống Huế để giữ gìn những giá trị “của báu” cha ông truyền lại. Nó là “của hiếm”, là nguồn tài nguyên để phát triển. Đây cũng là vấn đề lớn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó giáo dục truyền thống là nền tảng để giữ gìn nếp sống tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục không phù hợp, kém văn minh, như tục tang ma, rải vàng mã, bài trừ các tệ nạn xã hội…
Huế có hệ thống di sản phong phú, vậy khó nhất trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản là gì, thưa ông?
Những di sản của quá khứ để tồn tại trong cuộc sống đương đại phải được truyền sức sống từ quá khứ, được chuyển hóa để sống được trong cuộc sống đương đại. Còn nếu trở thành vật cản trên con đường phát triển thì cố giữ cũng không được, đó là quy luật. Trên cơ sở đánh giá tổng thể về những di sản, giá trị văn hóa đang có, ngành văn hóa đề xuất, tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế chính sách để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đưa di sản hội nhập với cuộc sống đương đại để nó trở thành thành tố cho sự phát triển.
Chúng ta tự hào là vùng đất văn hóa, có hệ thống di sản đồ sộ nhưng số lượng di tích, di sản được công nhận vẫn ít so với nhiều địa phương khác. Việc cần làm trước mắt là tổng kiểm kê, tăng cường công nhận những di tích có giá trị để pháp luật bảo hộ di tích, nâng cao vị thế vùng đất.
Việc bảo tồn di sản gặp khó khăn từ nhiều phía, từ cơ chế chính sách, nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng. Luật Di sản còn khá nhiều điểm bất cập, cần điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, tâm lý một số gia đình, dòng họ không muốn công nhận di tích, dù đó là di tích có giá trị vì họ cho rằng sẽ bị ràng buộc bởi pháp luật, muốn tu sửa cũng khó khăn. Vì vậy, cần điều chỉnh quy trình, thủ tục gọn nhẹ, đơn giản để vừa bảo vệ được di tích nhưng dễ dàng cho chủ thể tu sửa, trùng tu di tích.
Chính quyền địa phương ở một số nơi coi di tích, di sản được công nhận là gánh nặng. Nguồn vốn phân bổ về địa phương rất ít dành cho công tác trùng tu di tích. Hơn ai hết, chính quyền địa phương phải hiểu rõ đó là tài sản rất quý do họ trực tiếp quản lý.
Vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Huế nức tiếng gần xa. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Tỉnh đang hướng đến xây dựng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, ngành văn hóa sẽ ưu tiên và tập trung những yếu tố nào nhằm tạo sự đột phá?
Nhiệm vụ của ngành gắn liền với chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn hướng đến 2045. Trong đó, đô thị di sản đặc thù gồm các giá trị di sản vật thể phải được nhận diện, quy hoạch, định hướng bảo tồn. Các giá trị phi vật thể bao gồm hệ thống lễ hội, ngành nghề thủ công truyền thống được vận dụng, tôn vinh vào các kỳ festival và định hướng khai thác tạo ra sản phẩm để phát triển du lịch, dịch vụ.
Trong đô thị di sản, con người vẫn là nhân tố trung tâm của sự phát triển, vì thế, chiến lược xây dựng văn hóa Huế, con người Huế, nếp sống Huế, tính cách Huế phải là hạt nhân. Ngành văn hóa sẽ chung sức cùng với tỉnh để xây dựng, thực hiện đề án đô thị di sản đặc thù; tiên phong trong việc xây dựng đề án văn hóa Huế, con người Huế. Trong đó, giáo dục truyền thống, xây dựng con người, nếp sống văn hóa của đô thị, nông thôn làm nòng cốt cho sự phát triển.
Festival Huế 2020, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp như thế nào để tạo dấu ấn, chất lượng?
Trong Festival 2020, tỉnh đã giao cho ngành văn hóa thể thao tổ chức 2 hoạt động chính: Ngày hội áo dài và liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật. Sở Văn hóa và Thể thao đang tích cực chuẩn bị cho hai hoạt động trên, đến nay kịch bản tổng thể đã cơ bản xây dựng xong. Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số đơn vị để phối hợp tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao lớn trước và trong dịp Festival Huế 2020.
Sở Văn hóa và Thể thao còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối toàn bộ hoạt động của Festival Huế, thẩm định nội dung, kịch bản các hoạt động, sự kiện để tham mưu kịp thời cho Ban tổ chức Festival. Hy vọng, chúng ta sẽ có một kỳ festival hoành tráng, chất lượng nhân dịp 20 năm Cố đô Huế tổ chức hoạt động này.
Với lĩnh vực thể thao, ngành sẽ làm gì để ngày càng có nhiều hơn các thành tích trong và ngoài nước?
Trong năm 2019, thể thao Thừa Thiên Huế đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Tổng số các loại huy chương đạt được từ các giải trong nước, quốc tế đều vượt xa so với các năm trước. Lần đầu tiên, chúng ta có HCV môn đá cầu thế giới (của VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh), kỷ lục quốc gia đặc biệt môn bắn cung (của VĐV Nguyễn Thị Thanh Nhi)... Đây là kết quả của quá trình đầu tư đúng hướng của ngành. Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào các môn thể thao vốn là thế mạnh của Thừa Thiên Huế, như: đá cầu, bắn cung, vật, võ, cờ vua, cầu lông...
Sở đã kiến nghị tỉnh ưu tiên đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các bộ môn này, cùng với đó là chế độ ưu đãi cho VĐV. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển thể thao phong trào, nhất là các bộ môn, như: cầu lông, bóng đá, quần vợt, bơi, đua ghe, khiêu vũ thể thao...
Ông có thể chia sẻ về công việc mới và những tâm huyết để xây dựng, phát triển văn hóa tỉnh nhà. Với cương vị mới, mong muốn lớn nhất của ông là gì?
Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là làm sao cả cộng đồng từ chính quyền địa phương, các tổ chức, sở, ban, ngành đến người dân thực sự hiểu đúng giá trị, tầm quan trọng của văn hóa. Từ đó, trân trọng và quan tâm đầu tư cho văn hóa.
27 năm gắn bó với công việc bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu, giữ gìn các di sản, tôi nghĩ, mình cũng có nền tảng cơ bản của công việc trước đây đã đảm nhận, có tầm nhìn rộng hơn với lĩnh vực mới. Mong ước của tôi làm sao cống hiến được kinh nghiệm, trách nhiệm, kiến thức mình có, cố gắng vài năm tới ngành văn hóa có những thay đổi đáng kể và là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Sự đột phá trong văn hóa không phải dễ mà đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược và sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản, công phu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/giu-gin-tinh-cach-hue-van-hoa-hue-a78862.html