Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Không gian Bến Xuân nghệ thuật vị môi trường

Những giai điệu du dương của âm nhạc truyền thống lẫn hòa nhạc Đông Tây cổ điển đã đưa người nghe vào không gian lãng mạn trong khu vườn có tên Bến Xuân nhìn ra sông Hương thơ mộng. Ở đó không chỉ có thi ca âm nhạc mà còn có những con người âm thầm, lặng lẽ làm Huế xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Chủ nhân của không gian ấy là đôi vợ chồng Việt kiều Thụy Sĩ hồi hương Trương Đình Ngộ và bà Camille Huyền. Đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật, đêm nhạc được gia chủ tổ chức trong không gian này vì thỏa thích niềm đam mê ca hát của chính bản thân và bè bạn. Thế rồi, thời gian gần đây hai vợ chồng chủ nhân Bến Xuân tiếp tục có nhiều hoạt động không chỉ vì niềm đam mê ấy, mà còn vì trách nhiệm của công dân với vùng đất mà mình đang sống, với ngôi nhà mình đang nương náu có dòng sông Hương tuyệt đẹp chảy qua.

Các nghệ sĩ trình diễn trong đêm nhạc gây quỹ xây dựng bãi tắm công cộng trên sông Hương

Các nghệ sĩ trình diễn trong đêm nhạc gây quỹ xây dựng bãi tắm công cộng trên sông Hương

“Mình phải làm một việc gì đó có ích. Để mọi người có thể vừa hưởng thụ nghệ thuật, vừa chung tay với nhau làm cho Huế mãi xanh, cho dòng Hương mãi sạch” – ông Ngộ chia sẻ. Cũng chính ông trước đó là người khởi xướng, hình thành nên nhóm thiện nguyện “Cảm ơn dòng Hương”. Hai vợ chồng quyết định mở những đêm nhạc mà họ gọi là “nghệ thuật vị môi trường”, gây quỹ làm sạch dòng Hương và xây bến tắm công cộng chính trên dòng sông ấy.

Rất nhiều bè bạn của đôi vợ chồng là những nghệ sĩ từ Nga, Ý… xa xôi ngay khi nghe ý tưởng đã về Huế để biểu diễn. Tất nhiên, không thể thiếu những nghệ sĩ Huế nặng lòng với vùng đất mình sinh ra, lớn lên. Trong không gian không thể đẹp hơn, khoảnh sân bán nguyệt tựa vào ngôi nhà rường truyền thống hướng mặt ra sông Hương trở thành một sân khấu để mọi người có thể trình diễn và thưởng thức. Những giai điệu âm nhạc truyền thống cứ thế xen lẫn với một vài tiết mục hòa nhạc Tây phương đưa người nghe chìm vào cảm xúc ngây ngất.

Giọng ca Nguyễn Khắc Hòa, quê Quảng Bình đang học tập, sinh sống ở Nga bảo rằng từng đi hát, biểu diễn nhiều nơi nhưng đêm diễn ở Bến Xuân nhìn ra sông Hương để gây quỹ làm bãi tắm thật sự vô cùng ý nghĩa. Với giọng ca trẻ sinh năm 1993, được hát ở Huế, được góp một phần nhỏ bé vào chương trình nghệ thuật vị môi trường đó là vinh dự.

Từ đầu năm đến nay, có hai đêm nhạc như thế được đôi vợ chồng Trương Đình Ngộ và Camille Huyền tổ chức. Ở đó không chỉ có những người thật sự đam mê nghệ thuật mà còn có những nhà nghiên cứu, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, các bạn trẻ sinh viên… quan tâm đến lĩnh vực thiên nhiên, môi trường.

Trong đêm nhạc vào đầu tháng 8 vừa rồi, khi nghe ông Ngộ nói về ý tưởng của đêm nhạc, những tràn vỗ tay cứ thế liên tục, nối tiếp và kéo dài. “Thông qua những đêm nhạc như thế, chúng tôi mong mọi người chung tay góp phần ủng hộ để bảo vệ môi trường cho Huế và xây dựng bãi tắm công cộng trên sông Hương. Bãi tắm ấy là của từng người dân Huế, của du khách gần xa, của mọi người…” – ông Ngộ nhắn gửi.

Các nghệ sĩ trình diễn trong đêm nhạc gây quỹ xây dựng bãi tắm công cộng trên sông Hương

Các nghệ sĩ trình diễn trong đêm nhạc gây quỹ xây dựng bãi tắm công cộng trên sông Hương

Khi được mời phát biểu, trong tư cách cá nhân, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND TP. Huế kể rằng, bản thân từng đi nhiều nơi trên thế giới, ngắm nhìn rất nhiều con sông chảy qua một vài thành phố nhưng như lời ông nói, chưa có con sông nào chảy vào giữa lòng thành phố trong xanh, sạch đẹp như sông Hương. Dòng sông ấy không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, mà còn cả vật chất. Vì thế khi đến nghe đêm nhạc, được lắng nghe ý tưởng làm cho Huế xanh, sạch và xây dựng bãi tắm cộng đồng ông rất ủng hộ.

Chính những đêm nhạc như thế đã đem ước nguyện của mỗi người và tình yêu sông Hương đến gần với nhau hơn. Và ít, nhiều ai ai cũng đóng góp chút ít cho công trình công cộng mà khi hoàn thành tất cả mọi người đều có thể thụ hưởng. Bãi tắm ấy dự tính sẽ được đặt khu vực công viên, đối diện số 20 Nguyễn Phúc Nguyên (phường Kim Long) với diện tích 3.000 m2 bờ sông, 500m2 dưới nước. Ở đó có thiết kế bao gồm bãi đậu xe, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ… để mọi người vừa tắm, vừa thư giãn, đọc sách. “Tắm mình trên dòng Hương cũng là cách giáo dục về tình yêu với dòng sông, với môi trường cho mọi người…”, ông Ngộ ước mong.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/khong-gian-ben-xuan-nghe-thuat-vi-moi-truong-a76059.html