Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Thương nhớ NSƯT Lê Quý Hòa: Nhà quay phim, đạo diễn nổi trội của truyền hình Huế
Tối 19/11, trong khi đang hào hứng theo dõi trận đá bóng giữa Việt Nam - Thái Lan, bất ngờ tôi nhận hung tin: Lê Quý Hòa qua đời!
Lê Quý Hòa, sinh năm 1957, quê ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế, cuối năm 1982, anh được nhận vào làm biên tập viên của Phòng Chương trình Đài Truyền hình Huế.
Trong sự nghiệp của mình, Lê Quý Hòa đã cùng đồng nghiệp mang về cho cơ quan 21 huy chương (trong đó có 8 HCV) tại các kỳ liên hoan phim truyền hình toàn quốc và 7 giải Báo chí Thừa Thiên Huế (trong đó có 2 giải nhất và 1 giải A) - một con số nổi trội mà bất cứ nhà quay phim nào cũng phải kính nể (sau này có những tác phẩm anh vừa đạo diễn vừa quay phim). Năm 2004, Lê Quý Hòa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Lê Quý Hòa học văn nhưng lại nổi danh nhờ quay phim và làm đạo diễn! Trong một lần trò chuyện, anh tâm sự: “Thời tôi ở phòng chương trình, do thiếu cameramen, ỷ tôi ở gần nhà cơ quan nên anh em hay nhờ đứng máy giúp. Vì phải trực máy, không có gì làm nên tôi chăm chú theo dõi các chương trình phát sóng. Những khuôn hình đẹp, những cú bấm máy “điệu nghệ” dần dần hớp hồn tôi. Đầu những năm 1990 ở TP. Hồ Chí Minh có mở các lớp đào tạo quay video ngắn ngày (đây cũng là thời kỳ Đài Truyền hình Huế chuyển từ phim nhựa sang ghi hình bằng băng từ). Đón xu thế mới, nghỉ phép tôi xin nhập học (kinh phí tự túc).
Học về tôi được cơ quan cho đi quay, nào ngờ năm 1991 chương trình ca nhạc “Tiếng hát cô giáo Kim Anh” được trao Huy chương Bạc.
Thấy tôi nhiệt tình nên chị Thu Lưỡng, anh Hồ Hiếu mời tôi tham gia quay chương trình dân ca “Dòng Hương vang vọng câu hò” và năm 1994, chương trình này được trao Huy chương Vàng.
Từ đó cái tên quay phim Quý Hòa liên tục xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình Huế đoạt giải ở các kỳ liên hoan phim truyền hình toàn quốc”.
Tôi nhớ, dạo đó, sau khi xây dựng kịch bản và cung cấp tư liệu phim (vua Khải Định do Pháp quay năm 1928), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có nhờ một người thực hiện bộ phim tài liệu về triều Nguyễn nhưng không rõ vì lý do nào đó việc không thành nên nhờ Đài Truyền hình Huế giúp đỡ và Giám đốc Ngô Quang Ân đã giao cho Lê Quý Hòa thực hiện bộ phim này.
Gần cả năm cặm cụi, bền bỉ thực hiện, cuối cùng bộ phim “Cải cách hành chính dưới thời Minh Mạng” được trao Huy chương Vàng vào năm 2001.
Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên do Lê Quý Hòa thực hiện với tư cách vừa quay phim kiêm đạo diễn; tạo đà để 2 năm sau, năm 2003, bộ phim tài liệu “Nhạc lễ cung đình - những nỗi thăng trầm” do anh thực hiện được trao Huy chương Vàng.
Ngoài 2 bộ phim tài liệu này, Lê Quý Hòa đã còn tham gia cùng Hồng Ngọc thực hiện phóng sự “Chuyện của Hoàng” (Huy chương Vàng năm 2006) và cùng Thạch Hải thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập mang tên “Sông Hương” do Hồ Đăng Thanh Ngọc viết kịch bản (đoạt giải A Báo chí Thừa Thiên Huế năm 2009).
Trong cuốn Kỷ yếu kỷ niệm 35 năm xây dựng & phát triển Truyền hình Huế có liệt kê tác phẩm “Nơi cơn lũ đi qua” của Đinh Hiếu - Quý Hòa được trao Huy chương Vàng năm 2000 nhưng không đề thể loại.
Trên thực tế đó là một phóng sự ngắn phản ánh nổi đau sau thảm họa của trận lũ lịch sử năm 1999. Hình ảnh chủ yếu là do 2 anh quay khi theo các đoàn cứu trợ ở vùng thượng nguồn sông Hương.
“Đắt nhất” là tình huống người đàn ông, mặc dù miệng đang nhai ngấu nghiến gói mì nhưng theo bản năng, vì đang đói tay kia với ra xin tiếp và hình ảnh cô bé tên Diễm giọng nghẹn ngào khi thưa với Trưởng Ban Khoa giáo, nguyên Bộ trưởng Giáo dục& Đào tạo GS.Trần Hồng Quân: “Cháu muốn đi học… mà không có sách vở” vì sách vở của em đã lấm lem bùn đất!
Đồng nghiệp và khán giả trong, ngoài nước sau khi xem những hình này (do Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng) đều nghẹn ngào vì Huế, song ít ai biết rằng sau khi quay xong hình ảnh “người đàn ông” kia, khi quay trở lại cơ quan thì trời đã về chiều. Mặc dù rất đói nhưng Quý Hòa đã tranh thủ dựng nhưng do e ngại hình ảnh
“bêu rếu chế độ” nên đã có người cản ngăn, không truyền được cáp quang cho Trung ương.
Hôm sau, Quý Hòa tìm gặp tôi, quay quắt kể lại sự việc. Tôi xem thấy không có vấn đề gì và hình ảnh lại tiêu biểu cho dân vùng lũ đang đói nên đề nghị cho truyền.
Dù muộn hơn một ngày nhưng tối 6/11/1999, trong chương trình Thời sự lúc 19 giờ, BTV Thanh Lâm đã trân trọng giới thiệu và phóng sự ấy đã lan tỏa. Kể từ đó, Quý Hòa quý mến và chơi thân thiết với tôi. Cũng vì quý mến nên sau khi thực hiện bộ phim tài liệu “Sông Hương”, Quý Hòa chiếu cho xem bản nháp.
- Tất cả tuyệt vời nhưng có việc chưa ổn!
- Việc gì hả anh?
Tôi trả lời Quý Hòa:
- Cậu có biết bài hát "Chuyện chiếc cầu đã gãy” sáng tác trong hoàn cảnh nào không?
Sau khi nghe tôi phân tích, Quý Hòa đồng ý thay đổi.
Hai chi tiết vừa nêu, cho thấy Đạo diễn - NSƯT Lê Quý Hòa là con người khiêm nhường, không cố chấp, chịu khó tìm tòi học hỏi và lặng lẽ thực hiện cho bằng được điều mình tâm huyết, đam mê.
Vì anh hiểu rằng, sự nghiệp của người làm báo, tác phẩm mới là điều cốt yếu.
Xin vĩnh biệt người bạn-NSƯT Lê Quý Hòa!