Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Về một giải thưởng nữ giới đặc biệt
Đó là giải thưởng Đức Nam Phương và công chúa Phương Dung đặc biệt 'vì sự tiến bộ của phụ nữ', do Nam Phương hoàng hậu lập nên.
Trong xã hội truyền thống, định chế Nho giáo phụ quyền xuyên suốt nên trong mọi mặt đời sống, luôn có sự phân công một cách rạch ròi đến mức cực đoan, thì nữ giới hầu như chỉ được giới hạn thường trực trong môi trường gia giáo, với nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh để đảm đương sứ mệnh hương hỏa.
Chính vì vậy, trong bối cảnh tiếp xúc văn minh Pháp - Việt đầu thế kỷ XX, phẩm giá, tài năng của người phụ nữ càng có nhu cầu được xã hội trọng vọng, tôn vinh, đặc biệt là trong việc phát huy lợi thế khéo léo, đảm đang của họ trong vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục, y tế, nhân sự... Trường nữ sinh Huế được thành lập từ rất sớm - 1908, để thực hiện sứ mệnh đó. Và do nhu cầu xã hội quá lớn, ngôi trường nhỏ vùng Thành Nội không đủ sức đáp ứng, nên năm 1917 phải xây dựng ngôi trường nữ Đồng Khánh quy mô tương đương mô hình Quốc Học. Trong giới đại điền chủ Nam kỳ, và rồi cả trong cung nội, Nguyễn Hữu Thị Lan - Nam Phương hoàng hậu có thể coi là trường hợp điển hình cho xu hướng nữ học - Tây học trong bước chuyển mạnh mẽ của xã hội truyền thống. Cũng từ nữ nhân vật đặc biệt này trong triều đình Nguyễn đã mang về, sáng lập nên cho nữ giới và xã hội Việt Nam nói chung giải thưởng Đức Nam Phương và công chúa Phương Dung đặc biệt “vì sự tiến bộ của phụ nữ”.
Nguyễn Hữu Thị Lan - Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào - Hoàng hậu Nam Phương là con gái của ông bà giáo dân, tú tài toàn phần du học Pháp Nguyễn Hữu Hào - Lê Thị Bình, một người nhan sắc, phúc hậu. Sinh thời, ruộng đất của gia đình ông phú Hào có khắp các tỉnh Nam kỳ. Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 14/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Từ nhỏ, bà đã sớm sùng đạo, thông minh học giỏi và rất tinh tế. Lớn lên, Nguyễn Hữu Thị Lan rời quê, lên Sài Gòn sống trong một căn nhà của gia đình để đi học. Năm 12 tuổi, bà được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux ở Paris, một ngôi trường do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành, đào tạo học sinh rất nghiêm ngặt. Năm 18 tuổi, bà tốt nghiệp tú tài toàn phần và lên tàu hồi hương.
Sau những lần gặp gỡ, vua Bảo Đại đã đem lòng yêu thương người con gái phương Nam này và quyết định cưới làm vợ vào năm 1934. Bốn ngày sau hôn lễ, bà được Bảo Đại tuyên bố lập làm hậu: Nam Phương hoàng hậu. Hậu được đánh giá cao về trí thông minh, phẩm hạnh và nhan sắc, nổi bật sự hòa quyện tinh tế nét đẹp truyền thống và hiện đại.
Khi còn tại vị, cứ đến lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Nam Phương hoàng hậu đều có lời hiệu triệu đến phụ nữ. Cho đến nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng năm 1954, bà muốn dành một tình cảm đặc biệt cho giới nữ và cả các cháu thiếu nhi bằng cách “ban tứ” hai giải thưởng: Một là, giải thưởng công chúa Phương Dung dành cho cuốn sách có giá trị nhất, trong các loại sách mới xuất bản dành riêng cho con nít mới lớn lên đọc. Hai là, giải thưởng Đức Nam Phương dành cho người phụ nữ nào có nhiều sáng kiến, hành động giúp nạn nhân chiến tranh khắp cả nước, không phân biệt giàu sang, giai tầng trong xã hội.
Sau khi Đổng lý văn võ phòng Đức Quốc trưởng ra Thông tư số 547-ĐQT/VVP/3A ngày 18/2/1954, Phủ Thủ Hiến Trung Việt đã thông tư cho các tỉnh, thị trưởng biết để đề nghị mỗi tỉnh, thị đề cử hai người phụ nữ xứng đáng nhất. Hầu như các địa phương đều trả lời là không thể chọn cử được người xứng đáng mà chỉ có tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Sóc Trăng có đề nghị mỗi tỉnh 2 người. Sau khi xét duyệt những người được các tỉnh đề nghị, Ủy ban Toàn quốc đã quyết định trao tặng giải thưởng.
Cụ thể, đối với giải thưởng Đức Nam Phương, trao cho bà Hồ Ngận, trợ giáo Trường nữ học Hội An (Quảng Nam). Đây là một gia đình thanh bạch, từ năm 1947 đến năm 1954, không một công việc từ thiện nào giúp đỡ đồng bào chiến nạn mà không có bà tham dự. Hai người nữa được nhận giải thưởng này là bà Nguyễn Thị Nga ở Lịch Lai Thượng (Sóc Trăng) và bà Lê Thị Ngộ, 42 tuổi, ở thị xã Quảng Trị, rất giàu lòng vì việc nghĩa. Trong các tổ chức quyên tiền giúp quỹ thương binh và quỹ nạn nhân chiến tranh, bà Ngộ nổi tiếng là người không nài công khó, luôn sốt sắng tham gia, cả công lẫn của. Tổng số tiền của giải thưởng là 30.000 đồng (giá trị rất lớn thời bấy giờ), chia đều cho ba người.
Đối với giải thưởng công chúa Phương Dung, với tổng trị giá 30.000 đồng, được chia đều cho 2 người là bà Nguyễn Thị Hai, sống tại Sài Gòn và ông Nguyễn Duy, giáo sư trường Phan Thanh Giản (Bến Tre). Toàn bộ số tiền cho giải thưởng này đều do Ngân sách Quốc gia chi trả.
Mặc dù giải thưởng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng quan trọng hơn, đã thể hiện được sự quan tâm, tình cảm ưu ái đặc biệt của hoàng hậu Nam Phương dành riêng cho người phụ nữ nước nhà trong bối cảnh xã hội đương thời. Đó là niềm khích lệ, tinh thần cổ vũ quý giá dành cho những người có đóng góp thiết thực cho các hoạt động từ thiện, nghiên cứu sáng tạo, gắn liền với vai trò và sứ mệnh của người phụ nữ hay phục vụ các cháu nhi đồng. Lập nên những quỹ hay giải thưởng tương tự gắn liền phụ nữ, cho sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh xã hội hiện nay cũng là phương thức hữu hiệu để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/ve-mot-giai-thuong-nu-gioi-dac-biet-a78609.html