Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Về tấm bia 'Thanh Lam tự điền bi ký'
Qua một đợt khảo sát thực địa ở cánh đồng Thanh Lam, tôi đã tìm thấy tấm bia 'Thanh Lam tự điền bi ký' vào năm 2001 (theo Nhật ký nghiên cứu Huế, đề ngày 2/7/2001).
Mới đây, Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần, số 1012, 13/6/2019 có đăng bài "Đồng sen ven lộ", nội dung bài viết có đề cập đến bia đá "Thanh Lam tự điền bi ký" (bài ký về ruộng tự điền ở Thanh Lam). Bài báo viết: "Đồn rằng, ở cánh đồng Thanh Lam có một tấm bia cổ. Dân gian gọi là bia "Bà chúa". Tấm bia có tên "Thanh Lam tự điền bi ký" do Miên Thẩm viết vào tháng 11 năm Ất Sửu (1865). Bia được dựng ngày trên bờ ruộng, xưa là của Công chúa Nguyệt Đình, con gái thứ 18 của vua Minh Mạng, em cùng mẹ với Miên Thẩm, mua để làm tự điền lập tự cho nhà chồng. Chuyện rằng, bà với chồng là phò mã Phạm Kế Chi chỉ có một cô con gái. Chồng qua đời, bà tìm mua và gặp dịp ông Nguyễn Duy Quy, người Dã Lê, cần bán ruộng tư. Ruộng tọa lạc ở thôn Thanh Lam thượng, gồm hơn 3 mẫu 8 sào... Còn nữa, giá như tìm được hay phục dựng lại tấm bia "Bà Chúa" nơi đám ruộng xưa, đó có thể là một điểm dừng chân giây lát trong hành trình đi vô khám phá du lịch Huế" (1).
Qua một đợt khảo sát thực địa ở cánh đồng Thanh Lam, tôi đã tìm thấy tấm bia "Thanh Lam tự điền bi ký" vào năm 2001 (theo Nhật ký nghiên cứu Huế, đề ngày 2/7/2001). Tấm bia chất liệu bằng đá thanh, khắc bài văn bia "Thanh Lam tự điền bi ký" được dựng trên cánh đồng Thanh Lam, nay thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bia cao 1,07x0,59x0,11m, đặt trên đế có kích thước 0,75x0,40x0,32m; bài văn bia viết chữ Hán nhưng do không có nhà bia nên chữ viết trên bia đã bị mưa gió bào mòn. Riêng tấm bia "Thanh Lam tự điền bi ký" dựng ở khu lăng mộ bà Quy Đức công chúa (tọa lạc ở thôn Thượng 2, phường Thủy Xuân, TP. Huế) thì ở cuối bài văn bia, công chúa Nguyệt Đình (còn gọi là Quy Đức công chúa) có ghi về đất ruộng ở Thanh Lam như sau:
"Xét: Năm nay (1865) mua được một sở ruộng hạng ba ở xứ Bàu Sen thuộc thôn Thanh Lam Thượng. Đông tây giáp tiếp đến đâu đều có ghi trong văn khế. Chiếu theo thời gian mà trả tiền, cộng tất cả là 1.842 quan. Mùa thu này cho người mướn cày và thu một nửa số thóc, mỗi mẫu được 17 hộc. Ruộng có nơi cao nơi thấp, nên làm vụ chiêm không được mấy. Lấy số thóc ấy ngoài việc đóng thuế ra, mỗi năm dù được mùa hay mất mùa, trung bình thóc thu được trong số 3 mẫu 8 sào cũng còn đến 40 hộc. Giá mỗi hộc chừng 5 quan. Số tiền thu được tất cả không dưới 200 quan. Người biết giữ tốt cơ nghiệp, hà đâu chỉ dừng lại ở chỗ dùng cá cơm để cúng giỗ mà thôi" (2).
Nhật ký nghiên cứu Huế của tôi đề ngày "25/2/2014, về thăm lại tấm bia đá "Thanh Lam tự điền bi ký" được dựng trên cánh đồng Thanh Lam (dựng năm 1865), nay thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Tấm bia đá này, Hồ Vĩnh cùng con trai là Hồ Trấn Bách đã dập chữ Hán trên bia ngày 2/7/2001. Đã gần 12 năm rưỡi - Hồ Vĩnh trở lại thăm tấm bia này. Kính cẩn vái 4 vái trước bia đá. Hồ Vĩnh không khỏi bùi ngùi xót xa cho số phận của bà Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh, con gái thứ 18 của vua Minh Mạng".
Qua Nhật ký nghiên cứu Huế cho biết, tôi đã tìm thấy tấm bia "Thanh Lam tự điền bi ký" (Văn hóa tự điền ở Thanh Lam) đã cách đây 18 năm rồi. Theo tôi, tác giả Đan Duy muốn tìm hiểu thêm ruộng "Bà chúa" nên xem Nghiên cứu Huế tập 8 thì được rõ.
Hồ Vĩnh
(1) Đan Duy , "Đồng sen ven lộ", Báo Thừa Thiên Huế, số 1012, ra ngày 13 đến 16.6.2019, tr7.
(2) Hồ Vĩnh, "Giới thiệu một số văn bản chữ Hán tại từ đường Quy Đức công chúa", tập san Nghiên cứu Huế, Tập 8 - 2012, tr.332.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/ve-tam-bia-thanh-lam-tu-dien-bi-ky-a74191.html