Văn hóa nghệ thuật Trung Quốc lan tỏa từ ý tưởng táo bạo của giới trẻ

Nhà sưu tập trẻ tuổi người Trung Quốc - Michael Xufu Huang vừa mở cửa một bảo tàng và triển lãm truyền cảm hứng nghệ thuật đến thế hệ trẻ là các nghệ sĩ và những người yêu thích nghệ thuật.

Theo SCMP, bảo tàng gây ấn tượng đặc biệt ở cổng chào là ký hiệu chữ X lớn làm bằng kim loại ôm trọn tòa nhà 2 tầng ở Triều Dương, Trung Quốc. Giống với hầu hết các sự kiện khác trong năm 2020, buổi khai trương bảo tàng từng phải hoãn lại vì dịch bệnh nhưng chắc chắn sự hiện diện của tòa bảo tàng rất cuốn hút du khách.

Bên ngoài của Bảo tàng X ở Bắc Kinh. Ảnh: Simon Song

Bên ngoài của Bảo tàng X ở Bắc Kinh. Ảnh: Simon Song

Cơ quan Di sản Văn hóa quốc gia Trung Quốc ước tính có hơn 5.100 bảo tàng khắp nước và thậm chí là nhiều hơn con số này. Sự lượng các bảo tàng Trung Quốc hiện nay được cho là nhiều hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ nhưng bảo tàng X mang lại sự mới mẻ khác biệt hoàn toàn so với các bảo tàng tư nhân khác.

"Những gì chúng tôi đang thấy là sự vắng bóng của văn hóa nghệ thuật lan tỏa toàn cầu. Chúng ta cần phải tôn trọng văn hóa và tôi cho rằng bản thân mình có thể làm được điều đó", Huang nói.

Triển lãm có chủ đề ""X Museum Triennial – How Do We Begin?" tạo ra cơ hội khám phá và giới thiệu 33 nghệ sĩ dưới 40 tuổi đến từ Trung Quốc. Triển lãm đã mở cửa vào ngày 30/5 và có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.

Ngày nay, Trung Quốc có nhiều nhà sưu tập là các nghệ sĩ trẻ. Thị trường nghệ thuật Trung Quốc được xem là lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh. Sự gia tăng các nhà sưu tập đi cùng với việc xuất hiện nhiều bảo tàng tư nhân với các ý tưởng khác nhau đã mang đến sức lan tỏa nghệ thuật với thế giới.

"Bởi vì là ý tưởng của giới trẻ, chúng tôi không có bối cảnh nghệ thuật cụ thể nhưng lại có các câu chuyện lịch sử ngắn gọn và linh hoạt nhanh chóng giúp du khách dễ tiếp cận. Mọi thứ cần phải bắt đầu từ đâu đó. Rất nhiều nhà sưu tập thuộc thế hệ cũ được đánh giá là ưu tú nhưng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Ngày nay, chúng tôi may mắn có mức sống tốt hơn. Nhờ có internet, việc tiếp cận thông tin dễ dàng và có tư duy toàn cầu. Trải nghiệm của chúng tôi cũng hoàn toàn khác biệt", Huang nói.

Du khách chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng X. Ảnh: Simon Song

Du khách chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng X. Ảnh: Simon Song

Ở Thượng Hải, các nhà sưu tập lớn của đất nước đã tạo nên nhiều không gian triển lãm. Họ thậm chí đã xây dựng một sân chơi truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thỏa sức tham gia trải nghiệm.

Huang từng theo học bộ môn lịch sử nghệ thuật ở Đại học Dulwich của Anh và đã có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật của Luân Đôn, thăm các bảo tàng và triển lãm. Huang cũng thường xuyên tới các hội chợ và triển lãm nghệ thuật trên toàn thế giới đồng thời có các nghiên cứu cũng như phát triển các bộ sưu tập của mình.

Trải nghiệm của Huang khác với các nhà sưu tập thế hệ trước của Trung Quốc. Những nhà sưu tập thời xưa chỉ được học trong nền giáo dục văn hóa nghiêm ngặt, không có cơ hội đi du lịch nước ngoài hay nghiên cứu lịch sử nghệ thuật phương Tây.

"Tấm bằng lịch sử nghệ thuật đã giúp tôi tự tin hơn trong đam mê sưu tầm mọi thứ liên quan đến nghệ thuật", Huang nhấn mạnh.

Giống với nhiều thế hệ đã trải qua, Huang là con trai duy nhất trong gia đình trí thức. Việc chuyển đổi từ quá trình tích lũy một bộ sưu tập thành một bảo tàng là mong muốn anh muốn chia sẻ cho mọi người những gì anh nhìn thấy và cảm nhận bên ngoài thế giới.

Bảo tàng X không phải là lần đầu tiên Huang lên ý tưởng truyền cảm hứng nghệ thuật lan tỏa đến mọi người. Vào năm 2014, Huang đã từng đồng thành lập một bảo tàng khác có tên là M Wood tại Bắc Kinh cùng với hai chuyên gia Lin Han và Wanwan Le.

Anh cũng không phải là nhà sưu tập duy nhất có các sáng kiến nghệ thuật lan tỏa hiện nay. Trước đó cũng đã có rất nhiều các tên tuổi mở bảo tàng hay triển lãm nghệ thuật văn hóa.

"Chúng ta đều mong muốn có cuộc sống tốt ngày nay. Trung Quốc cũng là một trong số các quốc gia lớn nhất thế giới có quyền lực kinh tế nhưng cần thúc đẩy một nền văn hóa giàu có hơn. Đây là thời điểm hoàn hảo cho mọi người để phát triển văn hóa tinh thần. Chúng ta cần nhiều thứ tích cực hơn cho cuộc sống thay vì nhu cầu mua sắm và tiêu thụ", Huang nói.

Huang cũng bày tỏ mong muốn kết nối văn hóa thông qua nghệ thuật.

"Nghệ thuật là chiếc ô rất lớn. Chúng tôi đang cố gắng kết nối các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật và thời trang tại bảo tàng để giới thiệu đến người xem", Huang cho biết.

"Chúng tôi muốn mang tất cả cảm xúc hòa quyện trong một điểm đến, giúp mọi người có cơ hội trải nghiệm đa giác quan. Chúng tôi không hề áp đặt bất kỳ quy luật nào mà đó là thử nghiệm", Huang nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/van-hoa-nghe-thuat-trung-quoc-lan-toa-tu-y-tuong-tao-bao-cua-gioi-tre-20201209161602838.htm