Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật Bước tiến diệu kỳ & đáng ngưỡng mộ
TTH - Hơn 30 năm miệt mài trùng tu, tôn tạo, diện mạo di sản Huế quả đã làm một cuộc lột xác mà nếu không tận thấy sự đổ nát trước đây nhiều người sẽ không thể tin đó là sự thật…
Ký ức một thời
Cách đây hơn bốn chục năm, khoảng năm 1977-1978 gì đó khi đang là cậu học sinh cấp II, còn nhớ một buổi chiều không hiểu sao giáo viên chủ nhiệm vào thông báo nhà trường cho nghỉ học buổi hôm ấy. Chỉ cần như vậy thôi, cả lớp reo hò như ong vỡ tổ rồi cứ thế kéo nhau đi chơi thả ga, cấm có đứa nào chịu về nhà. Nhóm chúng tôi cỡ khoảng chục đứa, không nhớ chính xác do đứa nào khởi xướng mà cả bọn hăm hở cuốc bộ từ miệt Thủy An qua tới Đại Nội để xem cho biết cung vua. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được tận thấy Đại Nội nó dáng dấp, hình hài thế nào.
Xưa cũ, buồn, và đổ nát, đó là ấn tượng của lũ trẻ nít chúng tôi lần đầu tiên được chạm vào di tích lúc ấy. Chẳng vé chẳng viếc, chẳng ai hướng dẫn (mà cũng ai hơi đâu bỏ công đi hướng dẫn cho lũ trẻ ranh chẳng xu lủng dính túi mà mơ?), cũng chẳng biết đường đi lối lại thế nào, bọn tôi cứ chỗ nào có công trình, chỗ nào có lối đi thì cứ thế mà phăm phăm khám phá. Thấy đỉnh, thấy vạc thì nhao nhao bàn tán về “hình phạt” thả người vào chảo dầu đun sôi. Thấy mấy cột cờ có cột còn sót cái giá ngang trên cao tít thì suy già đoán non đó là… giá treo cổ. Đường đi lối lại, và nhất là ở nhiều bãi đất trống thì cỏ tranh, cỏ ống, cỏ mầm trầu ngút ngàn, cao ngất, cả lũ vừa đi vừa nhắc nhau cẩn thận kẻo gặp “rắn ngài” vẫn thường nghe người lớn cảnh báo là có rất nhiều “trong nội”…
Đến những năm 1980, là sinh viên Trường đại học Tổng hợp Huế, tôi lại càng có nhiều dịp để vào ra Đại Nội. Không phải là để tham quan mà đơn giản là bởi để vào chơi với mấy người bạn là sinh viên trường âm nhạc Huế. Lúc ấy giảng đường và cả khu ký túc xá của trường nhạc đang đóng tại khuôn viên Duyệt Thị Đường. Cảnh quan Đại Nội thời điểm ấy cũng không thấy có gì khá hơn, thậm chí nhiều công trình còn tiếp tục bị xuống cấp thêm; có công trình còn được sử dụng để làm nhà in, nhà hàng, đất đai được tranh thủ canh tác để trồng rau màu cải thiện… “Bao giờ cho đến ngày xưa” với Đại Nội lúc ấy chắc là… còn xưa, là mơ tưởng xa xôi, nhất là trong bối cảnh mà vai trò của triều Nguyễn đối với lịch sử đang còn những đánh giá khá nặng nề, cái ăn cái mặc vẫn còn khó khăn, đường sá, điện nước là những nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống vẫn đang vô cùng thiếu hụt, lấy đâu ra tiền để sửa chữa những công trình đổ nát của vua chúa phong kiến để lại?
Lột xác
Thật may mắn là rồi những ngày tháng ấy cũng qua nhanh, với sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của UNESCO và bạn bè quốc tế, Di sản Huế đã bắt đầu quá trình “phục hưng”. Kết quả là ngày 11/12/1993, trong một phiên họp tại Carthagène (Colombia), Hội đồng Di sản Thế giới đã ghi danh Quần thể Di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới - Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam. Năm 1994, Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản đã trang trọng được tổ chức ngay tại Đại Nội Huế trong sự hân hoan của bạn bè muôn phương và người dân miền Hương Ngự. Công cuộc bảo vệ, trùng tu, phát huy di sản Huế từ đây thực sự chuyển sang một trang mới, chuyên nghiệp, nhiều triển vọng và bền vững.
Bỗng trước thềm Tết Nhâm Dần – 2022, nhiều cơ quan truyền thông, nhiều tài khoản trên Facebook cùng một số mạng khác cho đăng dẫn hình ảnh từ Gettyimages về khu di tích Kinh thành Huế năm 1989 của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Francois De Mulder. Những bức ảnh sống động như kéo tôi trở lại những năm cuối 1980 khi mà hầu như hễ có thời gian là tôi lại lọc cọc đạp xe “vô nội” để chơi với mấy người bạn trường nhạc. Hơn 30 năm miệt mài, diện mạo di sản Huế quả đã làm một cuộc lột xác mà nếu không tận thấy sự đổ nát trước đây nhiều người sẽ không thể tin đó là sự thật.
Và không chỉ có thế. Sau sự kiện 1993 Quần thể Di tích Cố đô được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, Huế còn có Nhã Nhạc, có Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản Thế giới. Huế trở thành “Một điểm đến - 5 di sản”, một địa chỉ quý hiếm không dễ nơi nào hội tụ. Đó là chưa kể Huế còn dự phần trong di sản thế giới về Chầu văn, về nghệ thuật Bài chòi, và có thể sắp tới còn có cả dòng sông Hương huyền thoại nữa…
Còn nhớ trong một lần thăm Thái Lan, khi thấy trong tour có chương trình tham quan di sản thế giới Ban Chiang thuộc tỉnh Udon Thani và thành phố lịch sử Ayutthaya, trong đoàn ai ai cũng phấn chấn, háo hức. Một điểm đến - một di sản đã vậy, huống gì Một điểm đến nhiều di sản như Huế. Dịp tết con hổ vừa rồi, dù bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khu di sản Huế vẫn đón hàng vạn du khách và người dân đến tham quan, chụp ảnh; lượng khách du lịch đến Huế dự kiến sẽ chừng 8 ngàn đã tăng đột biến lên hơn 6,3 vạn, chưa tính lượng thăm thân, lưu trú tại nhà dân… Tuy vẫn rất khiêm tốn so với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song đó hẳn là chỉ dấu cho thấy sẽ có một sự bùng nổ mạnh mẽ của du lịch Huế thời “hậu COVID-19”. Không có di tích, không có sức lan tỏa của những giá trị văn hóa Huế, liệu du lịch, và rộng hơn là kinh tế Huế sẽ gặt hái những kết quả như vậy?
Ba mươi năm - khoảng thời gian không ngắn nhưng chưa phải là quá dài, song những đổi thay đối với hệ thống di tích Huế qua công tác trùng tu, bảo tồn quả là một bước tiến hết sức diệu kỳ và đáng ngưỡng mộ. Sự nghiệp ấy sẽ còn được tiếp nối một cách bài bản, chuyên nghiệp, bền vững, nhiều nguồn lực hơn nữa khi giờ đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/buoc-tien-dieu-ky-dang-nguong-mo-a110216.html