Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật Miền hoa tím
Trên những triền đồi phía Tây kinh thành Huế, nơi lăng mộ của những người muôn năm cũ, có một loài hoa dại thân thảo có màu hồng tím, cánh hoa nhỏ bé xinh xinh đã âm thầm nở trong những ngày đông mưa để chờ khi nắng xuân trở lại là bung ngàn cánh thắm.
Loài hoa hiền như cỏ! Những bông hoa tự quên mùi hương, nở tràn trong yên lặng dưới chân tùng bách. Ảnh: Triền Thảo
Như rứa đó, ban đầu chỉ từ tốn một vài nụ, vài bông lác đác trên những thân cây thấp bé, rồi qua một mùa mưa dài xứ Huế, chờ nắng về là vươn lên, dâng tràn thành những triền hoa, đồi hoa thắm tươi trong yên vắng. Hoa rất lâu tàn, nở như để bày tỏ niềm thiết tha chi đó với cuộc đời. Tôi hằng nghĩ, cái màu hoa ấy có thể là nỗi nhớ, có thể là niềm vui, sự dâng hiến nhưng nhất định không phải là nỗi buồn, tiếng thở than. Mà nếu có là nỗi buồn đi chăng nữa cũng là nỗi buồn sáng, chứa chan nỗi nhớ nhung và niềm hi vọng.
Ngàn vạn bông hoa nở lênh loang khiến những ngọn đồi trong cõi u huyền khi mùa xuân vừa về đến bỗng nhiên hóa thành những ngọn đồi thiếu nữ tím huyền mơ trong sương mưa, trong nắng tươi trong. Hoa không nói bằng hương. Hoa nói bằng màu, cái màu tím hồng tươi rất hiền trong cỏ, như tâm hồn khiêm nhường, thơ mộng của những người phụ nữ nhiều yêu thương.
Vì nghĩ rứa nên mỗi khi bắt gặp, dù chỉ vài bông nho nhỏ, tôi vẫn thường ngoái đầu nhìn lại, lòng cứ vấn vương, tự hỏi loài hoa dại không tên hay có tên mà mình không hay biết. Mãi ám ảnh vì cái cách hoa chỉ nở bên dưới những bờ rào đá, bên những ngôi cổ tự, nở miên man ven những đền đài, lăng tẩm, mộ chí của Vương Triều Nguyễn? Ai là người đã gieo trồng những bông hoa đầu tiên để màu tím trở thành linh hồn cố xứ.
Có chi không cây ơi khi mà hoa chỉ chờ ngọn gió đông ấm áp theo nắng xuân bay lên từ mặt nước sông Hương là choàng tỉnh thức, nở mênh mang. Những tấm thảm hoa hồng tím trên những triền đồi quanh lăng vua Thiệu Trị, lăng Đồng khánh, lăng vua Khải Định... luôn khiến tôi thao thức hoài. Cõi lặng đẹp yên bình, thơ mộng như một bài thơ hay. Ai đến chốn đây sẽ thấy như mình được lạc trôi về một xứ thơ êm đềm, quá đỗi huyền diệu trong miền cổ tích.
Điều tuyệt vời nữa là nơi đây không quá xa trung tâm thành phố Huế, các bạn trẻ sớm chiều đạp xe thể thao lên về Thiên An hay ngược bến Tuần, đều có thể chiêm ngưỡng những vầng hoa nao nức nhớ mùa. Ngàn vạn bông hoa tím như là mơ dệt niềm vui hồn nhiên, thanh thản, hiền hòa dưới những tầng thông già cổ thụ. Ôi loài hoa hiền như cỏ! Những bông hoa tự quên mùi hương, nở tràn trong yên lặng dưới chân tùng bách. Vẻ đẹp ấy luôn khiến tôi liên tưởng đến đức hạnh, vẻ nhu mì của những cung phi với đấng quân vương thuở xa xưa. Hoa hay là kí ức về tình yêu của những người phụ nữ "Nước Huệ" khi xưa với bao hoài niệm thiết tha lòng.
Dù muốn tin như rứa nhưng tôi thấy cần phải biết tên gọi và công dụng của loài hoa một cách khách quan nhất. Xem Google, tôi biết được cây vốn thuộc họ Móc tai Balsaminaceae, thân thảo. Trái có vỏ chia thành 5 mảnh có khả năng co cuốn lại rất nhanh khi nứt tạo thành một lực mạnh bắn phát tán các hạt đi khá xa. Người dân quanh vùng gọi là hoa nứt nẻ. Dựa trên những quan sát thực tế vẫn không xua đi bao mộng mị trong tôi khi biết được thêm rằng trong 36 loài cây thuộc họ móc tai, cánh hoa thường không đều nhau. Riêng ở Huế, loài hoa này có năm cánh khá đều nhau, chỉ nở ở miền lăng tẩm. Tôi vẫn muốn giữ lại những cảm nhận riêng, như một tình yêu vốn đầy thiên vị của tôi với Huế.
Bạn thấy đó, khi xưa hoa đã nở, bây chừ nở, ngày sau vẫn âm thầm nở ở chốn ngàn thu, đủ để nhắc nhở hậu thế nhớ về một Quý Hương xa vời bằng màu hoa chung thủy.
Nếu bạn thích lang thang với ngoại ô thì những con đường mòn vắt ngang những đồi hoa đang chờ đón bạn. Tôi ước ao tìm thấy màu hoa ấy trên trang phục của nữ sinh Đồng Khánh, như cách con người nhận được những lời gửi từ thiên nhiên. Sẽ thật hạnh phúc khi được ngắm những tà áo dài tím nhẹ như một nụ cười hồng lan và tan trong gió bên dòng Hương trong xanh êm đềm. Và từ cái cách cây chọn đất để sống, hoa chọn nơi để nở, tôi tin rồi bạn sẽ khôn nguôi tự hỏi hoa từ đâu đến, vì sao hoa chỉ chọn riêng cho mình chốn thiêng liêng khiến chân người phải luôn bước khẽ. Và thêm một cơ duyên để gìn giữ màu tím dịu hiền cho tâm hồn người phụ nữ miền sông Hương núi Ngự.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/mien-hoa-tim-a109341.html