Văn hóa - Nghệ thuật Văn nghệ - Âm nhạc Phim Việt - Những điểm sáng
TTH - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII có sự góp mặt của 127 bộ phim, trong đó có nhiều tác phẩm phản ánh những lát cắt đa dạng về cuộc sống, chạm đến trái tim khán giả.
Chạm đến đời sống
Phim truyện luôn là thể loại được nhiều người quan tâm ở mỗi kỳ liên hoan phim. Năm nay, liên hoan có 25 phim truyện tham dự, khá phong phú về thể tài và đa dạng về xu hướng cũng như sự khác biệt trong phong cách của nhiều đạo diễn thuộc nhiều thế hệ, dòng phim khác nhau. Trong đó, nhiều ứng viên đã tạo được những cơn “địa chấn” phòng vé, thành công rực rỡ về doanh thu. Đứng đầu là “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành, cán mốc hơn 400 tỷ đồng ở thị trường trong nước, giúp bộ phim trở thành tác phẩm phim Việt Nam có doanh thu cao nhất.
Những cái tên nổi bật trên thị trường điện ảnh Việt Nam hai năm qua, như: “Gái già lắm chiêu V”, “Tiệc trăng máu”, “Ròm”, “Nắng 3”… cũng ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả. Lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy kể câu chuyện chân thực về cuộc sống của những người dân lao động nghèo. Bộ phim được đánh giá cao và từng đạt giải New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (Hàn Quốc) và giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia lần thứ 24 – 2020.
Sau khi công chiếu, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ tạo sức hút lớn, được đánh giá là bộ phim hay nhất trong năm 2019. Với nhiều cảnh quay lãng mạn ở làng quê xứ Huế, “Mắt biếc” kể về mối tình xuyên thời gian của Ngạn dành cho Hà Lan - cô bạn học từ ấu thơ. Tình yêu đó không hề thay đổi khi cả hai lớn lên, chia tách, trải qua nhiều biến cố của cuộc đời... Một bộ phim khác có bối cảnh tại Huế là “Gái già lắm chiêu V” của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito với những cảnh quay đẹp, diễn xuất giàu cảm xúc của dàn diễn viên thực lực cũng được đánh giá cao tại liên hoan phim lần này.
Thể loại phim tài liệu được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt năm nay. Ngoài số lượng phim tham dự khá cao (56 phim), nhiều bộ phim phản ánh được những vấn đề nóng của đời sống xã hội.
Nổi bật trong những tên phim tài liệu dự thi có “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được chú ý trong thời gian qua khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng hiện nay: cuộc chiến sinh tử với dịch COVID-19. Khai thác thể loại phim tài liệu không lời bình, đạo diễn sử dụng chính hình ảnh và lời của các nhân vật để truyền tải đến khán giả những câu chuyện xúc động và thấm đẫm tính nhân văn.
Nỗ lực vượt khó của điện ảnh Việt
Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, nhiều hoạt động tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII không thể tổ chức hoặc thu hẹp quy mô. Ban tổ chức đã rất lo lắng về số lượng, chất lượng các tác phẩm góp mặt ở sân chơi này sẽ vì tác động của dịch bệnh mà thưa vắng. Nhưng thật bất ngờ khi số phim ở các hạng mục phim truyện, tài liệu, khoa học và hoạt hình tham gia đều rất đông đảo, thậm chí vượt số lượng của các kỳ trước. Điều đó khẳng định sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần sáng tạo bền bỉ các nghệ sĩ, nhà sản xuất, các hãng phim.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong hơn hai năm qua nhưng ngành điện ảnh đã nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, hoàn thành nhiều tác phẩm điện ảnh để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Không ít tác phẩm điện ảnh tạo ra những giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ và được ghi nhận về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện cho rằng, những năm gần đây, chất lượng phim Việt được nâng lên rõ rệt, thu hút đông đảo khán giả đến rạp. Nhiều bộ phim được đánh giá cao ở các liên hoan phim quốc tế. Ngoài chất lượng kỹ thuật, nghệ thuật sáng tạo mới, nhiều tác phẩm phản ánh được hiện thực, chạm vào đời sống với những góc khuất rất đời, rất người.
Ngoài phát hành trong nước, phim Việt đã vươn ra thế giới với nhiều bộ phim được trình chiếu ở Canada, Úc, Mỹ… Có thể nói, điện ảnh Việt đang vượt lên chính mình bởi ngôn ngữ điện ảnh cũng như kỹ thuật tiệm cận với kỹ thuật làm phim của thế giới.
Triển lãm 260 bức ảnh về bối cảnh phim và di sản
Trong khuôn khổ LHP, triển lãm “Thừa Thiên Huế - Điểm đến của các nhà làm phim” và triển lãm ảnh “Di sản và Bạn” cũng khai mạc sáng cùng ngày tại Nhà hát Sông Hương.
Triển lãm “Thừa Thiên Huế - Điểm đến của các nhà làm phim” giới thiệu hơn 200 hình ảnh bối cảnh đẹp, nét văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế; hình ảnh từ 19 bộ phim quay tại Thừa Thiên Huế và 10 tấm pano giới thiệu chân dung 10 Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú của ngành điện ảnh là người con xứ Huế.
* Triển lãm ảnh “Di sản và Bạn” do Sở Du lịch phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, trưng bày hơn 60 bức ảnh được chọn lọc nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh những điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
Triển lãm nhằm giới thiệu đến khán giả yêu điện ảnh về một vùng đất với bề dày lịch sử, đa dạng cảnh quan và lòng hiếu khách, truyền cảm hứng lạc quan, khơi dậy tình yêu với di sản của người Việt.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phim-viet-nhung-diem-sang-a106911.html