Văn hóa phải là động lực cho sự phát triển
Chia sẻ với phóng viên báo Lao động Thủ đô, PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, với Hà Nội, văn hóa phải được coi là điểm xuất phát, là trung tâm, là động lực, nguồn lực chủ yếu cho xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô và đất nước.
Phóng viên: Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Đồng chí thấy ấn tượng về kết quả Đại hội vừa qua là gì?
PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ: Thành công của một Đại hội được đánh giá trên hai yếu tố chủ yếu: Văn kiện và Nhân sự. Với Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, hai nội dung này đều đạt được kết quả tốt đẹp.
Về văn kiện Đại hội, ấn tượng với tôi là Thành phố đã chuẩn bị rất bài bản, khoa học, công phu, chu đáo. Điều đó thể hiện ở việc, ngay từ rất sớm, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình Nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20, do đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Chủ nhiệm và các Phó chủ nhiệm chương trình làm Phó Chủ nhiệm chương trình.
Thành ủy Hà Nội còn mời 3 đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tham gia Ban Chủ nhiệm chương trình nhằm tiếp cận, “kết nối”, bám sát các điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Trung ương vận dụng cho Thành phố. Chương trình Nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20 đã được xây dựng với 8 đề tài gắn với việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhiệm kỳ Đại hội XVII (2020 - 2025) và những năm sắp tới, làm cơ sở cho xây dựng các văn kiện trình Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.
Các văn kiện trình Đại hội XVII đã được tổ chức lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân.
Nhờ cách thức tổ chức chuẩn bị bài bản, chu đáo nên các số liệu, luận cứ, đưa ra tại Văn kiện, các nhận định, đánh giá, các đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các giải pháp chủ yếu, các chỉ tiêu chính đều bảo đảm được tính khoa học, có tính khả thi. Ngay từ chủ đề Đại hội XVII đã cho thấy không chỉ phản ánh, bao quát nhu cầu phát triển của Hà Nội mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ với Hà Nội, đó là vai trò “gương mẫu” và “đoàn kết”.
Chủ đề Đại hội cũng thể hiện được khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Có thể nói Văn kiện đại hội XVII đã kết tinh, kế thừa các Đại hội trước và đáp ứng được yêu cầu mới, đó là yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; khơi nguồn đổi mới sáng tạo, bắt trúng mạch quyết tâm, khát vọng của Hà Nội.
Về nhân sự, có thể nói, kết quả đạt được là sự sàng lọc kỹ càng từ cơ sở, là một cuộc sinh hoạt chính trị, là đợt thiết chặt lại kỷ cương của Đảng để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, vì nước vì dân. Các gương mặt mới trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII gồm nhiều cán bộ trẻ, và ngay trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng có nhiều gương mặt trẻ, kỳ vọng sẽ có thể đáp ứng được niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Phóng viên: Theo đồng chí, Thành phố nên tập trung vào những nội dung trọng tâm nào để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội?
PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ: Tôi cho rằng, tầm nhìn của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết Đại hội. Hà Nội được UNESCO tôn vinh là "Thành phố vì hòa bình" năm 1999. Hai mươi năm sau vào tháng 10/2019, Hà Nội lại được UNESCO tôn vinh là "Thành phố sáng tạo" trong mạng lưới 150 Thành phố sáng tạo của thế giới. Việc công nhận này cũng là một sự khuyến nghị Hà Nội phát huy tối đa tài nguyên trí tuệ, nguồn lực văn hóa; Lấy tài nguyên trí tuệ, nguồn lực văn hóa làm điểm xuất phát, điểm tựa, động lực, nguồn lực chủ yếu, để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô.
Chính vì tầm quan trọng của văn hóa đối với Hà Nội như thế, nên khi Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy trước thềm Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là phải nhận thức sâu sắc hơn, đúng tầm hơn trách nhiệm của Đảng bộ thành phố với toàn Đảng, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước và đặc biệt, kinh tế Hà Nội có thể chỉ ở trong tốp đầu, nhưng văn hóa dứt khoát phải đứng đầu cả nước.
Hà Nội phải phát huy tài nguyên trí tuệ con người. Trong tài nguyên con người, thì tài nguyên trí tuệ cực kỳ đặc biệt, vì mọi tài nguyên được khai thác đều dần cạn kiệt, riêng tài nguyên trí tuệ nếu biết khai thác thì càng dồi dào. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, có nguồn tài nguyên trí tuệ con người dồi dào nhất cả nước, nên phải làm được điều này.
UNESCO cũng khuyến nghị Hà Nội phải lấy văn hóa làm trọng, coi văn hóa là điểm xuất phát, là trung tâm, là động lực. Theo tôi, làm bất kỳ điều gì Hà Nội cũng phải nghĩ tới văn hóa, tính tới yếu tố văn hóa. Ví dụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế thì phải đặt câu hỏi văn hóa ở đâu, ứng xử với tự nhiên ra sao…
Với Hà Nội, xây dựng một con đường, một cây cầu, một tòa nhà, một khu đô thị đều phải tính đến yếu tố văn hóa trong đó. Có dịp đến Paris (Pháp), chúng ta thấy, mỗi cây cầu bắc qua sông Seine là một công trình nghệ thuật khiến du khách đều phải dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh. Hàng triệu lượt khách trả phí để được làm điều ấy. Như vậy, văn hóa không chỉ khiến người ta nhớ, ấn tượng mà còn là nguồn thu, là nguồn lực phát triển.
Phóng viên: Không còn lâu nữa Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra, đồng chí có đóng góp gì vào Văn kiện Đại hội?
PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ: Về cơ bản tôi nhất trí rất cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị khoa học, công phu, nghiêm túc, đã có tư duy đổi mới, không chỉ khi so sánh trực tiếp với văn kiện Đại hội XII mà còn so với việc văn kiện đã đáp ứng được thực tiễn hiện nay và xu hướng vận động của thực tiễn sắp tới.
Chủ đề Đại hội có 5 thành tố là rất rõ, vừa định hướng giải quyết nhiệm vụ thực tiễn hiện nay, vừa có tầm nhìn tới giữa thế kỷ XXI. Tuy nhiên, để in đậm thêm dấu ấn của nhiệm kỳ 5 năm tới, nên chăng thành tố thứ 5 có thể bổ sung: Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ là nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về tầm nhìn, định hướng phát triển, nên chăng cần nhấn mạnh và làm rõ: Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây của Việt Nam không có điều kiện, cơ sở, cơ hội để đồng hành cùng nhân loại. Riêng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam mới có cơ hội đồng hành cùng nhân loại. Đây là cơ hội, "thời cơ vàng", cần được nhấn mạnh thêm, để chuyển thời cơ thành hiện thực trong cuộc sống.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, kinh tế số, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu với chính phủ số, xã hội số,... để rõ hơn tính khả thi 20% kinh tế số trong tỷ trọng GDP của đất nước vào năm 2025 (Hà Nội là 30%). Và cũng cần nhấn mạnh Văn hóa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Để trở thành và xứng đáng là một đất nước sáng tạo thì văn hóa phải là điểm tựa, là động lực, là nguồn lực chủ yếu trong xây dựng các chiến lược phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn đồng chí!./.
Hoàng Phúc (thực hiện)
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/van-hoa-phai-la-dong-luc-cho-su-phat-trien-115853.html