Văn hóa Sa Huỳnh ở thung lũng sông Tang: Tiến trình văn hóa hơn 1.000 năm
Ngành văn hóa Quảng Ngãi đang triển khai chỉnh lý hiện vật khai quật khảo cổ tại thung lũng sông Tang (Trà Bồng), khu vực thuộc lòng hồ chứa nước Nước Trong. Qua đây, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định rõ hơn tiến trình văn hóa kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, từ sơ kỳ đồng thau tiền Sa Huỳnh đến đỉnh cao Sa Huỳnh sắt, tựa như bức tranh thu nhỏ về thời đại kim khí diễn ra ở vùng núi.
Vén bức màn bí ẩn dưới lòng đất
Từ năm 2010 - 2012, Sở VH-TT&DL chủ trì Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thực hiện việc khai quật khảo cổ tại thung lũng sông Tang. Tôi cùng với các chuyên gia của Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật 20 hố ở 5 địa điểm: Trà Veo 2, Trà Veo 3, thôn Tre 1, thôn Tre 3, thôn Tre 4, với tổng diện tích 4.000m2. Qua khai quật, phát hiện các khu cư trú và khu nghĩa địa của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, có khoảng gần trăm mộ chum, mộ vò và mộ đất; vài trăm di vật đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Niên đại vùng khảo cổ thung lũng sông Tang, hồ Nước Trong kéo dài liên tục từ khoảng 3.000 năm cách ngày nay và kết thúc ở đầu công nguyên khoảng 2.000 năm cách ngày nay.
Hiện vật tìm thấy khi khai quật khảo cổ ở thung lũng sông Tang đang được chỉnh lý. Ảnh: Đoàn Ngọc Khôi
Đặc trưng các địa điểm khai quật phân bố trải dọc theo trục sông Tang, nằm hai bên bậc thềm cao của sông Tang. Điều đó cho thấy cư dân tiền sử sống gắn liền sông, lấy sông làm thủy lộ chính để giao lưu với các nơi.
Tầng văn hóa các địa điểm khảo cổ có đặc điểm giống nhau: Lớp trên là thảm thực vật, phù sa bồi như địa điểm Trà Veo 3, thôn Tre 4; thổ nhưỡng bề mặt là lớp phù sa bồi đắp, tuy nhiên ở độ sâu liền sát sinh thổ đất lại kết von laterit như thôn Tre 1, thôn Tre 3. Lớp dưới là lớp văn hóa, ở đó có lớp gốm mỏng phân bố cùng đá cuội sông. Tại địa điểm Trà Veo 3, gốm di chỉ cư trú xuất lộ một lớp dày trung bình 20 - 40cm, thuần nhất một lớp văn hóa giai đoạn Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Giai đoạn sớm ở di chỉ thôn Tre 3 có hai lớp văn hóa ngăn cách nhau bởi lớp vô sinh dày trên 0,40m, đó là lớp sớm gốm mang phong cách Long Thạnh thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, lớp muộn gốm mang phong cách Bình Châu I thuộc giai đoạn đồng thau phát triển.
Ở thôn Tre 1, thôn Tre 4, Trà Veo 3 tồn tại các khu nghĩa địa có quy mô lớn của cư dân tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Mộ táng có sự đa dạng về táng tục gồm mộ vò, mộ chum, mộ đất, không như các di tích tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở đồng bằng thường đơn biệt về táng tục.
Đặc biệt, ở giai đoạn sớm sơ kỳ đồng thau, mộ chum chôn thành từng cụm, chum đặt theo chiều nghiêng, hoặc đứng, đồ tùy táng chôn sâu một bên dưới chân mộ, quan tài chum có dạng hình trứng và hình bình lọ hoa, trên thân chum trang trí hoa văn thành đồ án rất đẹp, đạt trình độ thẩm mỹ cao.
Di vật tìm thấy hầu hết nằm trong tầng văn hóa hoặc là đồ tùy táng chôn gắn liền với mộ. Điểm đặc biệt trong tầng văn hóa xuất hiện loại hình công cụ ghè đẽo của cư dân đá cũ. Công cụ rìu đá ở đây có đặc trưng văn hóa riêng, đó là kiểu rìu vai có kích thước nhỏ, mài toàn thân. Đồ đồng chỉ xuất hiện một mảnh rìu đồng và một rìu đồng táng bên ngoài mộ vò. Đồ sắt của giai đoạn Sa Huỳnh phát triển rực rỡ với các loại dao, giáo, đục, rựa bằng sắt. Đồ gốm phát triển rực rỡ mang nét đặc trưng rõ rệt 3 giai đoạn: Long Thạnh - Bình Châu muộn - Sa Huỳnh, tuy nhiên đồ gốm mang đặc trưng riêng của loại hình tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng núi.
Tại địa điểm thôn Tre 1 phát hiện loại gốm sớm tương đương với giai đoạn Long Thạnh ở ven biển. Phong cách trang trí khá đặc biệt, kiểu dáng chum khá lạ, đồ án trang trí rất công phu, tỉ mỉ. Lối trang trí dưới đáy chum và trên thân chum với đồ án hoa văn tinh tế chưa bao giờ tìm thấy trong các địa điểm khai quật di tích tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở miền Trung.
Những nhận định quan trọng
Về không gian địa điểm thôn Tre 1 có đặc trưng của loại hình miền núi, tuy nhiên giữa thôn Tre 1 và Long Thạnh có đặc trưng chung về văn hóa. Đây là địa điểm quan trọng cần lưu tâm vì nó chứng minh cho giai đoạn sớm nhất của văn hóa Sa Huỳnh, là nguồn cội để hình thành nên văn hóa Sa Huỳnh loại hình miền núi. Qua nguồn tư liệu khảo cổ quý giá này có thể xác lập thành văn hóa khảo cổ thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau có không gian phân bố từ vùng duyên hải ven biển lên vùng núi, nó là cội nguồn phát triển lên văn hóa Sa Huỳnh thời đại sơ kỳ sắt, là cơ sở để khẳng định văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa bản địa có nguồn gốc phát sinh phát triển trên dải đất miền Trung Việt Nam.
Kết quả khảo cổ mở ra nhận thức mới trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Địa điểm thôn Tre 1 phát hiện giai đoạn sơ kỳ đồng thau, so sánh về loại hình có cùng giai đoạn với địa điểm Long Thạnh. Địa điểm thôn Tre 1 mặc dù có những đặc trưng riêng nhưng có cùng tính chất, nội dung văn hóa với Long Thạnh nên cùng với các địa điểm khác như Long Thạnh, Truông Xe có khả năng xác lập được văn hóa khảo cổ được gọi là văn hóa Long Thạnh giai đoạn sơ kỳ đồng thau, là nguồn gốc trực tiếp hình thành nên văn hóa Sa Huỳnh. Nội hàm văn hóa từ sớm đến muộn ở 5 địa điểm khai quật tại thung lũng sông Tang khu vực hồ chứa nước Nước Trong hình thành nên đặc trưng riêng của loại hình Sa Huỳnh núi, thể hiện tính thống nhất nhưng đa dạng của văn hóa Sa Huỳnh.
Các di tích di vật từ giai đoạn sớm đến muộn tại 5 địa điểm khai quật phảng phất quan hệ hai chiều với văn hóa hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Tây Nguyên, như là cầu nối văn hóa từ vùng Tây Nguyên qua dải Trường Sơn tiến xuống đồng bằng để hình thành nên văn hóa Sa Huỳnh và ở giai đoạn muộn có sự tác động ngược lại của văn hóa Sa Huỳnh lên vùng Tây Nguyên.