'Văn hóa sẻ chia' dẫn lối cho tương lai quan hệ hữu nghị Việt-Pháp
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa sắp diễn ra trong năm nay sẽ mang đến cơ hội để hiểu biết lẫn nhau và làm nổi bật tất cả những điểm chung của người Pháp và người Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam và Pháp sẽ long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (25/9/2013-25/9/2023). Với khẩu hiệu chung là “Văn hóa sẻ chia,” nhiều hoạt động văn hóa, giao lưu, hợp tác các lĩnh vực sẽ được tổ chức với sự tham dự của đông đảo người dân.
Nhân dịp này, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery chia sẻ cảm nhận về những thành tựu trong quan hệ ngoại giao của hai nước.
Lịch sử lâu đời
- Thưa Đại sứ, Pháp là một trong số những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau Hiệp định Paris năm 1973. Ông có đánh giá như thế nào về lịch sử mối quan hệ hữu nghị hai nước?
Đại sứ Nicolas Warnery: Quan hệ Việt Nam và Pháp có lịch sử chung lâu đời hơn nhiều so với dấu mốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Pháp đã quan tâm đến khu vực này từ thế kỷ XIX. Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử và trong trái tim của nước Pháp và người Pháp, và Pháp đã dành một sự quan tâm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam từ rất sớm. Không phải ngẫu nhiên mà các Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được thảo luận và ký kết tại Paris.
Không thể phủ nhận rằng quá khứ của chúng ta có những thời điểm khó khăn, chẳng hạn như cuộc chiến từ năm 1946 đến năm 1954, nhưng như Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher đã nói trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2022: “Chúng ta chỉ giữ lại những gì tốt đẹp nhất và những gì cho phép chúng ta cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng. Đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp.” Chúng tôi kiên định với mong muốn rằng mối quan hệ hai nước sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, trong những hoạt động hợp tác cụ thể, đáp ứng các ưu tiên chung.
- Nhìn lại 50 năm qua, ông có thể gọi tên một số thành tựu quan trọng trong mối quan hệ song phương?
Đại sứ Nicolas Warnery: Tất nhiên là hai nước đã có nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực. Để gọi tên ra một số điểm nổi bật, tôi cho rằng đó là sự hiện diện và viện trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam gần 30 năm qua; số lượng doanh nhân Pháp đã sang Việt Nam thành lập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam; những dự án trong lĩnh vực hàng không và sự hợp tác về văn hóa-giáo dục.
- Ở dấu mốc 50 năm, Đại sứ có nhìn nhận như thế nào về những hạn chế trong quan hệ hợp tác và tiềm năng phát triển mối quan hệ này trong tương lai?
Đại sứ Nicolas Warnery: Hai nước chúng ta đã phát triển quan hệ đối tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, giao thông-vận tải, năng lượng và không gian. Tuy nhiên, một số rào cản hành chính vẫn chưa được giải quyết. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để từng bước tháo gỡ.
Trong những năm gần đây, Pháp và Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương trong các lĩnh vực y tế, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế số, giáo dục và nghiên cứu, cũng như quốc phòng và an ninh. Những lĩnh vực đó là tương lai của chúng ta. Hai nước sẽ cùng nhau đối mặt với những thách thức chung như khủng hoảng quốc tế, các cuộc tấn công chống lại chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp để trở nên bền vững và lành mạnh hơn. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang hợp tác với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra giải pháp chung.
'Văn hóa sẻ chia'
- Được biết, chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược được gọi tên chung là “Văn hóa sẻ chia.” Xin Đại sứ nói rõ hơn về chủ đề này?
Đại sứ Nicolas Warnery: Nói về “Văn hóa sẻ chia,” tôi xin nêu một ví dụ gần đây. Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, nhân dân hai nước đã thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Tinh thần đó được thể hiện qua các đợt viện trợ khẩu trang của Việt Nam cho Pháp vào năm 2020, rất nhiều khẩu trang đã được tập kết ngay tại Đại sứ quán ở Hà Nội trước khi gửi sang Pháp, sau đó là gói viện trợ vaccine của Pháp cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương và cơ chế COVAX trong các năm 2021-2022.
Trong năm 2023, ngoài những hoạt động văn hóa sẽ diễn ra để công chúng Việt Nam được thụ hưởng, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương và các ban ngành Việt Nam để chuyển giao công nghệ tổ chức để những năm sau này, các bạn có thể duy trì các hoạt động như trình diễn ánh sáng tại cung điện ở Huế, triển lãm nhiếp ảnh Photo Hanoi 2023… Trước đây, chúng tôi đã hỗ trợ các bạn tổ chức Festival Huế và sau này, sự kiện đã được Việt Nam tự tổ chức rất thành công, trở thành thương hiệu của văn hóa-du lịch Huế.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ đào tạo về chuyên môn để các chuyên gia Việt Nam trực tiếp tham gia bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và di sản kiến trúc. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đền này vì nhờ di sản mà địa phương có thể phát triển du lịch. Từ đó, các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi, từng bước phát triển du lịch thành một ngành kinh tế.
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), Viện Pháp cùng các địa phương của Pháp đã hiện diện từ nhiều năm nay để hỗ trợ Việt Nam bảo tồn di sản. Chẳng hạn, thành phố Toulouse cùng AFD đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long trong việc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Thành phố Provins cũng hợp tác với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để tạo dựng không gian quảng bá du lịch. Vùng Ile de France có rất nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Một điều nữa cũng rất được chú trọng là việc giảng dạy tiếng Pháp tại trường học sẽ góp phần thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước.
- Bên cạnh việc bảo tồn di sản, tôi nhận thấy rằng trong những năm gần đây lĩnh vực văn hóa sáng tạo là một trục hợp tác rất quan trọng giữa Việt Nam và Pháp. Xin Đại sứ chia sẻ thêm về lĩnh vực này?
Đại sứ Nicolas Warnery: Pháp là một quốc gia tiến bộ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa để qua đó tạo ra sự tăng trưởng kinh tế. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiến hành các dự án liên quan đến điện ảnh, âm nhạc, truyện tranh…
Tại chương trình LiveSpace do Viện Pháp ở Việt Nam khởi xướng, chúng tôi đã kết nối các chuyên gia Pháp, Việt Nam và châu Á để đề xuất các ý tưởng, giải pháp nhằm phát triển tất cả các lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam và giới thiệu âm nhạc Việt Nam với các đối tác quốc tế.
Các hoạt động văn hóa sắp diễn ra trong năm nay sẽ mang đến cơ hội để hiểu biết lẫn nhau và làm nổi bật tất cả những điểm chung của người Pháp và người Việt Nam, tất cả những gì chúng ta chia sẻ. Tôi cho rằng 50 năm chỉ là một dấu mốc khởi đầu cho hành trình hữu nghị còn rất dài trong tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.