Văn hóa sẽ tiếp sức làm nên sức mạnh trên chặng đường sắp tới

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: 'Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng của nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là 'nền tảng tinh thần', 'động lực phát triển' và 'soi đường cho quốc dân đi'; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI'. Thực tế lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước đã chứng minh văn hóa dân tộc với biểu hiện lòng yêu nước, đoàn kết, tự lực và tự cường đã giúp Việt Nam vượt qua bao thiên tai, địch họa. Trong giai đoạn mới, văn hóa sẽ tiếp sức cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử mang tầm cương lĩnh với những giá trị cốt lõi vượt thời gian. Bản đề cương khơi dậy tinh thần yêu nước, thể hiện quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bản Đề cương Văn hóa đã góp phần hình thành nên đường lối phát triển đúng đắn, đó là văn hóa soi đường cho quốc dân đi; tinh thần độc lập, ý chí tự lực, tự cường; xây dựng nền văn hóa mới lấy hạnh phúc của Nhân dân, của dân tộc làm cơ sở; phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng lại cuộc sống mới sau hòa bình.

Cũng cần thấy rằng, với chủ trương văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước. Nhiều người đã từ bỏ con đường đang tiến thân, kể cả những trí thức có đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ ở nước ngoài trở về sát cánh cùng cuộc kháng chiến kiến quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấn thân theo cách mạng, chấp nhận hy sinh, gian khổ, cống hiến tài năng, tâm huyết và sức lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ đã nhìn thấy con đường đi với Nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình.

Trải qua 80 năm kiên cường đấu tranh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Có một điều đáng chú ý là trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, Đảng đều quan tâm đến văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Đề cương Văn hóa, không ngừng đổi mới tư duy, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đó chính là quá trình xử lý một cách khoa học các mối quan hệ hữu cơ giữa truyền thống văn hóa và tính hiện đại của văn hóa, giữa văn hóa dân tộc và văn hóa thời đại để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam vừa mang bản sắc dân tộc vừa ngang tầm thời đại, là một nhân tố bảo đảm cho công cuộc hội nhập thế giới của đất nước một cách toàn diện, hiệu quả nhưng không bị “hòa tan”, không biến thành bản sao của người khác.

Ngày nay nói đến văn hóa là nói đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nói đến đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển KT-XH bền vững. Tất cả điều đó là sự kế thừa tính chất văn hóa soi đường cho quốc dân đi, từ Đề cương Văn hóa 1943. Quá trình phát triển, đã có nhiều văn kiện liên quan đến phát triển văn hóa được ban hành, trong đó đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết này thêm một lần khẳng định vai trò của văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Nghị quyết này cũng đã nhấn mạnh vai trò nhân tố con người và văn hóa, đó là góp phần gia tăng sự cố kết cộng đồng, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội, tạo lập nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, đồng thời là động lực, là nguồn lực thúc đẩy KT-XH phát triển.

Đến năm 2014, khi ban hành Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/ TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, một lần nữa Đảng ta khẳng định cần xây dựng văn hóa Việt Nam gắn với phát triển con người toàn diện. Trong giai đoạn này, các văn kiện của Đảng đã xuất hiện thêm khái niệm công nghiệp văn hóa. Đến Đại hội XIII của Đảng, văn kiện của Đảng nhấn mạnh mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, đặt ra yêu cầu cụ thể hơn là triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa.

Có thể nói, sau 8 thập kỷ ra đời nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Nếu như thời chiến tranh, văn hóa trở thành vũ khí đấu tranh giành độc lập dân tộc thì ngày nay văn hóa trở thành nguồn lực, tài sản, tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, phát huy vai trò, sức mạnh của văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, để văn hóa tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, văn hóa sẽ tiếp sức làm nên sức mạnh trên chặng đường sắp tới.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/van-hoa-se-tiep-suc-lam-nen-suc-manh-tren-chang-duong-sap-toi/177399.htm