Văn hóa sử dụng điện thoại

Mới đây, khi đi đám tang một thầy giáo cũ ở một khu dân cư ven thành phố, tôi thấy trong khi tất cả các thành viên trong gia quyến, khách trong khán phòng đang trang nghiêm làm lễ mặc niệm, chuẩn bị tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, bỗng dưng một hồi chuông điện thoại với tiếng reo rất to vang lên.

Chủ nhân của chiếc điện thoại không những không tắt máy mà vô tư "a lô" năm lần bảy lượt, rồi nói cười hô hố với người đối thoại ở đầu máy bên kia, bất chấp mọi ánh mắt khó chịu "đổ dồn" về phía anh ta.

Đáng nói đây không phải là lần đầu tôi chứng kiến chuyện trái tai gai mắt như thế. Có quá nhiều người "buôn dưa lê", cười đùa thái quá qua điện thoại ở đám tang. Chưa hết, trong các cuộc họp, hội thảo, dù đã được thông báo tắt máy điện thoại hoặc để chế độ rung, tiếng chuông điện thoại vẫn "khuấy đảo" không gian, không ít người cao giọng như ở ngoài đường phố dù việc tắt chuông điện thoại, bước ra ngoài để nghe hoặc thông báo cho phía người gọi bằng một tin nhắn "đang bận" chẳng khó khăn gì.

Chuyện văn hóa điện thoại trên xe buýt thì có cả trăm ngàn chuyện cười ra nước mắt. Vẫn biết là trên xe buýt không cấm giao tiếp bằng điện thoại nhưng quá nhiều người "nấu cháo điện thoại" suốt chuyến đi, nói oang oang, cười re ré khiến hành khách, lái xe nhức đầu, khó chịu.

Đành rằng, nhu cầu giao tiếp của mỗi người là có thật, nhất là trong thời đại chiếc điện thoại gần như là "vật bất ly thân". Thế nhưng, việc sử dụng và giao tiếp bằng điện thoại như thế nào để không bị coi là kệch cỡm, lạc lõng, thiếu tế nhị, thậm chí thiếu văn hóa là điều mà chúng ta cần để tâm và học hỏi để hoàn thiện mình…

Trịnh Viết Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/van-hoa-su-dung-dien-thoai-20221021213227504.htm