Văn hóa Tết truyền thống còn hay mất?
Xưa nay, với người dân nước Việt, Tết Nguyên đán là dịp rất đặc biệt để gửi gắm niềm tin yêu và hi vọng. Do vậy, việc chào đón Tết đến Xuân về là vô cùng quan trọng. Và điều này đã tạo ra một không khí sinh hoạt văn hóa vừa gần gũi, bình dị thân quen, vừa náo nức, thiêng liêng và cẩn trọng.
Việc đầu tiên là làm đẹp nơi ăn chốn ở của mình nhằm tạo ra một không gian đón Tết thật sự có chiều sâu văn hóa hơn ngày thường. Rồi nữa là cái thú vui tao nhã rủ nhau tới chợ phiên sắm sửa hoa tươi, hoành phi cùng những bộ câu đối được viết trên những vuông giấy hồng điều và những bức tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống… theo con giáp.
Cuối cùng là tục lệ dựng cây nêu, gói bánh chưng, bánh tét v.v… đều được thực hành ở hầu khắp mọi gia đình, không phân biệt giàu nghèo. Bên cạnh đó, một trong những giá trị cơ bản của Tết được người Việt tôn thờ nâng niu đó chính là thái độ hiếu kính, hiếu đễ của người đang sống đối với người đã khuất. Bởi thế, vào dịp cuối năm, người Việt đặc biệt quan tâm tới câu chuyện lo toan sửa sang lại mộ phần, miếu mạo, nhà từ đường và bàn thờ… của dòng tộc, gia đình.
Bao giờ cũng thế, lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình và của cả cộng đồng. Điều này được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh. Tiếp đến là nghi thức "xông đất" và trao quà mừng tuổi, chúc thọ nhau rồi thì cầu phúc, cầu tài cùng nhau hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.
Tết không chỉ thiêng liêng với cái sự "Mồng một Tết cha/ Mồng hai Tết mẹ/ Mồng ba Tết thầy" mà Tết còn là vui. Thì vẫn cứ là người dân nước Việt mình, khi đề cập về cái sự "vui vẻ", người ta thường có câu cửa miệng: "vui như Tết!". Vui như Tết là bởi cái lẽ thế này đây:
"…Sang xuân đình đám vui như Tết
Hết đám làng bên lại đám làng…".
Lệ thường, bắt đầu từ ngày mồng ba Tết cứ y như thể "sao y bản chính" là lúc hội làng, hội bản,… lại đua nhau mở ra từng bừng hoan hỉ để nghênh đón Xuân mới. Thôi thì đủ muôn trò vui dân gian lý thú và bổ ích không thể tả nổi. Mà trong đó không thể thiếu:
"Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song…".
Ấy là cái trò chơi đu mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng hơn một lần mô tả.
"Vui như Tết!". Rõ ràng là vậy nhưng chả hiểu sao mà một vài năm gần đây, ở đâu đó và có ai đó đã ngao ngán mà thốt lên rằng: "Tết chán! Chán Tết!". Xảy ra cái cơ sự đó, có vẻ như là bởi Tết và văn hóa Tết truyền thống đang ngày một hao gầy dần đi?! Thì đấy, những phiên chợ truyền thống vào cữ cuối năm dẫu có "đốt đuốc giữa ban ngày" thì cũng chẳng thể bói đâu ra những hàng bán câu đối mực Tàu viết (in) trên giấy hồng điều cùng những hàng tranh Tết dân gian nữa.
Mới ngày nào, Tết đến người ta mừng tuổi nhau chỉ mang ý nghĩa biểu trưng cho sự may mắn, phát triển phồn thịnh mà thôi. Nhưng Tết nay, nếu như quà mừng tuổi không phải là món "tiền to" thì người ta sẽ bĩu môi dè bỉu ngoảnh mặt làm ngơ. Tết trở thành cơ hội "đánh quả" cho không ít người, như thế bảo sao văn hóa Tết không "hồn nhiên" nhạt phai đi mới là chuyện lạ.
"Vui như Tết!" là bởi được "chơi Tết!". Nhưng mà tiếc thay, từ ngày xuất hiện cơ chế kinh tế thị trường, người ta đâu có còn mấy chỗ "chơi Tết", đặc biệt là tại các vùng thôn quê và những đối tượng có thu nhập thấp thuộc các vùng, miền. Tết không chỉ là cơ hội để người ta tham gia vào những không gian văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn là dịp để các thành viên trong cộng đồng vùng, miền thực hiện các nghi thức văn hóa tâm linh. Vậy nhưng, những ngày Tết bây giờ có tới viếng thăm đình, chùa,… chỉ thấy rặt những hình ảnh phản cảm của mê tín dị đoan.
Có vẻ như ở đô thị người ta có thói quen "đèn nhà ai nhà ấy rạng" nên mang lại cho những người vốn không thuộc gốc gác thành thị thường cái cảm giác chống chếnh của "người xa xứ" khi ăn Tết tại chốn đô hội. Mà các điểm vui chơi trong thành phố cũng chỉ với những "bổn cũ soạn lại" hằng năm, xem mãi cũng chán ngấy nên Tết người lớn hoặc lao trò đỏ đen hoặc ăn ngủ, trẻ con chúi đầu vào điện thoại thông minh hết cả mấy ngày Tết. Thế nên, để thay đổi không khí, Tết đến nhiều gia đình tìm cách trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mong có thể trốn tránh khỏi cảm giác buồn tẻ khi xa quê.
Vậy nhưng ngay tại nơi họ trở về cái vòng luẩn quẩn đó lại đang thống trị từng mùa Tết. Ngày Tết ở chốn quê bây giờ ít còn những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống có sự tham gia của cộng đồng nữa. Bói chẳng ra những không gian văn hóa truyền thống để tìm sự gắn kết cộng đồng trong những ngày Tết đến Xuân về, thế là rốt cuộc, những gia đình từ thành phố về quê ăn Tết chỉ còn biết thăm hỏi họ hàng và viếng thăm chùa chiền.
Mà tất cả những việc đó cũng chỉ giải quyết gói gọn trong một ngày mồng một Tết là xong. Mà ngay cả những người quanh năm sống tại làng, với họ Tết chỉ bận nhất, vui nhất là một ngày 30 cuối cùng của năm vì còn có việc để làm, để xem.
Thế nên không có gì lạ khi mà bắt đầu từ trưa mồng một Tết, đa phần người ta đều có chung cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối: "Thế là hết…Tết!". "Hết Tết!" vì lẽ người ta không còn có cơ hội mà "chơi Tết". Do vậy không lạ gì, ở nhiều địa phương, từ lâu nay người ta có thói quen xuống đồng ngay từ sáng mồng hai Tết, vừa là để lấy may vừa nhằm tạo cho mình cái thú vui đồng áng vì không biết chơi đâu trong những ngày Tết còn lại.
Thời kinh tế thị trường, nhiều thanh niên nông thôn lần lượt rời quê hương tới các đô thị, các khu công nghiệp… khởi nghiệp. Tết đến họ trở về quê để mong tìm kiếm sự đồng cảm và chia sẻ của gia đình và cộng đồng. Nhưng rồi họ trở nên cô đơn ngay chính tại gia đình và cộng đồng của mình trong những ngày Tết bởi cái cảm giác bị xa cách vì thiếu những sân chơi văn hóa cần thiết mà thường chỉ xuất hiện trong những ngày đầu năm mới.
Không có cơ hội tham dự vào các trò chơi dân gian truyền thống, cảm thấy nhạt nhẽo và vô vị, thường thì những thanh niên ấy chỉ còn biết biết sa đà vào rượu chè, và 1.001 kiểu cờ bạc đỏ đen chờ cho hết Tết mà tếch khỏi quê hương bản quán.
Và rồi Tết năm nào cũng xuất hiện hàng loạt những trường hợp thanh thiếu niên đi quá cái giới hạn cho phép của bản thân để trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông và sứt đầu mẻ trán vì đâm chém nhau mà một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những câu chuyện đau lòng ấy là xuất phát từ nạn rượu chè và cờ bạc.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại và nhất là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Thử đặt câu hỏi: nếu người lớn chủ động bảo nhau "đầu têu" tiên phong phục dựng lại những hình thức sinh hoạt dân gian trong những ngày Tết để vừa là giúp cho những người trẻ có cơ hội được tiếp cận với vốn văn hóa truyền thống tinh túy của cha ông, đồng thời cũng là để họ có được những sân chơi bổ ích lý thú thì văn hóa Tết đâu có bị mai một và ô nhiễm bởi những thói hư tật xấu?! Khi có được cái cảm giác được đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng trong những ngày Tết thì rất có thể, người ta sẽ không "nhàn cư vi bất thiện" khi Tết đến, Xuân về nữa.
Thiết nghĩ, nếu biết vận dụng linh hoạt phương châm "chính quyền và nhân dân cùng làm" hoặc áp dụng hình thức xã hội hóa các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống thì chắc chắn, dẫu đời sống vật chất có còn eo hẹp đến mấy thì vì tinh thần "vui như Tết", người dân lao động sẽ sẵn sàng đồng cảm mà chia sẻ bằng việc đóng góp tiền bạc, vật chất để vừa bảo tồn được văn hóa Tết truyền thống vừa tạo điều kiện cho chính họ có cơ hội trở thành chủ nhân của những hình thức sinh hoạt văn hóa bổ ích trong những ngày Tết.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoa-tet-truyen-thong-con-hay-mat-578607/