Văn hóa Thái trong cộng đồng Tây Bắc
ĐBP - Bao đời gắn bó mật thiết với quê hương Tây Bắc, các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng đã theo cách này hay cách khác 'làm' ra văn hóa một cách hồn nhiên và cũng hết sức đáng yêu; điều đó được phản ánh qua sự đa dạng và đặc sắc những yếu tố văn hóa bản địa, vùng miền. Dân tộc Thái gồm các tiểu ngành với những tên gọi như: Táy Ðón, Táy Ðăm, Táy Thanh, Pú Khay, Hàng Tổng và Thổ Ðà Bắc... Căn cứ vào mức dân khoảng trên 1.500.000 người hiện nay, dân tộc Thái được coi là một dân tộc đa số trong số những dân tộc thiểu số. Ðồng bào Thái sống tập trung nhất tại các tỉnh: Ðiện Biên, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu.
Thực hiện tục Tằng cẩu dân tộc Thái.
Từng tham gia dàn dựng khá nhiều chương trình sân khấu của các ngày hội văn hóa - thể thao trong tỉnh, ông Lý Văn Nhạ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Trong tín ngưỡng “vạn vật hữu thần” của đồng bào, mọi vật đều có linh hồn, chúng cũng biết vui buồn, biết cảm động trước sự hằng tâm hằng sản của con người. Nếu được con người cầu cúng thỉnh nguyện, được “hưởng” các sản vật do con người dâng lên, thì chúng sẽ “động lòng” mà gia ân phúc đức, phù hộ cho mưa vừa nắng đủ, mùa màng bội thu. Các nhà nghiên cứu gọi đó là “tín ngưỡng nông nghiệp” của những cư dân mà cuộc sống phụ thuộc nhiều vào đất đai, thời tiết...
Nhìn chung, trong kho tàng văn hóa các dân tộc Tây Bắc, chiếm tỉ lệ rất lớn là văn hóa mang tính dân gian. Ðây là văn hóa do người nông dân chân lấm tay bùn sáng tạo, nhằm phản ánh những ý chí, ước mơ của họ. Chính vì vậy giữa văn hóa với hoạt động sản xuất, luôn có sự gắn kết bền chặt hữu cơ. Chẳng hạn với bà con người Mông, trước khi khai khẩn đám ruộng bậc thang dù diện tích chỉ vài ba chục mét vuông, bao giờ họ cũng tổ chức một lễ cúng cầu xin sơn thần thổ địa trước mắt phù hộ cho không gặp phải những tai nạn rủi ro trong quá trình vỡ hoang, sau là mưa thuận gió hòa, đất đai mầu mỡ, cây trồng không bị sâu bệnh hoặc thú rừng phá hoại.
Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, các dân tộc Tây Bắc đã dựa vào nhau trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống lại thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt. Quá trình đó, văn hóa nảy sinh và trở thành một nhu cầu phát triển để động viên, khích lệ con người, gắn bó các dân tộc trong mối quan hệ cộng sinh. Cách đây hơn hai thập kỷ, trong cuốn “Các vùng văn hóa Việt Nam” (NXB Văn học, Hà Nội, 1995), GS - TS KH Tô Ngọc Thanh từng viết: “Chính quá trình hỗn dung và tiếp biến văn hóa đó, đã tạo nên sắc thái vùng văn hóa Tây Bắc”. Kể từ khi nước nhà giành được độc lập, nhất là hơn 30 năm đổi mới, các dân tộc Tây Bắc luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng Tây Bắc trở thành vùng kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển và phồn vinh.
Trình diễn thổ cẩm bản Che Căn (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên).
Xin nhắc lại câu ngạn ngữ không biết chính xác của dân tộc nào (nhiều người bảo của dân tộc Thái): “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, Mông ăn theo sương mù”. Chỉ 13 âm tiết ngắn gọn vậy thôi, nhưng câu cách ngôn đã phản ánh được những nét văn hóa đặc trưng nhất về tập quán cư trú, sản xuất và sinh hoạt, của 3 tộc người đại diện cho 3 nhóm ngôn ngữ: Môn - Khơme, Tày - Thái và Mông - Dao. Mỗi khi đọc truyện An Dương Vương bị Triệu Ðà đánh cắp nỏ thần, ta lại nhớ đến một truyền thuyết của người Thái. Truyện kể rằng, quân Xá có tên mũi bịt đồng sắc nhọn, còn quân Thái chỉ có mũi tên tre. Thủ lĩnh Lạn Chượng bèn lập mưu tổ chức một cuộc thi bắn tên vào vách đá xem tên của ai sắc hơn. Tên của quân Xá gặp đá bật ra, trong khi tên của quân Thái thì “cắm” vào đá. Chả là trước đó Lạn Chượng sai quân quấn sáp ong vào mũi tên tre, nhờ đó mà tên dính được vào đá. Quân Xá thất bại, buộc phải đưa nhau vào những hẻm núi sinh sống, nhường phần đất màu mỡ, bằng phẳng trong các thung lũng vùng thấp cho quân Thái làm chủ, trong đó có cánh đồng Mường Thanh ngày nay.
Nếu cuộc sống vùng sông nước cho người Thái, người Kháng, người La Ha... tài chế tác thuyền độc mộc hình đuôi én, kinh nghiệm bắt cá bằng độc dược; thì cuộc sống trên các triền núi lạnh lẽo lại dạy cho người Mông, người Dao, người Hà Nhì... cách giữ ngọn lửa quanh năm trong bếp. Tận bây giờ người Mông vẫn duy trì phong tục ủ lửa trong những ngày tết, đồng bào quan niệm ngọn lửa đem lại hạnh phúc, ấm no và nhất là cảm giác thư thái, bình an.
Vùng văn hóa Tây Bắc, tựu trung, đó là quê hương của một nền văn học (cả thành văn lẫn truyền khẩu) và vốn ca nhạc dân gian huy hoàng của mấy chục dân tộc anh em. Nào là những Xống chụ xon xao, Khôn Lú - Nàng Ủa, Bun Trai - Bun Nhinh, Nàng Dợ - Chà Tăng, A Thào - Nù Câu, Tiếng hát cưới xin, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát cúng ma... Hội phổ biến trong nhiều dân tộc, đó là hội xuống đồng, hội hoa ban, hội cầu mùa, hội cúng rừng... Lễ thì có xên bản xên mường, lễ cấp sắc, lễ cơm mới, lễ cúng nương và thậm chí lễ tạ ơn con trâu vì chúng đã nỗ lực cày kéo cho con người những mùa vụ ấm no... Chắc trong chúng ta, ai cũng hơn một lần từng nghe giai điệu đằm thắm bởi bài hát “Mưa rơi” của dân tộc Khơ Mú trong lễ cầu mưa: “Mưa rơi cho cây tốt tươi - Búp chen lá trên cành - Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió...”. Trong ngày hội mừng măng mọc, trung tâm chú ý là một cây chuối có cắm (treo) các con giống kết bằng nan tre nhuộm phẩm màu, hoặc mô phỏng các loài hoa, các loại hạt ngũ cốc, trứng gia cầm. Suốt thời gian hành hội, có nơi bà con còn tổ chức múa xòe, đánh tó má lẹ, hát giao duyên và múa tăng bu tăng bẳng... thật vui nhộn.
Ngoài ra, một khi đã đề cập đến phạm trù văn hóa các dân tộc Tây Bắc, không thể không nhắc đến các loại nhạc cụ, các mẫu tự cổ, trang phục truyền thống, các điệu múa, các món ẩm thực, kiến trúc nhà cửa, các truyền thuyết, phong tục cưới xin, ma chay, sinh đẻ, kiêng kị, cả những dụng cụ dùng trong sản xuất và sinh hoạt, vũ khí phòng vệ hoặc săn bắn... Ngày nay, những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vẫn đang được gìn giữ, lưu truyền và thực hành trong đời sống hiện đại. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nhất là văn hóa dân tộc Thái, mời bạn lên với Ðiện Biên để cùng cảm nhận chiều sâu văn hóa dân tộc Thái trong 19 dân tộc anh em.