Văn hóa tiệc tùng tại Hàn Quốc thay đổi: Khi các quán rượu trở nên vắng lặng

Từng là biểu tượng của văn hóa uống rượu tại Hàn Quốc, những con phố sầm uất với quán rượu và quán ăn nhộn nhịp giờ đây trở nên thưa thớt người qua lại.

Các quán rượu vắng khách tại Hàn Quốc. Nguồn: Yahoonews

Các quán rượu vắng khách tại Hàn Quốc. Nguồn: Yahoonews

Sự thay đổi đáng kể này phản ánh sự dịch chuyển trong lối sống và thói quen tiêu dùng của người Hàn, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng ý thức hơn về sức khỏe.

Tại phố Nokdu ở Seoul, nơi từng chật kín người chờ thưởng thức bánh xèo đậu xanh và rượu gạo makgeolli, giờ đây chỉ còn những dãy bàn trống.

Jun Jung-sook, chủ quán 77 tuổi, không giấu được nỗi tiếc nuối khi nhìn hành lang quán mình vắng bóng người. "Những ngày đông khách đã qua rồi", bà buồn bã nói.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố: doanh nghiệp giảm bớt các buổi nhậu sau giờ làm (hoesik), thế hệ lao động nữ trẻ tự tin từ chối các cuộc tụ tập không cần thiết, và áp lực tài chính từ lãi suất cao cùng lạm phát dai dẳng.

Sự thức tỉnh về sức khỏe và bình đẳng

Thế hệ trẻ ngày nay quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, không chỉ ở Hàn Quốc mà trên khắp khu vực. Ví dụ, tại Nhật Bản, ý thức bảo vệ sức khỏe cùng mô hình làm việc linh hoạt hậu đại dịch Covid-19 cũng khiến lượng tiêu thụ rượu giảm sút, theo khảo sát của Euromonitor.

Ở Hàn Quốc, sau phán quyết năm 2007 của Tòa án cấp cao Seoul rằng ép buộc uống rượu là hành vi phạm pháp, phụ nữ ngày càng thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng với văn hóa hoesik, họ phàn nàn vì nó làm mất thời gian chăm sóc con cái và do nguy cơ bị quấy rối tình dục.

Hailey Kim, một nhân viên văn phòng 40 tuổi tại một công ty phụ tùng ôtô, cho rằng việc các buổi tụ tập ăn uống sau giờ làm việc ngày càng ít đi là do sự xuất hiện ngày càng nhiều của những đồng nghiệp nữ trẻ tuổi và cởi mở hơn.

Cô cho biết một yếu tố góp phần khác là việc ban hành luật chống tham nhũng năm 2016, trong đó đặt mức trần cho chi phí ăn uống của công chức để loại trừ tham nhũng.

Cô nói: "Trước đây có một mô hình, bắt đầu bằng thịt lợn nướng, sau đó là “tăng 2” tại một quán bia, tiếp theo là nắm tay nhau và hát tại một quán Noraebang. Chúng tôi chắc chắn không làm thế nữa, chỉ dừng lại ở tiệc nướng, tạ ơn Chúa".

Một con phố vắng vẻ vào ban đêm ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Yahoonews

Một con phố vắng vẻ vào ban đêm ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Yahoonews

Những con số biết nói

Tiêu thụ rượu tại Hàn Quốc giảm 12% từ đỉnh điểm năm 2015, tốc độ giảm nhanh thứ hai trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chỉ số doanh thu tại các nhà hàng đạt mức thấp kỷ lục 88,4 trong năm ngoái, trong khi số lượng phòng karaoke (noraebang) giảm mạnh từ 28.758 cơ sở năm 2020 xuống còn 25.990 vào tháng 7 năm nay.

Các con phố thương mại ở Jongno, cách Seoul một giờ lái xe, cũng chịu chung cảnh ngộ. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, để lại biển cho thuê trống trải trên các tuyến phố từng nhộn nhịp.

Hàn Quốc có tỷ lệ người lao động tự doanh cao, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động, khiến quốc gia này dễ bị tổn thương trước sự suy thoái trong tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh xuất khẩu mạnh nhưng chi tiêu trong nước yếu, các nhà hoạch định chính sách đối mặt với bài toán khó trong việc cân bằng kinh tế.

Với Jun Jung-sook, sự sụt giảm lượng khách đã khiến bà phải rao bán quán bánh xèo mà mình gắn bó từ năm 1993. Dù đã treo biển cho thuê từ năm 2022, bà vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào.

"Ngày trước, mọi người thậm chí trả tiền cho bàn khác chỉ vì họ học cùng trường. Giờ thì ai nấy đều chia đều hóa đơn", bà nói, khi tiếng bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vang lên từ chiếc tivi trong quán.

Sự thay đổi trong văn hóa uống rượu không chỉ là câu chuyện về sở thích cá nhân mà còn phản ánh bức tranh kinh tế và xã hội rộng lớn hơn tại Hàn Quốc.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo Reuters/Yahoonews)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/van-hoa-tiec-tung-tai-han-quoc-thay-doi-khi-cac-quan-ruou-tro-nen-vang-lang-20241211085957177.htm