Văn hóa trong trang phục truyền thống dân tộc Chăm Islam
NDO – Trang phục là một trong những khía cạnh biểu hiện bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Trang phục truyền thống của dân tộc Chăm Islam thể hiện nét đẹp, tính thẩm mỹ sáng tạo, đồng thời lưu truyền những giá trị văn hóa tộc người nơi vùng đất Nam Bộ.
Hài hòa trang phục nam người Chăm Islam
Với sự đa dạng về văn hóa, đặc thù về tôn giáo, trang phục nam người Chăm Islam có nhiều nét khác biệt nhưng cũng rất hài hòa. Trong đó, đàn ông Chăm mặc áo, phía dưới là xà rông, ngoài ra họ còn phải đội mũ cả khi ra khỏi nhà lẫn khi ở trong nhà. Chiếc mũ thông dụng mà họ hay đội là kapeak - hình ảnh chung thường thấy ở nam giới theo đạo Islam trên thế giới.
Thường ngày nam giới mặc áo tự do, trong những dịp quan trọng họ mặc áo sơ mi. Tuy nhiên, chiếc áo truyền thống của phái nam người Chăm Islam là áo chveá. Ðây là loại áo rộng màu trắng, dài quá mông, cổ cao khoảng 3-4cm, từ cổ xẻ dọc xuống tới ngực áo và cài nút, tay áo dài và hơi rộng, áo có hai túi phía dưới. Xà rông của nam dài tới cổ chân, thường được làm bằng vải mềm, có họa tiết và màu sắc đa dạng. Xà rông không có gấu và lưng, chỉ dùng hai mép vải nối lại, chiều dài khoảng trên 1m.
Nam giới Chăm còn có những loại y phục trang trọng, dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Ngày lễ, chức sắc mặc áo achuba màu trắng, có cổ cao, dài đến gót chân, chất liệu vải dày, được mặc cùng với xà rông trắng. Cũng trong các dịp lễ hội quan trọng, nam giới mặc áo korong màu trắng dài đến gót chân, đi kèm xà rông trắng bên dưới, có thể choàng thêm chiếc khăn trắng dài từ đầu tới quá lưng.
Kín đáo nhưng rất quyến rũ với y phục nữ Chăm Islam
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ Chăm Islam là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc. Phụ nữ Chăm Islam chú trọng đến trang phục phù hợp hoàn cảnh. Những ngày thường hoặc ở nhà, họ mặc váy với chiếc áo cộc (áo “tah”). Đây là loại áo có thân rộng, ống tay hẹp, có hai túi lớn phía trước, gần giống áo bà ba hoặc áo túi của người Việt.
Họ sử dụng nhiều màu sắc và nhiều loại chất liệu hơn trước, vải may váy và áo có in hoa văn. Xà rông của nữ được cách điệu về kỹ thuật may, may giống chiếc váy dài bít tà của người Việt. Khi ở nhà với người thân, phụ nữ Chăm có thể mặc áo tay ngắn, cổ tròn cùng với váy, không phải đội khăn. Khi nhà có người lạ đến hoặc đi ra đường, họ phải khoác thêm áo dài tay, đội khăn phủ kín tóc theo đúng giáo luật Islam biểu hiện tư cách đứng đắn, chuẩn mực.
Vào những ngày lễ hội, cưới các cô gái Chăm Islam mặc những chiếc áo dài cổ truyền qua gối cùng chiếc váy cùng màu tươi tắn. Chiếc áo dài cổ truyền có thân áo dài gần chấm gót chân, không có cổ áo và phía dưới may liền nhau không xẻ tà, khi mặc phải chui đầu không cài nút như áo dài người Việt. Áo dài may nhiều màu sắc sặc sỡ, trang trí bằng những hình vẽ hoa văn kết hạt cườm lấp lánh.
Trang phục phụ nữ Chăm là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố, từ những tua sợi vải màu đỏ, những hạt cườm óng ánh được xâu thành chuỗi tô điểm cho nét duyên vùng cổ đến những dây thắt lưng rực rỡ hoa văn giúp những đường cong thiếu nữ thêm duyên dáng, gợi cảm. Chiếc khăn choàng đầu được làm từ vải mịn và mỏng, không chỉ tôn thêm nét đẹp cho phụ nữ mà còn thể hiện nghệ thuật của người Chăm. Trên mặt khăn thêu nhiều hoa văn đa dạng, rìa khăn được viền bằng kim tuyến.