Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từ lâu dân tộc Giáy có truyền thống văn hóa giàu bản sắc, độc đáo với nhiều phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trang phục, ngôn ngữ, nghệ thuật biểu diễn, tri thức dân gian. Để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bà con dân tộc Giáy ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) luôn ý thức trong việc giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của người Giáy ở San Thàng. Hiện nay, các ngày lễ, tết vẫn được bà con gìn giữ, bảo tồn và phát triển phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng như: lễ cúng thần thổ địa (lễ hội tú tỉ), cúng rừng, cấm bản. Mỗi lễ hội đều thể hiện ý nghĩa riêng, điển hình lễ hội tú tỉ thường được tổ chức vào ngày mồng 2/2 âm lịch cầu mong thổ địa nơi mình định cư phù hộ cho bà con được an lành, người dân trong bản khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, gia súc gia cầm không mắc bệnh.

Lễ cấm bản được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch với mục đích cúng thần rừng cầu mong cho tất cả dân bản sức khỏe, bình an, vật nuôi và cây trồng phát triển. Trong lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian với nhiều môn thi đấu độc đáo: giã bánh dày, kéo co, tó má lẹ… Các món ăn truyền thống được bà con làm ra mang đậm nét văn hóa ẩm thực bản địa: cá nương, cơm lam, khẩu nhục, thịt đỏ. Và từ lâu lễ hội đã thực sự trở thành ngày hội của bà con dân tộc xã San Thàng.

Lễ cúng “Đoong Xía” được bà con dân tộc Giáy xã San Thàng duy trì tổ chức hằng năm vào ngày 3/3 và 6/6 âm lịch.

Lễ cúng “Đoong Xía” được bà con dân tộc Giáy xã San Thàng duy trì tổ chức hằng năm vào ngày 3/3 và 6/6 âm lịch.

Văn hóa của người Giáy còn được thể hiện trong các nghi thức đám cưới, ma chay, cúng bái… Lễ cưới của người Giáy trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, từ lễ dạm ngõ, ăn hỏi, cưới và cuối cùng là lễ lại mặt. Mỗi nghi lễ còn có các nghi thức cử hành khác nhau theo phong tục, tập quán. Khi hai người nam – nữ muốn lấy nhau, gia đình nhà trai phải chọn ra một người làm mối. Người làm mối phải có 3 lần đến nhà gái để hỏi ý kiến xem gia đình nhà gái có đồng ý cho cưới hay không. Lễ vật thách cưới tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhưng thông thường các lễ vật không thể thiếu: 2 đôi gà và vịt; 120 chiếc bánh rán, 100 lít rượu, 2 tạ thịt lợn... Đoàn đón dâu đến nhà gái cử hành các nghi thức đón dâu và xin dâu, cô dâu trong trang phục truyền thống, đội chiếc khăn trùm màu đỏ với hy vọng luôn gặp may mắn, vợ chồng chung sống hạnh phúc.

Người Giáy yêu thích văn nghệ, văn nghệ khiến bà con cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, cũng chính nhờ những cuộc hát mà nhiều chàng trai cô gái Giáy đã nên duyên chồng vợ. Trước kia vào các dịp lễ tết, hội đầu năm các bà, các chị rất nhiệt tình tham gia múa hát. Hiện nay, các điệu múa truyền thống của người Giáy đang dần được khôi phục, đội văn nghệ của bản hàng tuần vẫn tập luyện các tiết mục: múa quạt, múa nón, múa khăn, múa xòe. Đặc biệt, không thể thiếu nhạc cụ dân gian dân tộc Giáy.

Nhạc cụ của đồng bào dân tộc Giáy nổi tiếng độc đáo, gồm nhiều loại: kèn, sáo, kèn lá, trống, chiêng. Cấu tạo của các loại nhạc cụ kể trên đều làm bằng chất liệu bằng gỗ, trúc tự nhiên, da động vật (dê, bò, trâu) và bằng đồng. Các loại nhạc cụ chủ yếu dùng trong các nghi thức đám cưới, đám tang. Nhất là vào dịp lễ tết, bản người Giáy vui như ngày hội bởi tiếng hát xen lẫn tiếng kèn, sáo, chiêng kết hợp như mời gọi, làm say đắm lòng người.

Ông Vùi Văn Múng - Đội trưởng đội kèn Pí Kẻo của bản San Thàng cho biết: “Để gìn giữ các điệu múa, nhạc cụ, bản đã thành lập được đội văn nghệ và đội kèn Pí Kẻo. Riêng đội kèn Pí Kẻo có 4 thành viên phụ trách các nhạc cụ là: kèn, trống, chiêng. Ngoài tham gia vào các lễ hội của bản, các đội thường xuyên được xã, thành phố mời tham gia biểu diễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Khi có thời gian rảnh chúng tôi thường xuyên luyện tập, truyền dạy cho các lớp trẻ có niềm đam mê cá hát, nhạc cụ dân tộc”.

Nghề thủ công truyền thống của người Giáy là một trong những nghề phụ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số nghề thủ công đã mất hẳn như nghề rèn, đan chài lưới. Một số nghề đang bị mai một như nghề: mộc, đan lát. Nguyên nhân chính là do làm nghề thủ công mất nhiều công và thời gian, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho gia đình, nhu cầu không nhiều nên không thể trở thành hàng hóa để trao đổi, mua bán.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: Từ lâu đồng bào Giáy có truyền thống văn hóa đặc sắc, di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Vì vậy, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cấp ủy chính quyền xã đang triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn các phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc; duy trì tổ chức các lễ hội, thành lập các đội văn nghệ quần chúng; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển dịch vụ du lịch thu hút khách đến tham quan tìm hiểu. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Giáy.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91%E1%BA%B7c-s%E1%BA%AFc-v%C4%83n-h%C3%B3a-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-gi%C3%A1y