Văn hóa từ chức: Đảng đã mở đường, Nhà nước tiếp nối...
Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khi Đảng đã mở đường, các cơ quan nhà nước cũng nên tiếp nối, luật hóa bằng các quy định cụ thể để việc từ chức được thực hiện hiệu quả, nhất quán trong bộ máy hành chính từ trung ương xuống địa phương.
Khoảng 10 năm lại đây, đã có hơn 170 cán bộ cấp cao, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật, nhưng gần như không thấy có cán bộ nào chủ động xin từ chức. Vì thế, việc có đến 3 Ủy viên cùng lúc thôi tham gia Ban chấp hành T.Ư được nhiều người kỳ vọng "mở đường" hình thành nên văn hóa từ chức. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Trước tiên, nhìn rộng ra các nước, chúng ta đều thấy, khi quan chức không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc để xảy ra vụ việc gì đó trong cơ quan, đơn vị, không còn đủ tín nhiệm nữa, họ sẽ xin từ chức, thôi không làm nhiệm vụ nữa. Đó là chuyện rất bình thường, thành truyền thống.
Còn chúng ta khái niệm từ chức dường như còn rất mới mẻ. Trước giờ tôi thấy trường hợp xin từ chức theo đúng nghĩa, có lẽ là trường hợp của ông Lê Huy Ngọ. Cách đây, gần 19 năm (năm 2004), khi đó đang là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Ngọ đã xin từ chức để nhận trách nhiệm trong một vụ việc. Từ chức, thực chất đó cũng là một văn hóa. Khi cảm thấy không còn đủ năng lực, tín nhiệm, hoặc không còn đủ sức khỏe, uy tín thì nên xin từ chức, xin thôi nhiệm vụ để người khác đảm đương thay mình. Làm sao phải coi đó là việc rất bình thường chứ không phải cái gì đó quá nặng nề.
Với 3 Ủy viên thôi tham gia Ban chấp hành T.Ư vừa qua, tôi nghĩ rằng nó đã mở ra một tiền lệ tốt. Dù không thích thú gì, nhưng ở một góc độ khác, điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Người không hoàn thành nhiệm vụ, có tỳ vết, không có điều kiện đảm đương công việc nữa thì xin từ chức để tạo điều kiện cho người khác có khả năng làm tốt hơn thay thế.
Đặc biệt, lâu nay dư luận ngoài xã hội cũng hay nói câu rất khôi hài rằng: "Cán bộ rất đỗi tự hào, đã lên không xuống, đã vào không ra". Việc hình thành văn hóa từ chức sẽ xóa đi cái ấn tượng không tốt này trong công tác cán bộ. Mặt khác cũng mở ra tiền lệ, để cán bộ dù không đến mức bị cách chức, nhưng bản thân thấy mình không đủ điều kiện để tiếp tục công việc thì họ xin từ chức.
Rõ ràng việc từ chức như vậy cũng sẽ mở ra tiền lệ mới. Không chỉ ở trung ương, mà tôi hi vọng sẽ lan tỏa xuống địa phương, cấp ủy các tỉnh, thành, quận, huyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ những người bị kỷ luật mà ngay cả những người năng lực hạn chế, sợ sai, không dám quyết, không dám làm, hoặc làm không hiệu quả cũng nên mạnh dạn xin từ chức, nhường ghế cho những người xứng đáng hơn, ông nghĩ sao?
Quả đúng là như vậy. Tôi đã từng phát biểu, không phải chỉ những người có tỳ vết, bị kỷ luật đâu, mà có những trường hợp không đủ uy tín, năng lực, dù chưa đến mức bị kỷ luật nhưng nếu cảm thấy vị trí này, công việc này quá nặng với mình, thấy gánh không nổi, hay vì lý do sức khỏe, gánh nặng từ phía gia đình…họ cũng nên xin từ chức. Điều đó cũng tạo điều kiện tốt cho người khác phát triển.
Hay với những ai không dám làm, không dám quyết, thiếu bản lĩnh, sợ làm sai, thì anh có còn là cán bộ nữa không? Nhất là với cán bộ cấp cao, cán bộ chiến lược đòi hỏi phải có sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Khi không còn những cái “dám” đó nữa, tự nhiên anh trở thành vật cản cho cơ quan, tổ chức, thậm chí là vật cản cho xã hội, chức vụ càng cao, lực cản càng lớn.
Cho nên, nếu cán bộ mà sợ trách nhiệm, không dám làm cũng nên xin từ chức. Nếu cảm thấy công việc đang làm là gánh nặng với mình thì nên trao gánh nặng đó cho người khác đủ sức đảm đương. Sức vóc bản thân chỉ gánh được 50 cân, mà bắt gánh 100 cân thì gánh sao nổi? Với một chiếc áo quá rộng, dù có đẹp đến mấy, giá trị đến mấy cũng không nên mặc.
Từng chất vấn trên nghị trường về những dự án thua lỗ, yếu kém, những “quả đấm thép” tan chảy… theo ông, những trường hợp cán bộ liên quan đó có nên mạnh dạn xin từ chức?
Hiện nay chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, vậy cần phải quy rõ xem trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Theo tôi, những người gây ra hậu quả nặng nề này cũng nên xin từ chức. Không chỉ với những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” mà còn nhiều dự án khác, rồi làm sai quy hoạch, gây hậu quả nặng nề, nếu có lòng tự trọng thì nên từ chức, đừng để đến khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, lúc đó buộc anh phải bị cách chức thì chuyện lại khác rồi. Nếu xin chủ động từ chức với lý do không hoàn thành nhiệm vụ, như thế sẽ tốt hơn, vì dù sao vị cán bộ đó vẫn giữ được liêm sỉ, lòng tự trọng.
Cán bộ cũng cần xóa bỏ tâm lý đã làm quan là làm suốt đời, cũng đừng nghĩ công việc ấy chỉ có mình mới làm được còn người khác thì không. Xin thưa, xã hội còn rất nhiều người tài. Nếu mở rộng dân chủ, tuyển chọn rộng rãi, tôi tin sẽ có rất nhiều người đảm đương được, thậm chí còn làm tốt hơn.
Có thể thấy, Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong đó có việc khuyến khích người bị kỷ luật từ chức cũng là bước mở đường cho việc hình thành văn hóa từ chức. Đảng đã mở đường, thì các cơ quan nhà nước cũng nên tiếp nối, luật hóa bằng các quy định cụ thể, làm sao để chủ trương này được thực hiện hiệu quả, nhất quán.
Thế nào là từ chức? Ở mức độ nào thì cán bộ nên từ chức?... Tất cả cần phải được minh bạch hóa với những tiêu chí rõ ràng bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi người ta nhìn vào đó, thấy bản thân không đủ các tiêu chí, thì người ta tự nguyện từ chức, không cần phải chờ đến khi các cơ quan của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, xử lý. Bên cạnh đó cũng phải động viên, khuyến khích, đánh giá đó là những người có lòng tự trọng, ít nhất còn có liêm sỉ...
Cũng giống như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có kết luận thì chính quyền cũng phải có động tác tiếp theo cho phù hợp. Trong công tác cán bộ, từ chức cũng như thế, để sau này chúng ta không phải nói nhiều, hay ngạc nhiên khi lại có ông này, bà kia từ chức. Có lên có xuống, có vào có ra, từ chức phải coi đó là việc bình thường trong công tác cán bộ.