Văn hóa ứng xử công vụ: Quy định nhiều, chế tài yếu?

Mặc dù văn hóa ứng xử công vụ đã đi vào đời sống và tạo được sự thay đổi tích cực, tuy nhiên trong thời gian qua vẫn xảy ra một số trường hợp hành xử chưa chuẩn mực gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng đối với văn hóa ứng xử và trách nhiệm công vụ, quy định nhiều, nhưng chế tài lại yếu?

Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh Bảo Thoa

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh Bảo Thoa

Ngày 14/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019-2025.

Nội dung của các quyết định nêu trên bước đầu đã được lan tỏa và đi vào cuộc sống, tuy nhiên thực tế vẫn còn những bất cập, tồn tại trong thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, công tác tiếp xúc công dân chưa thực sự đi vào thực chất, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù nhiều bộ, ngành đã có những quy định cụ thể để xử lý cán bộ vi phạm, thế nhưng chế tài thì chưa có, hoặc chưa đủ mạnh, dẫn tới việc nhiều công chức, viên chức có những hành vi, lối sống chưa chuẩn mực tại cộng đồng, công sở.

Với những quyết định, phong trào được hưởng ứng, phát triển rộng rãi, trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức đã ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thực hiện văn hóa công sở, một số nơi còn tồn tại như công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử chưa chuẩn mực gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Về xử lý cán bộ, công chức vi phạm văn hóa nơi công sở và công cộng, nhiều bộ, ngành đã có quy định, song, chế tài chưa có, hoặc chưa đủ mạnh, dẫn tới việc nhiều cán bộ, công chức có những hành vi, lối sống chưa chuẩn mực tại cộng đồng, công sở. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của người cán bộ với cộng đồng đã xảy ra.

Dường như khi bước chân ra khỏi cửa cơ quan, họ quên mất rằng mình vẫn đang được xã hội nhìn nhận dưới tư cách là người của Nhà nước, từ đó có những hành động thiếu chuẩn mực, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trao đổi về vấn đề này tại buổi tọa đàm “Văn hóa ứng xử và trách nhiệm công vụ: Quy định nhiều, chế tài yếu?”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, Quyết định 1847 đã quy định rõ chuẩn mực ứng xử của công chức với người dân khi giải quyết công việc.

Đó là khi giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình và giải thích cặn kẽ với người dân. Thực hiện quy định này, công chức khi tiếp xúc và giao dịch với người dân phải “4 xin” và “4 luôn”, đó là xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Tuy nhiên, một số công chức không thực hiện đúng, tạo bức xúc cho người dân. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, đủ tính răn đe và chưa kịp thời cũng góp phần để xảy ra tình trạng này.

Đối với ý kiến về việc người thi hành công vụ hách dịch bởi có người “chống lưng”, bao che, Thứ trưởng nhận định: “Cũng phải xác định rõ ràng rằng, có khi những công chức vi phạm quy định đó không hề có người bao che, nhưng tự bản thân họ muốn tạo cho mình cái thế để cho người khác nghĩ rằng có thế lực bao che.

Bản thân lãnh đạo luôn quán triệt, nhắc nhở cán bộ thực thi đúng chức trách công vụ. Tôi nghĩ rằng người bao che trong thực thi công vụ không có nhiều, mà cái này tự bản thân nhiều người tạo ra như thế”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thành Can, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mặc dù đã có nhiều quy định, quy tắc ứng xử công vụ dành cho người cán bộ, nhưng vừa qua vẫn xảy ra một loạt hiện tượng khiến người dân không hài lòng, vi phạm lối sống văn hóa, những hành vi phản cảm như báo chí đã đưa tin về cán bộ, công chức hành xử không đúng, gây náo loạn ở sân bay, cãi nhau ở đường phố… Vấn đề cần lưu ý ở đây là chế tài chưa đủ mạnh, tính nghiêm minh còn hạn chế.

“Chúng ta có những yêu cầu về văn hóa và thực thi văn hóa, yêu cầu thực thi giá trị của nền văn hóa và cao hơn là đạo đức công vụ. Nhưng ở đâu đó, các vi phạm vẫn xử lý nhẹ nhàng, xuề xòa, muốn giấu đi xử lý trong nội bộ....Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn, do đó, các quy định cần có chế tài xử lý để người ta thấy là có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn, tự trọng, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế”, ông Ngô Thành Can nói.

Một trong những giá trị của văn hóa công vụ là tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện không chỉ ở chỗ năng lực làm việc tốt, chuẩn mực của đội ngũ người thực thi công việc, mà còn ở chỗ các thủ tục, các quy trình công việc cần được quy chuẩn hóa để ai cũng biết mà thực hiện.

Đảm bảo tính chuyên nghiệp là đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn nghề nghiệp từ quy trình thực hiện công vụ đến các tiêu chuẩn về tác phong, phong cách làm việc. Tính chuyên nghiệp và sự minh bạch trong quy trình là rất quan trọng, đã được xác định trong các nội dung của văn hóa công vụ.

Đối với công chức, Đề án văn hóa công vụ đã quy định rõ: Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.

Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

Đi vào thực tế, ông Vương Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình cho biết, có nhiều trường hợp khi người dân đến làm thủ tục trong trạng thái không tỉnh táo, gây nhũng nhiễu, các cán bộ tại Trung tâm vẫn phải nhã nhặn giải thích và hướng dẫn.

Nếu không được sẽ mời vào phòng riêng để tiếp tục giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu. Cũng có trường hợp người dân không hài lòng với vẻ mặt thiếu niềm nở của cán bộ, phản ánh lên Trung tâm, ông cũng trực tiếp xin lỗi, rút kinh nghiệm để người dân có cái nhìn tin tưởng đối với người làm công vụ.

Ông cũng nêu lên một thực tế rằng, ông thực sự nể phục cách làm của một số doanh nghiệp bởi họ có cách đối đãi với khách hàng cực kỳ mềm mỏng, có kinh nghiệm, thái độ chuyên nghiệp bởi họ luôn coi khách hàng là thượng đế. Ông mong rằng, đối với những người làm công tác phục vụ nhân dân cũng có cách ứng xử như doanh nghiệp, coi bản thân là người phục vụ, người dân là khách hàng. Như vậy văn hóa ứng xử công vụ mới thực sự thay đổi.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-hoa-ung-xu-cong-vu-quy-dinh-nhieu-che-tai-yeu-97540.html