Văn hóa ứng xử trong gia đình
Sinh thời Bác Hồ đã chỉ dẫn: 'Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình'.
Làm theo lời Bác dạy, trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, luật pháp về xây dựng con người Việt Nam, gia đình Việt Nam với những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, từ khi nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, một bộ phận người dân để mặt trái của cơ chế thị trường tác động, tiếp thu các nền văn hóa thiếu lựa chọn… dẫn đến coi nhẹ giá trị truyền thống gia đình, ứng xử sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 200 vụ án mạng xảy ra tại gia đình, trong đó có tới 60% số thủ phạm dưới 30 tuổi. Ở Hải Dương cũng có những gia đình từ mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn kinh tế không giải tỏa được dẫn đến những kết cục hết sức đau lòng...
Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành và đang tiến hành thí điểm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử ở gia đình. Hải Dương có phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa từ nhiều thập niên trước, việc bình bầu, tôn vinh những gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”… vẫn được duy trì hằng năm, thu được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song thẳng thắn nhìn lại, chất lượng phong trào trên chưa tương xứng với yêu cầu, thiếu đồng đều, bền vững…
Tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã chỉ rõ: “Xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, đạo đức, lối sống và nhân cách”. Con người xứ Đông trước hết cần phải có hiểu biết và thực hiện những tiêu chí ứng xử theo văn hóa truyền thống ở gia đình. Vợ chồng cần chung thủy, nghĩa tình, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cha mẹ với con, ông bà với cháu cần gương mẫu từ lời nói đến việc làm, chăm sóc con cháu khi còn nhỏ, trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm, giữ gìn nền nếp gia phong. Con đối với cha mẹ, cháu đối với ông bà cần hiếu thảo, kính trọng, lễ phép. Anh chị em cùng cha mẹ hay khác người sinh thành (rể, dâu, dượng, nuôi…) luôn hòa thuận, chia sẻ…
Trên thực tế, những nội dung này đã được nhiều làng, khu dân cư đưa thành quy ước cụ thể khi nhận xét “gia đình văn hóa”. Nhưng cũng không ít nơi còn hình thức, chạy theo thành tích. Đây là vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng, đạo đức con người nên một mặt phải bằng các hình thức tuyên truyền giáo dục làm cho mỗi người dân hiểu biết về chính sách pháp luật nói chung, nhất là các bộ luật liên quan đến lĩnh vực này như Luật Người cao tuổi, Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới... Cùng với đó là việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, biểu dương, khen thưởng những người tốt, việc tốt, gia đình tốt, phê phán những lời nói và việc làm trái với thuần phong mỹ tục. Qua đó có thể nắm được hiện tượng, tâm trạng của những người, những vụ việc, mâu thuẫn nội bộ gia đình, làng xóm cần hòa giải, ngăn chặn, tránh xảy ra những hành vi xung đột đáng tiếc.
Nếu mỗi gia đình, làng xóm, khu dân cư, đơn vị… đều được nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật; mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên trong hệ thống chính trị đều nêu gương thực hiện thì các tiêu chí ứng xử văn hóa dần trở thành nền nếp, góp phần thiết thực xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và làm cho xã hội càng tốt hơn.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG (TP Hải Dương)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/van-hoa-ung-xu-trong-gia-dinh-149323