Văn hóa và lịch sử Việt Nam qua góc nhìn quốc tế

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu những chia sẻ, cảm nhận của các nhà ngoại giao, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội về đất nước, con người Việt Nam trong dịp lễ Quốc khánh 2/9.

Những ý kiến này không chỉ phản ánh sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với văn hóa, lịch sử Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy sự giao lưu và hiểu biết giữa các nền văn hóa.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Julien Guerrier: “Ấn tượng với những bước chuyển mình của Việt Nam”

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Julien Guerrier

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Julien Guerrier

Việt Nam không phải là đất nước xa lạ đối với tôi, lần đầu tiên tôi đến đây là vào năm 1996 và sau đó rất vinh dự khi được tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2004-2005.

Trong suốt hành trình gần 30 năm qua, tôi rất ấn tượng khi được dõi theo những bước phát triển của Việt Nam– sự thành công đó là nhờ việc các bạn chủ động mở cửa chscính sách với thế giới và không ngừng nỗ lực vươn lên.

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm của thế giới, nơi Việt Nam có sức ảnh hưởng đặc biệt về kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị, EU đã phát triển chiến lược để tham gia nhiều hơn vào khu vực này.

Tôi tin rằng bây giờ chính là thời điểm gọi tên “khoảnh khắc Việt Nam”. Trong nhiều thập kỷ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên đã luôn tích cực hỗ trợ sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam và đối với chúng tôi, đây là điều ngày càng quan trọng. Tôi cũng nhận thấy người dân Việt Nam và EU có những khát vọng chung. Chúng ta có cùng mục tiêu hướng đến như phương châm của Việt Nam: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là cụm từ cho tôi thấy vẻ đẹp và ý nghĩa trong từng khái niệm, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân cả Việt Nam và EU.

Với vai trò của mình, tôi mong muốn hai bên thúc đẩy giao lưu con người để hiện thực hóa mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đó, nhất là các hoạt động trao đổi, giao lưu học thuật, giáo dục, thăm viếng tiếp xúc các cấp trong thời gian tới. Tôi cũng rất vui khi được làm việc và sinh sống tại Thủ đô Hà Nội – nơi đây là một trong những thành phố có tốc độ phát triển ấn tượng, song vẫn giữ được những nét quyến rũ, cổ kính riêng.

Chaz Hindsley, Giám đốc Kiểm toán, người Mỹ: người Việt Nam đã gạt bỏ hận thù, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, thịnh vượng

Chaz Hindsley, Giám đốc Kiểm toán Rogers & Cowen PMK, người Mỹ

Chaz Hindsley, Giám đốc Kiểm toán Rogers & Cowen PMK, người Mỹ

Là một người Mỹ, tôi từng chỉ biết về Việt Nam qua lăng kính của lịch sử từ một phía, chủ yếu là về cuộc chiến tranh mà chúng tôi thường gọi là 'Chiến tranh Việt Nam.' Nhưng khi đến sống và làm việc tại đây, tôi đã khám phá ra một điều sâu sắc hơn rất nhiều về đất nước này. Lịch sử Việt Nam không chỉ xoay quanh cuộc chiến tranh với Mỹ, mà còn là câu chuyện về sự kiên cường và bất khuất trước biết bao kẻ xâm lược suốt hàng ngàn năm. Những khó khăn mà người dân nơi đây đã vượt qua để giữ vững nền độc lập thật sự là một nguồn cảm hứng lớn đối với tôi.

Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là sau tất cả những thử thách, người Việt vẫn mở lòng và chào đón chúng tôi - những người nước ngoài từng là kẻ thù. Tôi cảm nhận được điều này không chỉ từ gia đình vợ tôi, mà còn từ tất cả những người dân mà tôi đã gặp. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ văn hóa, và làm tôi cảm thấy như mình thực sự thuộc về nơi này. Người Việt Nam đã gạt bỏ hận thù, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, thịnh vượng của đất nước.

Tôi cũng học được rất nhiều từ những giá trị gia đình mà người Việt luôn giữ gìn, đặc biệt là trong việc thờ cúng tổ tiên - một truyền thống mà tôi chưa từng thấy ở quê hương mình. Nó không chỉ là sự tôn kính mà còn là một cách để kết nối các thế hệ với nhau, một điều mà tôi rất trân trọng.

Khi tôi so sánh Ngày Quốc khánh Việt Nam với Ngày Độc lập của Mỹ, tôi nhận thấy một điểm tương đồng đặc biệt: cả hai đều là dịp để mọi người cùng nhau kỷ niệm và bày tỏ lòng yêu nước. Đó là lúc tất cả chúng ta, dù ở bất kỳ quốc gia nào, cùng chung tay để tôn vinh những giá trị đã làm nên sức mạnh của mỗi dân tộc.

Và nếu có ai hỏi tôi về lời khuyên khi đến Việt Nam trong dịp này, tôi chỉ có một điều muốn nói: Hãy mở lòng, hãy bỏ chiếc điện thoại xuống, và hãy thực sự hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều điều tuyệt vời đang chờ đón bạn, những bài học quý giá mà bạn có thể ghi nhớ để phát triển bản thân.

Kate Robinson, người Mỹ, chuyên gia hiệu đính tại báo Việt Nam News: tự hào người dân Việt Nam về lòng dũng cảm và kỹ năng quân sự

Kate Robinson, người Mỹ, chuyên gia hiệu đính tại báo Việt Nam News

Kate Robinson, người Mỹ, chuyên gia hiệu đính tại báo Việt Nam News

Tôi đến từ Mỹ, nên tôi hiểu một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam — cuộc chiến tranh Mỹ, hay như chúng tôi gọi là Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, tôi chỉ biết rất ít về lịch sử Việt Nam ngoài vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến đó. Tôi hiểu lý do tại sao chính phủ Mỹ cho rằng cần phải tham chiến, cũng như biết rằng nhiều công dân Mỹ đã phản đối cuộc chiến, thậm chí một số điều tồi tệ mà lính Mỹ đã làm ở mảnh đất này và lý do chiến bại — tuy nhiên, thời điểm đó tôi không chú ý nhiều vào góc nhìn của người Việt Nam.

Kể từ khi đến đây, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về mảnh đất tuyệt vời này và lịch sử lâu đời, bao gồm những vị vua và những chiến binh huyền thoại như Lý Thái Tổ, hai Bà Trưng, Bà Triệu, các vị Vua Hùng, triều đại Nguyễn, cuộc đấu tranh không ngừng với giặc ngoại xâm và nhiều điều khác nữa! Tôi cũng đã hiểu biết thêm về cách Việt Nam đánh bại cả Pháp và Mỹ, và nhận thấy người dân Việt Nam rất tự hào về lòng dũng cảm và kỹ năng quân sự của mình. Thật thú vị là tôi biết thêm về thời khắc lịch sử khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập vào năm 1945 — đó vẫn là một ký ức sống!

Việt Nam có một bề dày lịch sử lâu đời. Với tôi, khía cạnh văn hóa nổi bật của đất nước chính là các truyền thuyết và truyện dân gian Việt Nam, cũng như truyền thống viết lách và kể chuyện phong phú, giúp tôi hiểu sâu hơn về lý do tại sao Văn Miếu lại nằm ở Hà Nội! Nhiều điều tôi học được đến từ tên phố — đó là cách tôi biết về bài thơ sử thi của Nguyễn Du, "Truyện Kiều". Một cuốn sách về các câu chuyện dân gian Việt Nam đã dạy tôi về Âu Cơ và Lạc Long Quân, những nhân vật cũng xuất hiện dưới dạng hai con đường chính (giao nhau) trong thành phố!

Ngoài ra, tôi phải nói rằng tôi đã thực sự ấn tượng với chất lượng nghệ thuật thị giác ở đây, bao gồm các bức tranh truyền thống, nhiếp ảnh và nghệ thuật đường phố. Có một số bức tranh tường graffiti tuyệt vời ở Hà Nội!

Khách du lịch nên tận hưởng cơ hội này để xem các lễ kỷ niệm ở một nơi khác nhau, có thể dành thời gian để tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam, hoặc đơn giản là thư giãn và vui vẻ. Và đừng khó chịu nếu các cửa hàng hoặc nhà hàng đóng cửa — ai cũng xứng đáng có một ngày nghỉ!

Sunny Ghaiee, Phó giám đốc điều hành - Khách sạn Hà Nội Daewoo: tôi cảm phục hơn về sức mạnh và ý chí của người dân Việt Nam

Sunny Ghaiee, Phó giám đốc điều hành - Khách sạn Hà Nội Daewoo

Sunny Ghaiee, Phó giám đốc điều hành - Khách sạn Hà Nội Daewoo

Hành trình hơn 8 năm sống và làm việc tại Việt Nam đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và tinh thần dân tộc của đất nước các bạn. Mỗi dịp Quốc Khánh của Ấn Độ hay Quốc Khánh Việt Nam, tôi cùng các đồng nghiệp lại có những cuộc trò chuyện thân tình về quá trình đấu tranh giành độc lập và những câu chuyện về sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước.

Dù với người Việt Nam hay người Ấn Độ, Quốc Khánh luôn là một dịp vô cùng đặc biệt để mọi người nhìn lại quá khứ, tự hào về những gì đã đạt được và tiếp tục hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Năm 2016, lần đầu đặt chân tới Hà Nội, tôi đã cảm thấy bị thu hút bởi sự phong phú của văn hóa và lịch sử Việt. Một trong những điều nổi bật là tinh thần đấu tranh kiên cường vì độc lập và tự do của người dân Việt Nam. Khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, tôi nhận thấy sự tương đồng với cuộc đấu tranh của Mahatma Gandhi tại Ấn Độ. Cả hai dân tộc đều có chung một khát vọng mãnh liệt về tự do, và đã kiên trì đấu tranh với lòng dũng cảm, không khuất phục trước khó khăn. Điều này càng làm tôi cảm phục hơn về sức mạnh và ý chí của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những nét đặc trưng riêng trong cách kỷ niệm quốc khánh. Ở Ấn Độ, Ngày Độc Lập thường được tổ chức với các lễ diễu hành lớn, đặc biệt là tại Red Fort ở Delhi, nơi Thủ Tướng phát biểu trước nhân dân. Trong khi đó, tại Việt Nam, tôi nhận thấy mọi người tập trung tôn vinh những giá trị truyền thống và lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng dân tộc, tạo nên một không khí rất đặc biệt ý nghĩa.

Bên cạnh đó, tôn trọng và gìn giữ các giá trị gia đình cũng là một văn hóa rất đáng quý. Những truyền thống này không chỉ là di sản của dân tộc mà còn là nền tảng để đất nước phát triển bền vững trong tương lai.

Tôi đã có cơ hội viếng Lăng Bác Hồ. Đây là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm và sự tôn kính mà người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, tôi cũng rất thích tận hưởng sự bình yên của Thủ đô Hà Nội mỗi dịp lễ Quốc Khánh. Không khí yên bình và trang trọng của thành phố vào những ngày này thực sự để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về tình yêu quê hương đất nước của người Việt.

Nếu có cơ hội đến Việt Nam trong dịp Quốc Khánh, bạn nhất định phải tham dự lễ Thượng Cờ tại Quảng Trường Ba Đình vào 6:00 sáng, tham quan Lăng Bác để bày tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bạn cũng có thể lên lịch trình khám phá bảo tàng và di tích lịch sử để tìm hiểu về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.

Ngoài ra, hãy dành thời gian thưởng thức món ăn truyền thống như Phở Bò, Bánh Cuốn, Chả cá…

Nghệ sỹ piano, đạo diễn người Pháp François Bibonne: Việt Nam đã thể hiện một tư duy hòa bình tuyệt vời và các chiến lược thông minh trong chính sách kinh tế

Nghệ sỹ piano, đạo diễn người Pháp François Bibonne

Nghệ sỹ piano, đạo diễn người Pháp François Bibonne

Các dịp kỷ niệm lịch sử của Việt Nam đặc biệt là Quốc khánh luôn mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt. Trong dịp kỷ niệm, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức, kết hợp các tác phẩm nghệ thuật và các nghi lễ chính trị, thể hiện niềm tự hào của quốc gia, chào đón bất kỳ ai tham gia bất kể họ đến từ đâu, có quốc tịch nào.

Là một người Pháp gốc Việt sống tại Hà Nội, tôi cảm thấy hòa nhập và biết ơn bởi luôn cảm nhận được sự ấm áp và niềm tự hào trong ngày Quốc khánh. Tôi thấy bản Quốc ca thật kỳ diệu, đặc biệt là khi được chơi với dàn hợp xướng và dàn nhạc như Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Tôi chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội theo dõi các buổi hòa nhạc và các chương trình nghệ thuật chính luận phát sóng trên truyền hình vào dịp này. Quốc khánh là một lễ kỷ niệm trọng đại đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kể thể chế chính trị nào.

Trong khi những căng thẳng mới đang gia tăng ở châu Âu và Trung Đông, Việt Nam đã thể hiện một tư duy hòa bình tuyệt vời và các chiến lược thông minh trong chính sách kinh tế của mình. Trong dịp lễ kỷ niệm này, người dân cả nước đồng lòng, hướng về quá khứ, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và cũng truyền niềm tin cho các thế hệ về một tương lai bền vững vì một quốc gia cần sự ổn định để phát triển.

Tôi đạo diễn bộ phim tài liệu “Once upon a bridge in Vietnam” (Ngày xửa ngày xưa có một cây cầu ở Việt Nam), đã gây tiếng vang với truyền thông trong nước và quốc tế. Tháng 7 vừa qua, bộ phim vừa được trình chiếu tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế Ruthin (RIAF) 2024, gây ấn tượng với khán giả Anh và quốc tế.

Từ nhỏ, tôi sống cùng bà nội là người Việt, bà yêu âm nhạc và luôn khích lệ anh chơi đàn. Sau khi bà qua đời thì tôi bỗng nhận ra rằng mình cần phải biết rõ hơn về cội nguồn của bà, đất nước Việt Nam, thông qua âm nhạc. Ý tưởng về bộ phim ra đời như vậy.

Những thước phim chính là cánh cửa giúp tôi có thể tiếp cận và hiểu hơn về âm nhạc và những nét văn hóa bản địa đặc trưng của Việt Nam đồng thời tôi cũng muốn đưa đến cho người xem những góc nhìn mới mẻ và thú vị về Việt Nam.

Bộ phim sử dụng hình ảnh cây cầu lặp đi lặp lại như một ẩn dụ thể hiện sự kết nối, chẳng hạn sự kết nối giữa Pháp với Việt Nam, giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc phương Tây, giữa quá khứ và tương lai…

Ông Michael Schumacher, Giám đốc Điều hành, Oakwood Residence Hanoi: Hành trình vươn lên của người Việt Nam

Ông Michael Schumacher, Giám đốc Điều hành, Oakwood Residence Hanoi

Ông Michael Schumacher, Giám đốc Điều hành, Oakwood Residence Hanoi

Tôi từng biết đến cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt qua những câu chuyện, bộ phim về lịch sử, nhưng chỉ khi bắt đầu hành trình sống và làm việc tại Oakwood Residence Hanoi, tôi mới thực sự cảm nhận rõ nét về những khó khăn, gian khổ mà những người dân đã trải qua để giành lấy tự do.

Sau lần ghé thăm Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lắng nghe về những chiến tích lịch sử, tôi lại càng thấu hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh và tinh thần bất khuất của mỗi người dân đất Việt trong suốt chặng đường chiến tranh đầy gian khó. Đối với tôi, Ngày Quốc Khánh không chỉ là dịp thiêng liêng để tôn vinh và tri ân quá khứ mà còn là khoảnh khắc để mỗi cá nhân đang sống và làm việc tại Việt Nam trân trọng những giá trị mà dân tộc Việt đã kiên cường giữ gìn.

Kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi sự phong phú của nền văn hóa và lịch sử nơi đây. Từ những lễ hội cổ truyền rực rỡ, nổi bật với giá trị truyền thống gia đình, đến những món ăn đặc sản thơm ngon như phở và bánh mì, tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc.

Có cơ hội khám phá các khu chợ địa phương, tận mắt chiêm ngưỡng những làng nghề thủ công truyền thống, tôi càng thêm trân trọng những nỗ lực không ngừng của người Việt trong việc gìn giữ di sản văn hóa. Sự hòa quyện giữa nét văn hóa đa dạng và những dấu ấn lịch sử hào hùng của Việt Nam đã tạo nên một bức tranh sống động và lôi cuốn, biến mỗi trải nghiệm thành một hành trình phiêu lưu không ngừng đối với tôi và tất cả những công dân nước ngoài đang sống và làm việc tại đây.

Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm bầu không khí trọng đại của dịp lễ Quốc Khánh, tôi rất mong chờ được hòa mình vào không khí trang trọng của các hoạt động kỷ niệm để có thể cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị quý báu mà người Việt Nam đã gìn giữ và phát huy suốt bao năm qua.

Tôi tin rằng để có thể cảm nhận chân thực về dịp lễ Quốc Khánh, cách tốt nhất là những chuyến thăm các di tích lịch sử quan trọng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Di tích nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn Độc lập. Mỗi điểm đến sẽ mang đến cho bạn góc nhìn sâu sắc về bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ.

Bên cạnh đó, tham gia vào các hoạt động kỷ niệm, giao lưu cùng người dân địa phương để lắng nghe những câu chuyện riêng của mỗi cá nhân về dịp lễ trọng đại này, và thưởng thức các món ăn truyền thống có thể xuất hiện trong các lễ hội cũng sẽ là những trải nghiệm quý giá.

Nhóm PV Ban Thông tin đối ngoại

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-hoa-va-lich-su-viet-nam-qua-goc-nhin-quoc-te.html