Văn hóa và thuế giá trị gia tăng

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn. Thuế nói chung, thuế giá trị gia tăng nói riêng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hóa.

Từ nguồn thu ngân sách, Nhà nước có thể đầu tư vào việc bảo tồn di sản, xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, và tổ chức các sự kiện nghệ thuật, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Không chỉ là công cụ kinh tế, thuế còn là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với nghệ thuật và văn hóa cho mọi tầng lớp xã hội. Chính sách thuế hợp lý giúp giảm giá thành sản phẩm văn hóa, từ đó đưa văn hóa, nghệ thuật đến gần hơn với mọi người dân. Chính sách thuế ưu đãi cũng có thể khuyến khích các dự án sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn di sản, tạo ra một môi trường phát triển văn hóa bền vững.

Thuế không chỉ là nghĩa vụ, mà là cơ hội để chúng ta xây dựng một tương lai văn hóa rực rỡ, nơi mỗi người đều có thể tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc. Ở một số quốc gia, dù không có bộ chủ quản về văn hóa nhưng nhờ chính sách thuế linh hoạt, phù hợp mà lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của họ rất phát triển, tạo điều kiện lan tỏa những giá trị, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, từ đó thu lại lợi ích to lớn về kinh tế.

Ở nước ta, qua nhiều nghiên cứu, hội nghị, hội thảo cho thấy "điểm nghẽn" về thuế trong hỗ trợ, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Vì vậy, miễn, giảm thuế (hoặc ít nhất là giữ nguyên mức thuế) chính là giải pháp cụ thể, thiết thực và thành tâm mà chúng ta có thể làm để phát triển văn hóa, từ đó tạo điều kiện chấn hưng đạo đức xã hội, phát triển bền vững đất nước từ văn hóa.

Soi chiếu như vậy vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10 tới đây, còn có một số bất cập.

Thứ nhất, Điều 5 quy định về đối tượng không chịu thuế, trong đó có hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ 50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên) đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật… (khoản 12). Như vậy có thể hiểu, trường hợp nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo chiếm dưới 50% thì vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng. Quy định như vậy không khuyến khích được sự đóng góp của các nguồn hỗ trợ này. Nếu những vướng mắc đang ở luật pháp hiện hành thì sửa luật, chứ không phải thấy đúng mà vướng thì không thực hiện.

Thứ hai, dự thảo Luật chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (Điều 5, Khoản 26, Điểm e). Thiết nghĩ, việc các nhà sưu tập, cá nhân mua cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về, từ đó chứng minh chủ quyền quốc gia về văn hóa, lịch sử, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc cần được khuyến khích. Nên miễn thuế giá trị gia tăng cho những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của Việt Nam mà các cá nhân nhập khẩu; chỉ đánh thuế khi họ mua bán cổ vật không phải của Việt Nam ở trong nước hoặc xuất khẩu.

Thứ ba, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Đây là những lĩnh vực giúp nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, xứng đáng được hưởng ưu đãi thuế. Vậy nhưng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật). Không hiểu tại sao sau rất nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý kiến của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là cần ưu tiên phát triển văn hóa, chúng ta lại thực hiện ngược lại là tăng thuế lên 10%? Cơ quan soạn thảo nên giữ nguyên mức thuế 5% hiện hành để góp phần phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là một chính sách tài chính, mà còn là một bước tiến quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước. Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, chúng ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/van-hoa-va-thue-gia-tri-gia-tang-i387005/