Văn hóa Việt 'tỏa nắng' trên tà áo dài
Bộ sưu tập 'Huyền sử Thăng Long' từng gây tiếng vang trong làng thời trang khi trình diễn tại đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
Sau 14 năm, bộ sưu tập ấy tái xuất trong hình hài mới với những thiết kế công phu.
Thời trang tái xuất sau 14 năm
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà thiết kế Trisha Võ, Giám đốc sáng tạo thương hiệu áo dài Liên Hương cho biết, bộ sưu tập “Huyền sử Thăng Long” của nhà thiết kế Liên Hương gồm 16 mẫu, từng được trình diễn vào năm 2010 nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Từ bộ sưu tập ấy, việc làm mới và phát triển những thành công lên tầm cao nằm trong xu hướng thời trang thế giới. Bởi vậy trong thời gian qua, nhà thiết kế Liên Hương cùng đội ngũ nghệ nhân đã tạo ra phiên bản mới.
Để hoàn thành bộ sưu tập “Huyền sử Thăng Long” phiên bản năm 2010, nhà thiết kế Liên Hương đã phải mất 2 năm để nghiên cứu và thực hiện. Công đoạn mất nhiều thời gian nhất chính là tìm kiếm nghiên cứu sử sách và tham khảo từ các nhà sử học uy tín về hình dáng rồng Việt Nam qua các thời kỳ để đưa vào tà áo dài.
16 mẫu áo dài “Huyền sử Thăng Long” của Liên Hương khi ấy, cùng với các thiết kế độc đáo khác của các nhà thời trang hàng đầu Việt Nam đã khiến cho du khách trong và ngoài nước phải trầm trồ.
Không chỉ vẻ đẹp duyên dáng, thanh thoát của người phụ nữ Việt được tôn dáng và tôn vinh trong một dịp lễ lớn, những mẫu thiết kế trên nền những hoa văn rồng đã làm nổi bật bản sắc văn hóa – lịch sử của dân tộc.
Họa tiết rồng thời Lý, rồng thời Trần và thời Nguyễn… đều có những nét đặc trưng khác nhau. Khi trình làng, các thiết kế đã dành được sự quan tâm và gây được tiếng vang lớn nhờ giá trị, ý nghĩa cùng vẻ đẹp đặc biệt.
Trên nền tảng thành công và cảm hứng từ bộ sưu tập này, trong phiên bản “Huyền sử Thăng Long” 2024, Liên Hương giữ nguyên các thiết kế về rồng thời Lý, thời Trần, thời Nguyễn nhưng được làm mới trên chất liệu và kết hợp kỹ thuật đính kết. Chất liệu chính được chọn cho phiên bản này là nhung, lụa, gấm cao cấp, có mẫu phối thêm ren.
Với phiên bản mới này, nhà thiết kế Liên Hương cho biết đã gửi gắm toàn bộ bản vẽ rồng của năm 2010 cho Trisha Võ thực hiện. Sau 14 năm, dù các thiết kế rồng được giữ nguyên, song đã làm mới trên các chất liệu, kỹ thuật và phối màu sao cho bộ sưu tập trẻ trung, bắt mắt và phù hợp hơn với xu hướng thời trang đương đại.
Liên Hương cũng cho biết, bộ sưu tập “Huyền sử Thăng Long” năm 2024 hiện đã hoàn tất được 10/16 mẫu thiết kế, với thời gian thực hiện gần một năm. Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn sắp tới, 10 mẫu thiết kế này cũng được hé lộ trước khi có buổi trình diễn chính thức.
Nhà thiết kế Trisha Võ cho biết, vẽ tay hình rồng trên vải, trên lụa đã khó, vẽ trên nhung tuyết còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhung tuyết khi vẽ không được tì tay lên vì sẽ làm dập tuyết nên chỉ có thợ lành nghề, nghệ nhân mới vẽ được. Việc đính cườm 3D cho vẩy rồng, cho mây hay vẽ kim tuyến để mang đến nét sinh động, bắt mắt cho bộ sưu tập cũng là thử thách đối với nghệ nhân.
Sau gần 1 năm, bộ sưu tập với hình ảnh rồng Việt qua nét vẽ tay cùng những đường chỉ thêu tinh xảo khiến cho các thiết kế trở nên lung linh sống động, nổi bật vẻ uy nghiêm nhưng hiền hòa vốn có của tà áo dài truyền thống. Hình tượng linh vật rồng được đặt ở vị trí hợp lý nhưng đầy sáng tạo khiến phom dáng truyền thống tôn vẻ thanh cao và nữ tính cho người mặc.
Để áo dài “kể chuyện” văn hóa Việt
Không chỉ gửi gắm niềm đam mê với nghệ thuật và thời trang vào tà áo dài, nhà thiết kế Liên Hương và Trisha Võ còn khát khao kể câu chuyện về lịch sử, để những ý niệm tốt đẹp của văn hóa Việt có thể “tỏa nắng”, lan tỏa ý nghĩa xung quanh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Năm 2021, trong phim “Gái già lắm chiêu V” có hình ảnh chiếc phượng bào chính là báu vật quý giá của Lý gia đã cho ba chị em họ Lý sống cuộc đời vương giả. Tuy nhiên ít ai biết, chiếc phượng bào đó là được nhà thiết kế Trisha Võ – con gái và là người kế nghiệp nhà thiết kế Liên Hương, xem như tác phẩm để đời trong sự nghiệp thiết kế của mình.
Để thực hiện phượng bào, Trisha Võ đã phải mất tới 6 tháng vừa nghiên cứu, vừa thiết kế. Chiếc phượng bào được nhuộm thủ công 4 lần, cho ra 4 màu vàng khác nhau để chọn màu đảm bảo vẻ đẹp chuẩn mực. Họa tiết trên áo, toàn bộ được thêu tay với lối thêu ka-tê của Nhật Bản, và phải mất đến 3 tháng mới hoàn thành các đường nét.
Áo phượng bào là trang phục cung đình dành cho hoàng hậu triều Nguyễn. Chiếc áo toát lên vẻ lộng lẫy, với tâm điểm là hình chim phượng là biểu tượng cho phụ nữ hoàng tộc. Nếu áo phượng bào trong phim được chế tác dựa trên nguyên mẫu là một chiếc áo “tam vĩ” của hoàng hậu thời vua Đồng Khánh, thì ngoài ra còn có phượng bào “tứ vĩ” (chim phượng 4 đuôi).
Không chỉ tái hiện cổ phục cung đình, nhà thiết kế Trisha Võ và Liên Hương còn hướng tới các thiết kế mang vẻ đẹp thôn dã xưa. Như năm 2023, bộ sưu tập áo dài “vũ khúc tre xanh” khắc họa vẻ đẹp của cây tre Việt Nam bằng những gam màu tươi sáng trên nền vải lụa.
Vận dụng nghệ thuật hội họa với những gam màu sáng, các mẫu thiết kế khiến hình ảnh cây tre trở nên sống động hơn. Đặc biệt, khi di chuyển, các chi cành của cây tre chuyển động như khiêu vũ trên nền vải lụa mềm.
Không chỉ là thông điệp bảo tồn và phát triển cây tre Việt Nam, mỗi thiết kế còn là những câu chuyện vàng son để giá trị văn hóa Việt “tỏa nắng” trên tà áo dài, để chính người Việt có thể định hình quốc phục và căn cước văn hóa của đất nước mình.
“Dù được đào tạo ở nước ngoài, song tôi luôn tôn trọng việc dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trên các mẫu thiết kế, dù hiện đại, sáng tạo thế nào thì với áo dài vẫn giữ phom dáng truyền thống, chiếc quần không trên mắt cá, chiếc áo phải luôn vừa khít và vẫn giữ tà bắc - luôn bằng tay, nhằm tạo độ úp, khép của 2 tà áo khi mặc" - Nhà thiết kế Trisha Võ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa-viet-toa-nang-tren-ta-ao-dai-post679562.html