Văn hóa xếp hàng!
Văn hóa xếp hàng phản ánh lối sống của một cộng đồng và của mỗi cá nhân. Đến sau muốn được trước, đó là lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình.
Vừa rồi, tôi có dịp đi du lịch ở nước bạn Lào. Khi qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Phao trở về Việt Nam, theo thông lệ, chủ xe sẽ gom tất cả hộ chiếu của du khách và làm thủ tục đóng dấu hộ. Sau khi xong, công an phía bạn sẽ đưa tất cả hộ chiếu, cùng với một người hỗ trợ phiên dịch, gọi tên từng người qua cửa khẩu, kiểm tra và cho xuất cảnh.
Mọi việc sẽ diễn ra theo trình tự, văn minh, nếu như không có cảnh chưa gọi đến tên mà rất nhiều người, đa số là công dân Việt Nam, đã ùn lên phía trước, chặn cả lối đi của những người được gọi tên. Tôi nhớ mãi gương mặt của người cán bộ Công an Lào còn khá trẻ. Thấy cảnh chen chúc chờ đến lượt như thế, anh nói hơi lạc giọng bằng tiếng Việt: “Xếp hàng! Xếp hàng!”. Đám người có giãn ra một khoảng trống cho những người được gọi tên đi lên, nhưng vẫn chưa tuân thủ việc xếp hàng.
Lại nhớ, trong lần sang Nhật Bản, khi máy bay vừa hạ cánh ở sân bay Tokyo, chúng tôi theo chân hướng dẫn viên đi qua cửa khẩu. Trong lúc vào toilet, tôi nhìn thấy nhiều người đang xếp hàng chờ đến lượt đi vệ sinh. Nghe chuyện về văn hóa xếp hàng của người Nhật đã lâu, kể cả khi chờ đến lượt cấp phát lương thực, thực phẩm sau những vụ sóng thần, động đất, nhưng chứng kiến việc họ xếp hàng khi đi vệ sinh khiến tôi cảm phục lối sống văn minh, trật tự của người Nhật. Nói rộng ra, không riêng người Nhật, ở nhiều nước, hễ đông người là họ tự giác xếp hàng.
Ở nước ta, việc xếp hàng cũng có từ lâu ở một số đô thị. Đó là việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, chất đốt, rồi lấy nước sạch, chờ mua vé xem phim của thời bao cấp... Hiện nay, tại các sự kiện thể thao lớn, mọi người cũng phải xếp hàng dài thâu đêm để có được tấm vé xem bóng đá, bóng chuyền của các đội mạnh. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, khi lấy số thứ tự thì muốn hay không, bệnh nhân cũng phải xếp hàng ngồi chờ đến lượt. Tại các sân bay, việc xếp hàng là điều bình thường.
Tuy nhiên, ở những nơi mà đơn vị chủ quản không có quy định trong việc xếp hàng là ngay lập tức tình trạng chen lấn, xô đẩy diễn ra. Như ở Cửa khẩu quốc tế Nậm Phao mà tôi vừa dẫn chứng, đặc biệt là ở các chợ, điểm sinh hoạt văn hóa. Rất nhiều lần đi chợ, tôi đến trước nhưng vẫn phải chờ mua hàng sau người đến sau, vì chủ hàng, một là lấy cho khách quen trước, hai là lấy cho người mua hàng có giá trị lớn, vì họ là “khách sộp”. Ngay cả trong siêu thị, dù xếp hàng nhưng vẫn có nhiều người mua ít hàng tự ý chen ngang để được tính tiền trước mà không hề xin phép người đang đến lượt. Các nhân viên bán hàng cũng “vô tư” tính tiền cho họ mà không hề thông cảm với người đang chuẩn bị đến lượt. Còn ở nhiều điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng xảy ra tình trạng nhốn nháo, xô bồ.
Văn hóa xếp hàng cũng phản ánh lối sống của một cộng đồng và của mỗi cá nhân. Đến sau muốn được trước, đó là lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Tranh cướp, chen lấn, đó là hành động phản cảm, trái ngược với cái tâm muốn tu tập khi đi chùa, đền. Chỉ khi nào xếp hàng ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân, trở thành sự tự giác thì khi đó nếp sống văn minh nơi công cộng mới được gìn giữ, phát huy.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/van-hoa-xep-hang/252416.htm