Văn học biển đảo thế kỉ XXI: Sự thức tỉnh những góc nhìn mới mẻ
Hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, tuy không dài về thời gian, nhưng là giai đoạn chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn học viết về biển đảo. Có nhiều nguyên do khiến văn học viết về biển đảo giai đoạn này trở thành nhịp mạch quan trọng, sôi nổi và luôn nằm trong mối quan tâm hàng đầu, cả về khát vọng chiếm lĩnh đề tài cũng như thôi thúc tìm đọc của giới nhà văn lẫn công chúng.
Có thể nói, nhờ sự tiếp ứng của internet, văn học viết về biển đảo đã tìm được chỗ đứng thực sự trong lòng bạn đọc giữa lúc thị trường văn học bị phân tán bởi rất nhiều xu hướng sáng tác khác nhau.
Công chúng đón nhận không vì bản thân tác phẩm có giá trị hay không, mà chủ yếu vì, bằng cách nhắc đến những câu chữ liên quan đến người lính, biển đảo, đến Trường Sa, Hoàng Sa, đến vùng biển vùng trời…, họ được thấy mình đứng trong thời đại, trong muôn triệu người với khí thế và cảm xúc chân thực, thiêng liêng cất cao tiếng nói cá nhân.
Trường hợp bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” (đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 5-2011 nhưng chỉ thực sự gây chú ý trở lại khi nó được lan truyền trên Internet) của Nguyễn Việt Chiến hay hàng ngàn bài thơ ra đời bởi "tình động nhi thì phát" khắp các mạng xã hội vào năm 2014 là những ví dụ sinh động cho thấy không nơi nào rơi vào vòng xoáy im lặng, nhất là trước các vấn đề liên quan đến giang sơn gấm vóc.
Tuy nhiên, sẽ không thành cao trào nếu biển đảo không là một điểm nóng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Những tranh chấp, xung đột trên biển Đông và vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ là các sự kiện chính trị, xã hội thuần túy mà còn là "sự kiện tâm hồn" thường trực, luôn tác động rất lớn đến giới văn nghệ sĩ. Vì thế, hễ khi biển Đông dậy sóng thì văn đàn lại xuất hiện đông đảo các tác giả, tác phẩm "nói chí", "tỏ lòng" về một phần máu thịt của Tổ quốc.
Chẳng hạn, vào tháng 3 năm 1988, khi Trung Quốc chiếm đóng các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thì tờ Văn nghệ liên tục cho đăng những vần thơ đau đáu suy tư, cảm xúc và biểu thị cao độ niềm tin vào chính nghĩa (“Tiễn người đi giữ Trường Sa” của Đỗ Trung Lai; “Trường Sa” của Nguyễn Đức Mậu; “Áo giáp Trường Sa” của Tạ Hữu Yên; “Bài ca người chiến sĩ Trường Sa” của Dũng Hiệp; “Lời của cha ông lời của chúng ta” của Nguyễn Hiếu...).
Hơn hai mươi năm sau, khi Trung Quốc gây hấn trên biển Đông (cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam hai lần vào các năm 2011, 2012 và đặc biệt, đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam vào tháng 5/2014) thì ngay lập tức, các diễn đàn văn nghệ đều nhất tề lên tiếng phản đối và đăng tải những sáng tác trên dưới một lòng nhiệt huyết với biển đảo quê hương.
Chưa bao giờ biển đảo lại thuộc về nhận thức tự thân của người cầm bút như thời gian này. Và cũng chưa bao giờ việc sáng tác về biển đảo lại trở nên cần kíp, thậm chí là một nhiệm vụ cao cả mà giới cầm bút phải thực hiện như vài năm qua. Một truyền thống văn học "tải đạo" và nhanh nhạy phát biểu quan điểm của mình trước các vấn đề quốc gia đại sự đã là lực đẩy ngấm ngầm để văn học về biển đảo có dịp dâng trào hơn trong thời điểm chủ quyền biển của đất nước bị đe dọa.
Nhìn một cách tổng quát, thành tựu văn học viết về biển đảo chủ yếu tập trung ở bút kí (hoặc truyện kí), tiểu thuyết và thơ. Là thể loại có thể giúp độc giả hình dung rõ ràng về cuộc sống chân thực của con người ở biển đảo, kí nhanh chóng được nhiều tác giả lựa chọn.
Trong hàng trăm bút kí đó, nếu tính đơn vị bài riêng lẻ, có thể nhắc đến một số bút kí đặc sắc: “Trường Sa tháng tư năm hai nghìn” của Lê Thành Nghị; “Hành trình thuận chiều” của Khuất Quang Thụy; “Sóng gió Trường Sa” của Nguyễn Bảo; “Trường Sa, mai vàng mùa gió chướng” của Nguyễn Đình Tú; “Hồn thiêng sóng nước Hoàng Sa” của Lê Mạnh Thường; “Tiếng xuân từ lòng người lính biển” của Nguyễn Mạnh Hùng; “Thổ Châu, xa mà gần” của Nguyễn Tiến Vinh;
“Tháng Năm ở Trường Sa” của Phạm Duy Nghĩa; “Sóng không chỉ có trong bão giông” của Hồ Anh Mão; “Tôi đặt tên cho các con là Hải và Quân” của Phan Văn Quý; “Cô Lin, đảo nhỏ tiền tiêu” của Trịnh Xuân Tô; “Lỗi hẹn với mùa xuân” của Vũ Đình Sáng; “Xa thắm Trường Sa” của Đỗ Hoàng; “Chuyện kỳ thú ở quần đảo Trường Sa” - một truyện kí nhiều kì của Sương Nguyệt Minh; “Đảo quê hương” của Lưu Thị Bạch Liễu; “Hẹn gặp lại giữa mùa xuân” của Bùi Doanh…
Được sinh thành từ những chuyến đi thực tế nên "tả thực" và đan cài chất trữ tình-chính luận là nét chủ đạo trong hầu hết các bút kí, truyện kí trên. Tả thực ở đây gần như tái dựng lại những điều mắt thấy tai nghe về cuộc sống của người lính trên những hòn đảo với tên gọi, tọa độ chính xác, với những nhân vật có thực liên quan đến công việc thường ngày, trực tiếp trên đảo mà nhà văn được gặp gỡ, trò chuyện hoặc "ghi theo lời kể"…
Cứ như vậy, người đọc lần lượt được xem những bức ảnh cận cảnh về Đá Lát, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tiên Nữ, Tốc Tan, An Bang, Ba Kè hay nhà giàn DK1- trạm dịch vụ khoa học kĩ thuật trên thềm lục địa…
Một phần máu thịt Tổ quốc, trong phác họa hết sức chi tiết, trong trạng thái hào hứng được khám phá, được hiển hiện chi li đến gốc gác lai lịch của từng hòn đảo, và những người thật việc thật được "lịch sử hóa".
Những trang bút kí biển đảo hết sức sâu sắc, hấp dẫn của Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Đỗ Hoàng, Sương Nguyệt Minh…, đã thực sự góp phần làm nên vị thế của thể kí trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
Về tiểu thuyết, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng cũng đã có những tác phẩm đáng kể như “Gió không thổi từ biển” (2004) của Chu Lai; “Biển xanh màu lá” (2008) của Nguyễn Xuân Thủy; “Sóng chìm” (2008) của Đình Kính, “Biển” (2010) của Trương Anh Quốc; “Vùng biển không yên tĩnh” (2014) của Chu Văn Mười; “Lời thề” (2014), tập đầu của bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử về Trường Sa của Nguyễn Quang Vinh…
Dễ nhận thấy trong các tiểu thuyết trên, sự kết hợp giữa câu chuyện "có thật", mang màu sắc kí, với những hư cấu dựa trên cứ liệu lịch sử. Những âm vang từ lịch sử tiếp xúc và gìn giữ biển của cha ông, qua cái nhìn hôm nay, không chỉ có ý nghĩa tiếp nối mà còn quan trọng hơn là sự khẳng định "sức mạnh mềm" trước các thử thách không dễ vượt qua.
Xu hướng đi từ cái cụ thể đến tầm khái quát trong các tiểu thuyết trên, có lẽ, sẽ còn được triển khai về sau khi mà sức mạnh hư cấu của người viết đã thắng thế những trì níu của hiện thực. Điều này lí giải vì sao tiểu thuyết viết về biển đảo ở thời điểm hiện tại vẫn đang chờ đợi thêm những nỗ lực sáng tạo về bút pháp nghệ thuật thay vì chỉ tập trung giải quyết bài toán đề tài.
Thơ là thể loại ghi dấu ấn thành công khi viết về biển đảo. Nhiều bài thơ đã thực sự "gây sóng" khi xuất hiện vào thời điểm nước sôi lửa bỏng của biển Đông.
Đó là trường hợp “Tổ quốc nhìn từ biển” và “Tổ quốc bên bờ biển cả” của Nguyễn Việt Chiến; “Hào phóng thềm lục địa” và “Tòa án biển Đông” của Nguyễn Thanh Mừng; “Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió” và “Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh” của Phan Hoàng; “Mộ gió” và “Khát với Hoàng Sa” của Trịnh Công Lộc; “Tổ quốc ba nghìn cây số biển” của Nguyễn Ngọc Phú; “Nghe trẻ hát ở Trường Sa” của Ngô Minh; “Biển Việt” của Đỗ Trọng Khơi; “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai; “Gió nhà giàn” của Nguyễn Quang Hưng…
Đấy là chưa kể hàng ngàn bài thơ cùng lúc trên khắp các mặt báo, mạng xã hội, nhanh chóng tạo nên hiện tượng "thơ biển đảo" được nhân lên rộng khắp trong tổ chức đoàn thể, các cơ quan ban ngành, trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhìn chung, "thơ biển đảo" trước hết là một thái độ chính trị được trữ tình hóa qua các hình tượng nghệ thuật có khả năng bộc bạch những suy nghĩ của người viết về đất nước, chủ quyền và tinh thần bảo vệ biển đảo.
Hình tượng dân binh, người lính, thành lũy, biên cương, người mẹ - Tổ quốc… xuất hiện với tần số cao như là cách tạo nên sự gắn kết, hô ứng liên tục giữa đất liền và biển cả, giữa những người dân và chiến sĩ hải đảo, giữa truyền thống và hiện tại. Phần lớn các bài thơ đều có giọng điệu hào sảng, khỏe khoắn, giàu âm hưởng tráng ca và sử thi nhờ việc tái sử dụng các tích sử, tích truyền thuyết và đặc biệt là các sự kiện đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của cha ông.
"Thơ biển đảo" tuy chưa có đột phá về bút pháp và đôi khi lặp lại trong cách sử dụng thi liệu nhưng được đón nhận tức thì vì sức mạnh cổ động, lay động của nó. Như vậy, sau một thời gian tạm nhường chỗ cho tiếng nói cá nhân, thơ Việt đương đại lại quay về với nhiệm vụ công dân – "nghệ sĩ trên mặt trận" của mình, mà dòng mạch "thơ biển đảo" là bằng chứng rõ ràng, thuyết phục nhất.
Một Việt Nam nhìn từ biển trong văn học, như vậy, là sự thay đổi cái nhìn: chuyển từ mô tả đồng bằng/đất liền (gắn với văn hóa nông nghiệp đề cao sự khép kín, tự trị) sang mô tả biển đảo/đại dương (gắn với văn hóa giao thương, đề cao sự năng động và linh hoạt ứng phó mọi tình thế phi truyền thống). Điểm đóng góp quan trọng của văn học biển đảo đầu thế kỉ XXI, theo tôi, là thức tỉnh những cái nhìn mới, khác về lãnh thổ, về căn tính dân tộc vốn tưởng đã vững chắc và mặc định từ lâu.