Văn học dịch - cuộc đối thoại liên văn hóa

Dịch thuật và giới thiệu văn học ra nước ngoài đóng vai trò quan trọng tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong thời đại giao lưu khu vực và hội nhập toàn cầu.

Kênh kết nối hữu hiệu với thế giới

Trong dòng chảy văn chương Việt Nam suốt bao năm qua, văn học dịch giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Khi cánh cửa hội nhập mở ra, nhu cầu đối thoại với các nền văn minh toàn cầu càng trở nên bức thiết, các tác phẩm văn học được dịch ra tiếng Việt được cho là kênh giao tiếp hữu hiệu với quốc tế.

Văn học dịch ở Việt Nam như một bức tranh nhiều màu sắc. Nguồn: vietsach.com.vn

Văn học dịch ở Việt Nam như một bức tranh nhiều màu sắc. Nguồn: vietsach.com.vn

Thực tế, thị trường sách cũng nhanh chóng bắt nhịp hướng đi này. Văn học dịch ở Việt Nam hiện diện như một bức tranh nhiều màu sắc với đa dạng thể loại, thậm chí cập nhật đồng thời các tác phẩm được xếp hạng best sellers (bán chạy nhất) trên thế giới. Nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng sách quốc tế nhanh chóng có mặt tại Việt Nam bằng tiếng Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhờ các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ đã giúp độc giả, giới phê bình, nhà văn… có cái nhìn rõ hơn về dòng chảy văn học thế giới, nhất là đối với một số dòng sách mà tác giả Việt Nam chưa có nhiều, gần đây như dòng văn học kỳ ảo fantasy…

Chưa kể, sức hấp dẫn từ văn học dịch là không thể phủ nhận. Điều đó đã góp phần thu hút độc giả Việt Nam đến với sách, cũng như tiếp cận được nhiều tác phẩm văn học giá trị của các quốc gia khác trên thế giới, từ các nền văn học lớn như Trung Quốc, Nga, Pháp… đến Hàn Quốc, Nhật Bản, văn học các nước Đông Âu…

Tăng cường giao lưu văn hóa

Giao lưu văn học, văn hóa lành mạnh, bền vững không khi nào chỉ là dòng chảy một chiều. Thực tế, không chỉ những tác phẩm văn chương nước ngoài được dịch sang tiếng Việt mà ngày càng nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã bước ra thế giới thông qua con đường dịch thuật.

Giống như một “đại sứ văn hóa”, các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch thuật, xuất bản ở nước ngoài giúp bạn đọc thế giới mường tượng được phần nào về bối cảnh xã hội, con người hiện đại và cuộc sống xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý của Việt Nam.

Tác phẩm "Tướng về hưu" của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB Éditions de Laube (Pháp) tái bản nhiều lần. Ảnh: Tienphong.vn

Tác phẩm "Tướng về hưu" của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB Éditions de Laube (Pháp) tái bản nhiều lần. Ảnh: Tienphong.vn

Theo PGS. TS Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nếu văn học dân tộc đối với độc giả của chính nước đó giống như tấm gương cho người bên trong tự soi ngắm thì văn học dịch đối với độc giả nước ngoài lại giống như khung cửa sổ để người bên ngoài nhìn vào ngôi nhà tha nhân. Dịch thuật và giới thiệu văn học đóng vai trò quan trọng tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong thời đại giao lưu khu vực và hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, nhìn lại hai chiều văn học dịch (tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam và tác phẩm Việt nam ra nước ngoài) có sự bất cân xứng về số lượng. Thực tế, lâu nay việc chuyển ngữ từ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác gặp nhiều khó khăn. Số lượng tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra nước ngoài vẫn còn ít, trong đó chủ yếu do các tổ chức tư nhân, trường đại học và nhà xuất bản nước ngoài thực hiện, hoặc thông qua nỗ lực của một vài dịch giả tâm huyết...

Câu hỏi làm thế nào để tác phẩm văn học Việt được giới thiệu một cách hệ thống ra nước ngoài vẫn còn là bài toán cần đặt ra. Trong đó, bên cạnh các yếu tố về đầu tư chất lượng dịch thuật, rất cần một chiến lược dài hơi tạo môi trường sôi động để giới thiệu các tác phẩm văn chương Việt ra nước ngoài cũng như tăng cường quan hệ hợp tác xuất bản các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Việt ra thế giới…

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/van-hoc-dich-cuoc-doi-thoai-lien-van-hoa-i336512/