Văn học không nhất thiết trở thành tác phẩm điện ảnh
Đã từng có nhà văn cấm tiệt không được chuyển thể bất cứ tác phẩm văn học nào của mình thành tác phẩm điện ảnh. Đó là Milan Kundera, ông ra lệnh cấm này vì quá thất vọng sau khi cuốn tiểu thuyết 'Đời nhẹ khôn kham' của ông được dựng thành phim bởi đạo diễn Philip Kaufman.
Ngày nay, mở bất cứ quyến sách nào của Milan Kundera thì sẽ thấy cái mệnh lệnh vô cùng khắc khiệt của ông dành cho môn nghệ thuật thứ bảy vốn rất được ưa chuộng bấy giờ.
“Mệnh lệnh” của Milan Kundera
Có phải cái “mệnh lệnh” của Milan Kundera là một sự trái khoáy khi hầu hết các tác giả văn học sẽ sung sướng khi tác phẩm của mình được chuyển thể thành điện ảnh? Chưa chắc. Một đạo diễn đã từng lý giải cách cự tuyệt của Milan Kundera rằng bởi vì ông đã từng học đạo diễn, ông am hiểu về điện ảnh và không thể chấp nhận sản phẩm của một đồng nghiệp khi nó không như kì vọng của ông. Bản thân vị đạo diễn này cho rằng, tác phẩm chuyển thể của nhà văn gốc Séc này không dở, thậm chí là khá, đã được đề cử và đoạt một số giải thưởng uy tín của điện ảnh và nhà văn cũng thu được một số tiền bản quyền không nhỏ, dù bộ phim bị thua lỗ khá nặng!
Tôi thì có một lý giải khác vị đạo diễn kia. Tác phẩm điện ảnh có thể khá hoặc dở tùy theo cảm quan của mỗi người, đối với tác giả văn học thì có lẽ anh ta là người cảm nhận nó rõ nhất, vì có ai hiểu tác phẩm đó hơn người sinh ra nó? Nhưng dở hoặc hay có lẽ chỉ là một nguyên nhân và có thể nó không phải nguyên nhân quan trọng nhất.
Milan Kundera từng nói rằng, tiểu thuyết là một thể loại chỉ có nó mới có thể nói được. Nghĩa là tiểu thuyết không đứng chung cùng ai, thậm chí nó là nhánh văn học riêng. Tôi nghĩ rằng khi Milan Kundera đồng ý cho người ta dựng thành phim cuốn tiểu thuyết của mình, ông đã có những băn khoăn và mâu thuẫn với chính những gì mình đã viết, và khi thấy tác phẩm không được như kỳ vọng, ông đã quyết định - cấm bất cứ sự chuyển thể tác phẩm của mình thành điện ảnh sau này.
Tôi dừng hơi lâu ở Milan Kundera để minh chứng rằng, văn học không nhất thiết cần trở thành tác phẩm điện ảnh. Không phải nhà văn nào cũng có mong muốn như thế! Vì điều ấy có thể làm hại tác phẩm vì chất lượng điện ảnh có thể không tương xứng với chất lượng văn học hoặc tôi hiểu cái ý ngầm của Milan Kundera qua lệnh cấm này: Ông muốn tác phẩm văn học của mình là độc quyền không thể thay thế! Ông muốn cái mà chỉ văn học (tiểu thuyết) mới có thể làm được.
Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”
Milan Kundera không phải người duy nhất làm điều này. Ta hãy xem xét trường hợp của Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”. Cách đây một vài năm đã có một sự ồn ào và kì vọng khi người ta chuẩn bị chuyển thể tác phẩm của Bảo Ninh thành điện ảnh. Các nhà làm phim Mỹ có kế hoạch chuyển thể tác phẩm này với công nghệ của Hollywood. Người ta đã mua bản quyền, viết kịch bản phim và chuẩn bị bấm máy nhưng rồi dừng lại. Vì sao như vậy, vấn đề nằm ở chỗ cha đẻ của tác phẩm.
Quá thất vọng sau khi xem kịch bản phim vì thấy nó không còn giống tác phẩm của mình, Bảo Ninh tuyên bố, ông không dính dáng gì đến bộ phim dựng từ tiểu thuyết của mình! Nhà văn không thể cấm điện ảnh vì ông đã bán bản quyền nhưng ông cự tuyệt với đứa con điện ảnh, ông không nhận nó và người ta ngừng làm phim!
Nếu tôi là Bảo Ninh tôi cũng sẽ làm như vậy, nếu như tôi thấy tác phẩm của mình không còn giống đứa con của mình nữa. Nó là một đứa con khác hẳn, thậm chí lạc loài, thì người cha nào còn có thể vui vẻ nuôi nó trong nhà hoặc giới thiệu với bạn bè: Đây là con tôi nhưng chẳng giống tôi tí nào hết, có lẽ nó là con của thằng hàng xóm!
Đây không phải là sự mỉa mai hay kiêu hãnh nào hết. Nhiều người sẽ bảo rằng. Ôi sướng quá còn gì, tác phẩm của anh được dựng thành phim, có thêm nhiều người biết, nhà văn lại có tiền bản quyền. Cần tỏ ra kiêu hãnh làm gì! Tôi biết rất nhiều nhà văn còn ủ sẵn ý định trong đầu là viết như thế nào để người ta dễ chuyển tác phẩm của anh ta thành điện ảnh. Xét về góc độ nghề nghiệp, tôi không đồng tình với suy nghĩ này. Thế hóa ra anh coi thường văn học quá, anh chỉ mượn văn học để làm bàn đạp để đến điện ảnh. Anh coi thường đứa con ruột của mình và đề cao đứa con nhận!
Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi coi thường các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ văn học. Vấn đề là chất lượng của điện ảnh có xứng đáng làm thế. Vậy ta hãy khảo sát qua vài ví dụ cụ thể.
Những tác phẩm kinh điển được chuyển thể thành phim
Tôi đã đọc “Anna Karenina” của Lev Tolstoy ba lần và cũng ít nhất từng ấy lần xem bộ phim với phiên bản tiếng Anh. Cơ bản là tôi hài lòng. Với phiên bản tiếng Anh của đạo diễn Joe Wright, tôi ấn tượng về những buổi dạ tiệc trong gia đình quý tộc người Nga và bầu không khí xung quanh nó. Người ta đã làm rất tốt, dựng lại không khí trang hoàng, cổ điển và sự xa hoa trong cách sinh hoạt của giới quý tộc thời ấy.
Về điểm này tôi nghĩ tác phẩm đã làm nổi bật những miêu tả của Lev Tolstoy và thậm chí nó đã tiến rất xa. Cả những đoạn miêu tả cảnh yêu đương, ái ân của Anna Karenina với Vronsky trong phim cũng rất đẹp, lột tả được cảm xúc mãnh liệt của một tình yêu tuyệt đẹp và đầy bi kịch. Điện ảnh đã rất táo bạo và thành công. Tôi nghĩ nếu Tolstoy còn sống, ông cũng sẽ hài lòng khi xem bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình.
Một tác phẩm kinh điển khác, “Cái trống thiếc” của Gunter Grass. Tác phẩm của nhà văn người Đức là một tiểu thuyết đồ sộ và hoành tráng. Ở tác phẩm này khi chuyển thể thành phim, tôi nghĩ nó đã không thành công như “Anna Karenina.” Tác phẩm điện ảnh đã nhẹ hơn văn học khá nhiều, không ấn tượng bằng và thậm chí làm hao hụt đi khá nhiều những cảm giác mạnh từ cuốn tiểu thuyết được coi là quan trọng nhất của nền văn học Đức sau Chiến tranh thế giới thứ lần thứ hai.
Một vài nhà văn Việt có tác phẩm được chuyển thể thành điện ảnh bảo tôi rằng, họ không mấy hài lòng về đứa con điện ảnh của mình, dù tác phẩm điện ảnh có doanh số cao khi công chiếu và gây được tiếng vang. Vì sao vậy, vì các nhà văn cho rằng, khi chuyển sang điện ảnh, tác phẩm văn học đã không còn giữ được tinh thần như ban đầu nữa. Nghĩa là điện ảnh đã phóng tác và đi quá xa so với nguyên bản văn học. Đứa con văn học không phải là đứa con ruột của nhà văn, nó là đứa con nuôi, con nhận như đã nói ở trên. Và để tránh điều đó đã có nhiều nhà văn được mời viết kịch bản cho chính tác phẩm của mình nhưng không phải ai cũng có thể được mời và làm thành công.
Có một trường hợp khá đặc biệt. Nguyễn Huy Thiệp chính là người viết kịch bản phim “Tướng về hưu” từ truyện ngắn cùng tên của mình. Tôi đã xem phim này và thấy hài lòng. Tinh thần của truyện ngắn, cách diễn xuất và ngôn ngữ nhân vật hầu như đã lột tả được đúng không khí và bối cảnh của truyện ngắn.
Đó là một bộ phim hay với một dàn diễn viên tài năng, tất nhiên sự thành công này có công sức từ tác giả kịch bản. Và tôi chắc rằng Nguyễn Huy Thiệp đã ít nhiều tham gia vào quá trình này hoặc làm cố vấn hay có một vai trò nào đó trong việc làm phim. Nhưng không phải tác phẩm văn học nào cũng có may mắn như thế và cũng không nhất thiết tác giả văn học đồng thời là tác giả kịch bản thì phim sẽ thành công.
Nói như thế nhưng tôi hiểu rằng văn học và điện ảnh là hai thể loại khác nhau có những thế mạnh riêng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Văn học có ưu thế về ngôn ngữ nên khi miêu tả trạng thái tâm lý nhân vật sẽ rất hiệu quả mà điện ảnh làm điều ấy khó hơn nhiều. Và bằng ngôn ngữ hình ảnh, những cảnh hoành tráng, bi thương, hay khắc họa chân dung cận cảnh thì điện ảnh sẽ dễ tạo được ấn tượng mạnh và không cần dùng nhiều thời gian, lời kể, lời thoại. Mỗi thể loại có một thế mạnh riêng và những hạn chế nhất định.
Tôi rất hiểu lời tranh luận ở trên nhưng vấn đề ở đây ta đang nói là sự tương quan giữa một tác phẩm văn học có sẵn và ít nhiều đã tạo được dấu ấn với độc giả văn học trước khi được dựng thành phim. Nếu là một tác phẩm điện ảnh mới hoàn toàn thì không bàn. Ta đã thấy rất nhiều trường hợp thành công khi chuyển thể từ văn học sang điện ảnh. Gần đây tôi có xem phim “Cuộc đời của Pi”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Yann Martel và rất thích thú, hoặc trường hợp “Tướng về hưu” đã nói ở trên.
Một số tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc khi được chuyển thể cũng dành được sự yêu mến không ít như “Thủy Hử”; “Tam quốc diễn nghĩa”; “Tây du ký”... Người đọc văn học rồi vẫn thấy thích thú và hồi hộp đón chờ các tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên một số người bạn vừa yêu thích điện ảnh và văn học và có gu khá khó tính thì bảo tôi rằng, đa số các tác phẩm điện ảnh không nói được hết ý của văn học. Đọc văn học có một sự kịch tính và thú vị hơn so với xem phim chuyển thể. Xem phim giàu có về hình ảnh chứ cảm xúc thì không thể bằng. Nhận xét này có thể làm phật ý những người làm điện ảnh nhưng rõ ràng đó là một ý kiến phải lắng nghe.
Để kết bài viết này tôi muốn quay lại lời nhận xét có vẻ hài hước của Milan Kundera sau sự thất bại của “Đời nhẹ khôn kham” phiên bản điện ảnh (theo cảm quan của ông): “Hãy bán tác phẩm văn học cho các nhà điện ảnh với giá thật cao và đừng bao giờ đi xem nó!”. Lời khuyên của Milan Kundera chắc chắn sẽ đúng với nhiều người và cũng sẽ không đúng với một số người tương tự. Có lẽ là thế!