Văn học Nghệ thuật Hà Nam cần sự đổi mới
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Văn học nghệ thuật (VHNT) trong tình hình mới, VHNT Hà Nam trong điều kiện khó khăn vẫn cần tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ. Qua đây, cần tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ VHNT trẻ trung, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và tài năng, bản lĩnh để cống hiến cho đất nước, quê hương.
Những điều trăn trở
Chuẩn bị tiến tới Đại hội Hội VHNT Hà Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028, bên cạnh những mong đợi, kỳ vọng của đông đảo anh em văn nghệ sỹ, hội viên Hội VHNT Hà Nam, nhiều khó khăn vẫn chồng chất, lớp lang. Đó là vấn đề nhân sự cho Đại hội, nhân sự Thường trực hội, vấn đề xây dựng văn kiện đại hội, công tác tổ chức và hậu cần cho Đại hội… Đó là chuyện sáng tác, tổ chức các hoạt động sáng tác thường nhật của văn nghệ sỹ trong bối cảnh hội viên cao tuổi ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu, kinh phí tổ chức các trại sáng tác, hội thi, liên hoan, triển lãm… bị hạn chế.
Suốt nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài hai năm trời, “phong tỏa” mọi hoạt động sáng tạo của anh em nghệ sỹ. Chỉ văn nghệ sỹ một số chi hội như: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Văn xuôi, Thơ có thể có những tác phẩm mang tính đặc thù, nhưng với anh em nghệ sỹ sân khấu, nghiên cứu sưu tầm rất khó có thể có tác phẩm, công trình nghệ thuật trong thời điểm này.
Sau khi đại dịch kết thúc, các hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, văn nghệ sỹ tiếp tục công việc của mình. Nhưng hầu hết đều gặp những khó khăn vì những lý do chủ quan, làm cho hoạt động của hội VHNT trở nên trầm lắng. Mặc dù Quỹ hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT vẫn duy trì, nhiều tác giả, tác phẩm được vinh danh, khuyến khích anh em văn nghệ sỹ “dấn thân” vào các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi tài năng, sự đầu tư về thời gian, phương tiện… nhưng thực sự vẫn chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật như mong đợi, chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Các tác phẩm ra đời thiếu sự phổ biến, quảng bá rộng rãi, vai trò dẫn dắt của các kênh quảng bá truyền thống, chủ lực bị thu hẹp, chưa thu hút được sự quan tâm của công chúng mọi lứa tuổi.
Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT quá trầm lắng, thậm chí được coi là “bất động” kéo dài trong nhiều năm vì trong tổ chức hội không có chi hội Lý luận phê bình do không có nhân tố, nhân lực. Công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi tuổi bình quân hội viên ngày một cao thì số được kết nạp mới vào hội vẫn không nhiều, khoảng gần 20 người trong vòng 5 năm.
Cần đổi mới để phát triển
Một trong những điểm yếu của hoạt động VHNT Hà Nam thời gian qua được nhìn thấy chính là việc chậm đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ, xác lập các chuẩn mực đánh giá, thẩm định tác phẩm; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, bài bản, hiệu lực, hiệu quả giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý VHNT với Hội VHNT trong thực hiện đường lối, chính sách phát triển văn học nghệ thuật. Việc đầu tư cho văn hóa, văn nghệ chưa thực sự tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác văn học nghệ thuật năm 2023, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ hy vọng vào sự đổi mới và phát triển VHNT trong tình hình mới. Đồng chí nói: “Mặc dù hoạt động VHNT trong thời gian qua gặp những khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng tôi luôn hy vọng các văn nghệ sỹ tiếp tục sáng tạo và cống hiến, Hội VHNT sẽ tạo nên không khí sáng tác, sinh hoạt nghiệp vụ lành mạnh, văn minh để các nghệ sỹ có điều kiện tham gia công tác hội tích cực hơn. VHNT Hà Nam cần đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, phải là nơi để anh em nghệ sỹ tìm thấy động lực sáng tác, cống hiến nhiều hơn. Vì, VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện – mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”.
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn đó, VHNT Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng trân trọng: Cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm: Em đi giữa biển vàng; Đi học; Sách bút thân yêu ơi; Tiếng hát gọi mây. Tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 2 năm 2023 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhạc sỹ Sỹ Thắng có tác phẩm “Hạ Long gọi mặt trời” đạt giải A; nhạc sỹ Khắc Hiển có tác phẩm “Anh về Tây Bắc cùng em” đạt giải B; Tác phẩm "Khát vọng thanh niên Hà Nam" của nhạc sỹ Hoàng Tiệp đạt giải khuyến khích của Ban chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023; Tác phẩm “Mưu sinh” tranh khắc gỗ của họa sỹ Nguyễn Ngần đạt giải C tại triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng, Giải Khuyến khích cuộc thi và triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2023. Tác phẩm “Tuổi thơ II” Gốm của họa sỹ Phạm Văn Hòa đạt giải C giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2023. “Tuổi thơ III” Gốm của họa sỹ Phạm Văn Hòa đạt giải Khuyến khích giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2023. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên đạt các giải cao tại các Liên hoan trích đoạn chèo hay Toàn quốc, Liên hoan ảnh quốc tế, toàn quốc và khu vực.
Để VHNT phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương cho rằng: “Cấp ủy, chính quyền các cấp phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành… Xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sỹ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực đến xã hội.”
Trên nền tảng mỹ học mác-xit, tư tưởng Hồ Chí Minh, hội VHNT cần khuyến khích văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn đời sống xã hội, gắn bó với nhân dân, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời, hội VHNT tỉnh phải làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ. Trong thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tạo cho VHNT, nguồn quỹ cần được nâng cao. Các cấp ủy, chính quyền nên thực hiện cơ chế đặt hàng sáng tác, phổ biến tác phẩm VHNT có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật cao.
Điều quan trọng nhất đối với VHNT Hà Nam lúc này chính là quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ đáp ứng yêu cầu phát triển VHNT thời kỳ mới. Hà Nam có lợi thế về địa lý, gần với thủ đô Hà Nội, nơi tập hợp nhiều trí thức, văn nghệ sỹ tài năng, nếu có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút và hấp dẫn đội ngũ này, chắc chắn, đội ngũ văn nghệ sỹ của Hà Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, chất lượng hơn.