Văn học trẻ, sức sống có trẻ?
Các đầu sách mới liên tục chào sân chứng tỏ sức viết mạnh mẽ của những người cầm bút trẻ ngày nay. Chuyển mình để bứt phá, họ đang dần tạo lối đi riêng, gửi gắm những mộng ước và suy nghĩ thế hệ.
Nói đến văn học trẻ là nói đến nền văn học của cây bút thế hệ 8X, 9X. Đời sống của văn học trẻ sôi động và rộn ràng như tuổi đời của người cầm bút. Chính sự trẻ trung về tuổi đời khiến trang văn, trang thơ của họ mang dáng dấp mới mẻ, đầy sự thử nghiệm, bứt phá và nổi loạn của thanh xuân. Có thể kể đến nhiều cái tên nổi bật như Tiểu Quyên, Nhật Phi, Phạm Bá Diệp, Anh Khang, Trần Minh Hợp, Nồng Nàn Phố, Ploy Ngọc Bích, Lương Đình Khoa, Huỳnh Trọng Khang…
Một điều phải thừa nhận, văn trẻ đã và đang góp phần vực dậy nền văn hóa đọc một cách mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Thời đại công nghiệp 4.0, thời đại của mạng xã hội với sự kết nối không giới hạn lên ngôi đã giúp họ có nhiều điều kiện thuận lợi để sáng tác và công bố tác phẩm đến đông đảo công chúng.
Đề tài của nhà văn trẻ rất đa dạng. Họ viết về tình yêu, về đời sống của người trẻ hôm nay trên những nẻo đường khám phá, trên hành trình hoàn thiện chính mình. Ngòi bút của họ chạm đến những miền đất xa lạ khắp thế giới với dòng tư tưởng tiệm cận đến những điều tiến bộ, văn minh trong thế giới phẳng.
Với tư tưởng mở, họ không ngại ngần khai thác đủ mặt sáng tối của xã hội, của bản thể con người. Nhiều tác phẩm mang nặng suy tư về giá trị cuộc sống, đậm tính triết luận, xuyên không gian và thời gian như: “Người ngủ thuê” của Nhật Phi, “Chuyện bên rìa thế giới” của Bùi Cẩm Linh, “Độc hành” của Nguyễn Đình Khoa…
Nói về văn chương thế hệ mình, tác giả trẻ Phạm Bá Diệp nhận định: “Trong số tác phẩm của thế hệ 8X, 9X, tôi đặc biệt thích thú với tinh thần sáng tạo, sẵn sàng phá cách và đập vỡ mọi giới hạn, không gò bó mình trong một thể loại, dòng văn chương hay một đường dây trói buộc nào về tính logic, tính truyền thống, quy tắc văn học hoặc chủ đề cốt truyện. Tôi cho rằng, đây là điều khác biệt nhất của thế hệ chúng tôi với lớp tiền bối”.
Còn Nhật Phi thì cảm khái: “Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, nói không ngoa rằng các tác giả trẻ, một thế hệ đa văn hóa, đã trình diện một bộ mặt rất gần với văn chương thế giới. Chúng ta đã có những tác giả “chào sân” với khoa học giả tưởng, với kỳ ảo, với trinh thám, siêu thực. Bên cạnh đó, vẫn có không ít tác giả nối dài những con đường truyền thống hơn với văn hóa, lịch sử, dã sử”.
Nhà văn Trầm Hương từng lo lắng rằng thế hệ cây bút trẻ đang dần thờ ơ với ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ chôn vùi trong tầng quặng lịch sử quý báu của cha ông. Thế nhưng đến nay, bậc cha chú vô cùng kinh ngạc khi văn trẻ liên tục xuất hiện những gương mặt đầy đam mê văn hóa nguồn cội, lịch sử phong kiến nước nhà, để rồi tái hiện nó sống động qua trang văn dã sử, kỳ ảo một cách sâu sắc, phá cách.
Phạm Bá Diệp có “Yagon - Những kẻ vô cảm” lấy cảm hứng từ đạo mẫu. Phạm Thúy Quỳnh có “Trăng trong cõi” kể về một vị hoàng đế nhiều tai tiếng thời phong kiến Việt Nam. Đặng Hằng đưa độc giả ngược về quá khứ của con dân Đại Việt thế kỷ XIII trong “Nhân gian nằm nghiêng”.
Họ còn dùng mũi khoan kim cương của sự tâm huyết, dấn thân để viết về người lính, để hiểu sự hy sinh, hiểu về tình yêu Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Đó là Lữ Thị Mai - Trần Thành với “Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi”, Đoàn Văn Mật với “Sóng trầm biển dựng”, Đinh Phương với “Những cánh sóng mùa xuân”, Trần Thị Tú Ngọc với “Ngụ ngôn tháng tư”…
Nói như nhà lý luận phê bình văn học Trần Hoài Anh: “Người trẻ không quên lịch sử đâu, mà họ thể hiện lịch sử, những vấn đề của quá khứ bằng cách nhìn của họ - những người không trải qua chiến tranh. Và chúng ta phải chấp nhận cái nhìn đó bởi văn học bao giờ cũng có nhiều ngả rẽ, nhiều dòng chảy, nhiều suy tư chứ chúng ta không thể nhất nhất một cách nhìn”.
Xưa nay, tiểu thuyết vẫn được coi là thể loại rất khó, đòi hỏi người viết phải bản lĩnh, cứng cựa, giàu kiến thức, chất liệu lẫn trải nghiệm sống. Thế nên thế hệ 8X trở về trước, rất hiếm người thử sức với tiểu thuyết ngay lần đầu chào sân. Vậy mà thời gian gần đây, hàng loạt gương mặt mới toanh của thế hệ 9X khiến văn đàn ngạc nhiên khi chạm ngõ văn chương bằng thiên tiểu thuyết dày dặn. Nó không đơn giản là độ dày số trang mà còn là sức nặng kiến thức, ngôn từ, suy ngẫm nhân sinh mà tác giả trẻ gửi gắm dẫu tuổi đời họ mới chỉ đôi mươi.
Làm nên hiện tượng có Huỳnh Trọng Khang với hai tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ”, “Những vọng âm nằm ngủ”; Thái Cường với ba tiểu thuyết “Những mảnh mắt nhìn”, “Gam lam không thực”, “Người chết thuê”; Hiền Trang với “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ”; Nhật Phi với “Người ngủ thuê “, Phạm Bá Diệp với “Urem – Người đang mơ” và “Yagon- Những kẻ vô cảm”, Đức Anh với “Tường lửa”… Họ không chờ khi văn chương chín muồi cùng tuổi đời từng trải rồi mới viết, mà ngay ở những tác phẩm đầu tay, họ đã hăm hở khơi mạch những đề tài, thể loại tưởng như quá thách thức.
Nhật Phi tâm sự: “Có người bảo các bạn trẻ sống đi rồi hẵng viết, trải nghiệm đi rồi hẵng viết hay tìm một công việc gì ổn định để làm đi rồi hẵng viết. Nghe vậy, tôi chỉ khẽ nhún vai. Những điều người ta nói không phải không có lý. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cảm thấy cần viết thì hãy cầm bút lên và viết, thứ mà chúng ta cần có được là cảm hứng. Bởi chúng ta đâu biết được ngày mai, ngày kia sẽ như thế nào? Chúng ta viết toàn bộ sức lực của mình, toàn bộ những gì chúng ta có”.
Ở văn học trẻ, người ta dễ dàng nhận diện hai dòng văn học đang chảy song song là văn học tinh hoa và văn học thị trường. Trước đây, công chúng cho rằng dòng văn học tinh hoa kén người đọc nên mặc định rằng số lượng tác giả ở dòng này rất ít ỏi so với văn học thị trường. Thế nhưng nhìn lại, cán cân hai bên xem ra một chín một mười.
Văn chương thị trường quy tụ rất nhiều gương mặt trẻ trung và “hot” như Anh Khang, Hamlet Trương, Gào, Iris Cao, Phan Ý Yên... Họ làm mưa làm gió trong suốt thời gian qua với hàng loạt đầu sách best-seller đẫm chất ngôn tình, nặng nỗi cô đơn, mất mát của người trẻ. Mỗi lần tác phẩm của họ ra mắt là một sự kiện có sức hút mạnh mẽ với công chúng, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Mới đây, Anh Khang ra mắt cuốn sách thứ tám mang tên “Thả thính chân kinh”. Buổi giao lưu, giới thiệu sách làm chật cứng, náo nhiệt cả một góc Đường sách Nguyễn Văn Bình.
Dẫu cực kỳ hút bạn đọc nhưng dòng văn chương thị trường vẫn thường bị cái nhìn định kiến là “na ná văn chương” chứ không phải văn chương. Trước vấn đề này, nhà văn Tiểu Quyên bày tỏ quan điểm: “Mỗi người đều biết tạo dựng phong cách và có lượng độc giả riêng. Tôi cho rằng người trẻ đang làm chủ ngòi bút của họ, mỗi tác giả chọn cày một cánh đồng và cùng làm cho mọi cánh đồng đều trở nên tươi tắn, giàu cảm xúc và bát ngát những khát vọng, hy vọng. Lâu rồi, tôi không còn để cụm từ “tác phẩm đỉnh cao” chi phối cảm nhận của mình về tác phẩm của người trẻ, lẫn trong lựa chọn sáng tác của mình. Đích đến của một tác phẩm – suy cho cùng vẫn là đến với số đông độc giả. Vậy nhà văn có bản lĩnh là người dám lựa chọn và đi được một đường dài với văn chương, chạm đúng tần số rung cảm của bạn đọc. Nếu không, thời gian luôn biết cách chọn lọc, khẳng định và đào thải”.
Có người khoác chiếc áo “sứ mệnh” lên vai nhà văn trẻ. Nhưng bằng cách này hay cách khác, họ khước từ chiếc áo quá rộng đó để không tạo áp lực cho mình. Họ để ngòi bút tự nhiên, không gò mình theo khuôn khổ nào để rồi vạch ra hành trình của mình bằng bước đi riêng biệt. Mỗi người đóng góp những mảng màu khác nhau, mà ở đó sức sống của tuổi trẻ luôn hiện diện và trăn trở với bao xoay vần bể dâu.
Họ thử nghiệm tất cả, ngược xuôi với cả quá khứ, hiện tại và tương lai, đào bới để đi tìm bản thể của chính mình, tìm nhân dạng giữa thời hội nhập tưởng như xóa nhòa mọi cái độc đáo riêng biệt. Với tuổi trẻ, họ tung hoành như thế, và trưởng thành qua từng trang viết ngồn ngộn nhựa thanh xuân.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/van-hoc-tre-suc-song-co-tre-603096/