Văn học Việt chờ 'cú huých' mới từ Dự thảo Nghị định hỗ trợ sáng tác
Ngày 4/4 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học Việt Nam.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các hội chuyên ngành, nhà văn, nhà nghiên cứu, đại diện các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa - Thể thao địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học - Ảnh: T.H
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn học trong đời sống tinh thần dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, đồng thời là phương tiện thể hiện tiếng nói con người trước lịch sử.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy sáng tác, bảo tồn giá trị văn học truyền thống và mở rộng không gian sáng tạo là điều hết sức cấp thiết.
Dự thảo Nghị định lần này được xem là bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trên cơ sở kế thừa các văn bản như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI…, Dự thảo đề ra nhiều nội dung quan trọng như hỗ trợ đầu tư sáng tác, tổ chức trại viết, các cuộc thi sáng tác, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học và đặc biệt là thành lập Giải thưởng Văn học quốc gia – một cơ chế tôn vinh có tính chuyên sâu, được kỳ vọng tạo động lực lớn cho giới văn nghệ sĩ.
Theo báo cáo của Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 34 điều, với các nội dung trải rộng từ cơ chế hỗ trợ sáng tác, tổ chức trại sáng tác, tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, đến quy định về giải thưởng quốc gia và cơ chế quảng bá tác phẩm văn học ra quốc tế.
Dự thảo cũng xác định Bộ VHTTDL là đơn vị đầu mối tổ chức các hoạt động trọng điểm như trại sáng tác văn học định kỳ hàng năm và các cuộc thi sáng tác theo chu kỳ 3–5 năm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh các chính sách trước đây dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những khoảng trống, nhất là trong cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác, hoạt động quảng bá và ứng dụng công nghệ trong phổ biến tác phẩm.
Dự thảo lần này đề xuất hàng loạt giải pháp cụ thể như đổi mới tổ chức trại viết, phân loại rõ ràng đối tượng cuộc thi sáng tác theo thể loại, độ tuổi; nâng tầm giải thưởng quốc gia, đẩy mạnh dịch thuật và liên kết quốc tế để đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với bạn đọc toàn cầu.
Tại hội thảo, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đồng tình và đánh giá cao sự ra đời của Giải thưởng Văn học quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng đây là cú hích lớn cho đời sống văn học, tạo động lực cho các cây bút dấn thân sáng tác những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đồng quan điểm, đồng thời kiến nghị cần quy định rõ ràng để tránh chồng lặp với các giải thưởng hiện có như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh hay Giải thưởng sách quốc gia.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - Ảnh: TH
Một số đại biểu cũng góp ý cụ thể về cách tổ chức các hoạt động trong Dự thảo. NSND Vương Duy Biên lưu ý về việc phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ VHTTDL và các Hội chuyên ngành trong tổ chức trại sáng tác.
Tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt đề xuất tên gọi Nghị định cần đầy đủ hơn, thể hiện rõ vai trò của Nhà nước: “Nghị định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư và quản lý hoạt động văn học”.
Khép lại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ kỳ vọng các ý kiến đóng góp quý báu của đại biểu sẽ giúp hoàn thiện Dự thảo Nghị định, từ đó tạo ra nền tảng pháp lý hiệu quả, đồng bộ để thúc đẩy nền văn học Việt Nam phát triển bền vững, có chiều sâu, gắn với bản sắc dân tộc và đủ sức lan tỏa trên bản đồ văn học thế giới.