Vẫn ì ạch tái cấu trúc DNNN
Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương quan trọng giúp tái cơ cấu nền kinh tế, được kỳ vọng có tác động trực tiếp đến khu vực DNNN. Vậy nhưng, lộ trình này đang rất chậm trễ nên hiệu quả đạt được cũng rất thấp.
Thoái cầm chừng, càng thua lỗ
Khi nhắc đến CPH, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến là “đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước”, “bán được giá cao nhất” và “không gây thất thoát cho Nhà nước”.
Tuy nhiên, cần lưu ý bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc CPH, thoái vốn còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn, là giúp nâng cao năng lực quản trị DN, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính, để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.
Quan điểm này đã được thể hiện tại Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng Khóa XII, về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết 12). Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của CPH, thoái vốn nhà nước là nhằm “giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để đạt được những mục tiêu này.
Một điều dễ nhận thấy, Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất. Qua theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) hơn 3 năm qua, trong tổng số 25 tổng công ty (TCT) thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có 20 TCT đã niêm yết trên TTCK.
Số liệu trên sàn cũng cho thấy, chỉ có 1 TCT đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước (TCTCP Đầu tư phát triển xây dựng), 8 TCT gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể. Điều đáng chú ý, những DN này đều có đặc điểm chung là Nhà nước vẫn nắm 80-98% tổng số cổ phần.
Quan sát cũng cho thấy, không có nhiều biến động tích cực về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các DN này sau CPH, thậm chí, nhiều DN còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn.
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, chậm CPH, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Trong suốt thời gian dài vừa qua, đã có nhiều trường hợp “càng để lâu càng mất vốn”, hoặc “càng để lâu càng lỗ”.
Đơn cử, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua, hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được. So với thời điểm 2016-2017, cổ phiếu của một số DN có vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực vốn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại, như dược phẩm, công nghiệp nhựa, bia rượu nước giải khát… đang giảm dần.
Thực tế, nhiều thương hiệu đình đám một thời đã bắt đầu hoặc đang có dấu hiệu lụi tàn. Cụ thể, CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011 đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu, năm trước lên sàn với giá 31.000 đồng/cổ phiếu, nay chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch.
Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay. Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ đồng (năm 2014) xuống còn 310 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2019, thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.
Trách nhiệm của bộ, ngành?
Đã đến lúc Nhà nước nên cân nhắc đến tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm với thị trường địa phương để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN, đặc biệt với những DN đang gặp khó khăn cần được tái cấu trúc toàn diện.
Sự chậm trễ trong CPH, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí bất an của đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.
Trong trường hợp này, DN đã yếu kém sẽ càng yếu kém hơn, Nhà nước cũng càng khó khăn hơn khi thoái vốn. Do đó, hoàn thiện cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn nhà nước, gỡ rối cho các DNNN hiện nay, đang là nhiệm vụ cấp bách cho các cơ quan chức năng.
Trước hết, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của bộ ngành và các bên liên quan trong CPH, thoái vốn. Kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn, không làm đúng kế hoạch có bị xử lý, hình thức xử lý như thế nào, cần quy định rõ. Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật, cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý, ai có đủ thẩm quyền phê duyệt.
Thực tế, trong thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng, cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước mỗi thương vụ CPH/thoái vốn, việc thực hiện điều tra chi tiết về nhà đầu tư chiến lược tiềm năng rất cần thiết. Phần đánh giá về lịch sử và những đặc trưng trong mô hình kinh doanh của nhà đầu tư, sẽ giúp Nhà nước phần nào xác định được khả năng gắn bó lâu dài và sự nghiêm túc của cam kết bảo vệ thương hiệu nội địa.
Ở góc độ này, Nhà nước hoàn toàn có thể dựa vào những thông tin về truyền thống, lịch sử phát triển thương hiệu địa phương của nhà đầu tư trước đó, để đánh giá và đoán định khả năng họ sẽ ứng xử thế nào với các thương hiệu được mua lại trong tương lai.
Đồng thời, cần xem xét cam kết, kinh nghiệm của nhà đầu tư đối với thị trường địa phương. Điều này có thể giúp giảm bớt chi phí xã hội và kinh doanh, khi một công ty phải hoạt động tại thị trường nước ngoài, hay còn gọi là “liability of foreignness” (tạm dịch là chi phí kinh doanh ở nước ngoài).
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/van-i-ach-tai-cau-truc-dnnn-71346.html