Vẫn khổ sở vì dự án treo
Theo một thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có tới hơn 400 dự án treo, thậm chí là 'treo bền vững' hơn một thập kỷ qua. Điều này đã, đang và sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh rồi còn ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội và đời sống dân sinh.
Cuộc sống đảo lộn vì dự án treo
Hà Nội hiện có hàng trăm dự án ôm đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai gây ra tình trạng lãng phí đất. Điều đặc biệt, những dự án này đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy. Một trong những hệ lụy “mắt thấy tai nghe” chính là cuộc sống của những hộ dân sống trong dự án treo này. Khu đô thị Thịnh Liệt cũng không nằm ngoài tình trạng bỏ hoang. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư.
Qua tìm hiểu, năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.
Dự án này được chia thành hai giai đoạn và kết thúc vào năm 2011. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự.
Trong cuộc họp điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từng nêu rõ, tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng dự án.
Mặc dù dự án này đang bị bỏ hoang nhưng vẫn không bị thu hồi và Licogi vẫn là chủ đầu tư. Từ tháng 8-2020, cơ quan chức năng quận Hoàng Mai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích khoảng gần 30ha.
Tuy nhiên, hiện tại đây vẫn còn vài chục hộ dân sống trong khu vực quy hoạch. Cuộc sống của họ đang bị đảo lộn vì sống trong những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân của vấn đề này là do dự án chưa lấy đến chỗ đất của một số hộ dân nên chưa đền bù. Do quá trình thi công, san lấp nên hệ thống thoát nước bị hỏng, hoặc vùi lấp nên người dân luôn phải sống trong tình trạng lo lắng mỗi khi mùa mưa tới.
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về dự án, chị Nguyễn Thị Mùi đưa chúng tôi mục sở thị ngôi nhà của mình. Chị bảo, nhà chị trước kia là 2 tầng nhưng sau 4, 5 lần nâng nền giờ chỉ còn 1 tầng. “Dù đã làm mọi cách nhưng nếu gặp những đợt mua to và lâu thì nước vẫn tràn vào nhà. Nhiều đêm đang ngủ cả nhà lại hô hoán nhau dậy kê kích đồ đạc lên chỗ cao hơn”. Hơn chục năm qua gia đình 6 người của chị Mùi phải chịu cảnh sống chật chội trong căn nhà 1 tầng vài chục mét vuông. Mong ước được sửa sang, cơi nới lại chính ngôi nhà mình cũng là một mong muốn quá đỗi xa xỉ đối với vợ chồng chị.
Cùng chung bức xúc, bà Nguyễn Thị Thanh Vân năm nay đã 60 tuổi nói: “Tôi thấy người ta bảo dự án chưa lấy đến chỗ đất nhà chúng tôi nên họ chưa đền bù? Làm hay không làm cũng phải nghĩ đến nỗi khổ của người dân chúng tôi nữa chứ. Mùa mưa bão, nước dâng cao, tràn vào nhà, muốn nâng mái, hay nâng nền phải ra ủy ban xin phép. Nhà tôi cũng nâng lên 3 lần, cao hơn so với ban đầu 50 tới 60 cm rồi nhưng vẫn ngập”.
Chỉ vào phía trước mặt, nơi mình và mấy người hàng xóm đang ngồi, bà Vân bảo: “Chính chỗ này này, khi mưa to thì thành cái ao luôn. Cả xóm lại hô hào nhau ra bắt cá. Ở đây dân chúng tôi chỉ mong muốn nếu dự án không lấy đến thì để cho dân sửa nhà, sửa cửa nâng nền nhà sống cuộc sống đàng hoàng. Chứ sống như thế này khổ quá, nhà cửa bong tróc, trên thì dột, dưới thì rắn rết nhiều vô kể. Ở xóm này từng có người bị rắn cắn, may được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng”.
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư để sớm đưa vào xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. “Việc giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư và người dân chưa thỏa thuận được nên dự án phải nằm im tại chỗ. Khu đất giải phóng mặt bằng chủ yếu của hai phường Tương Mai và Thịnh Liệt”, vị này nói.
Ngàn lẻ câu chuyện… quy hoạch treo
Hay tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) có đến hàng trăm hộ dân đang phải sống trong cảnh dột nát, ẩm thấp vì những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm nay họ đã phải thuê nhà trọ ở tạm vì dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình.
Từ năm 2011, người dân và chính quyền đã nhận thấy sự bất cập của quy hoạch nên đã có văn bản báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND TP Hà Nội. Bởi, nếu thực hiện thì chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân sẽ là một con số vô cùng khủng khiếp.
Qua tìm hiểu, đến nay dự án mới chỉ triển khai xong hạng mục hồ điều hòa, còn phần công viên cây xanh thì không triển khai được. Vì thực tế, khu đất quy hoạch này đang chồng lấn, trùm lên 649 thửa đất, trong đó 520 thửa đất người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định từ trước năm 2000.
Chúng tôi đến Hạ Đình vào những ngày Hà Nội liên tục hứng chịu những trận mưa lớn. Đó cũng là lúc rất nhiều người dân phường Hạ Đình cảm thấy lo lắng nhất. Ngôi nhà của vợ chồng ông Đỗ Duy Bảo (79 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Bé (71 tuổi) tại ngõ 460, phường Hạ Đình xây dựng đã ngót nghét 30 năm. Vì nằm trong diện quy hoạch nên dù nhiều hạng mục trong ngôi nhà đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng nhưng gia đình ông Bảo cũng không dám sửa chữa gì. Căn nhà của gia đình ông đang sống giống hệt một khu ổ chuột, đồ đạc ngổn ngang, ẩm ướt. Khu bếp, những tấm lợp nhựa lẫn tôn đều đã sập, mang tiếng là trong bếp nhưng chẳng khác nào ngoài trời. Những ngày Hà Nội mưa, ngôi nhà của vợ chồng ông lại ngập lênh láng nước.
Sống trong quy hoạch treo đã nhiều năm nay, ông Bảo vẫn đang mòn mỏi chờ đợi ngày gia đình được sửa sang nhà cửa, cấp phép xây dựng trên đất giãn dân hợp pháp được TP Hà Nội cấp từ năm 1993.
Cạnh nhà ông Bảo là gia đình ông Đặng Đình Đảm - Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Gia đình ông Đảm cũng trong tình trạng xuống cấp và xập xệ nghiêm trọng. Ông Bảo cho biết, quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã đình trệ nhiều năm nay khiến cho đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân tại đây đã được TP. Hà Nội cấp đất giãn dân một cách hợp pháp nhưng đến giờ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng và sửa chữa nhà cửa theo đúng quyền lợi. Tổ dân phố cũng đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng, phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn rối như tơ vò và chưa được giải quyết triệt để”.
Đã chấm dứt nhiều dự án do chậm triển khai
Từ 2012 đến nay, TP. Hà Nội đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 18 triệu m2 đất; kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc. Số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đã được thành phố chỉ đạo giải quyết là 30.896 vụ; đã kiến nghị thu hồi 26,9 tỷ đồng và gần 177.000 m2 đất. Mới đây UBND TP. Hà Nội ra quyết định chấm dứt, dừng thực hiện 6 dự án nhà ở, khu đô thị tại quận Nam Từ Liêm, huyện Mê Linh, huyện Thường Tín do chậm triển khai.
Theo đó, Dự án Tòa nhà hỗn hợp một phần để bán cho cán bộ chiến sĩ Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh (huyện Mê Linh); Dự án khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh); Dự án Khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh); Dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng (huyện Mê Linh) và dự án Khu đô thị Quang Minh Bắc và Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín.
Với 2 dự án đầu tư gồm Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 tại các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh (huyện Mê Linh) có phạm vi nghiên cứu khoảng 202,4 ha, thành phố giao Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) nghiên cứu, đánh giá xem xét việc báo cáo Thành ủy, đồng thời làm việc với Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng) để có văn bản thống nhất dừng thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Đối với Dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người có thu nhập thấp tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh), giao Sở KH-ĐT đăng thông tin liên hệ, làm việc với nhà đầu tư theo quy định, làm cơ sở báo cáo UBND thành phố, báo cáo Thành ủy xem xét, chỉ đạo với việc chấm dứt, dừng thực hiện dự án đầu tư này.
Thành phố cũng giao Sở KH-ĐT trên cơ sở quy trình, quy định pháp luật về việc chấm dứt, dừng thực hiện dự án đầu tư, báo cáo đề xuất trình đồng thời dự thảo các văn bản của UBND thành phố về việc chấm dứt, dừng thực hiện một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm luật Đầu tư, luật Đất đai trên địa bàn.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng, Công Ty TNHH TGS (Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội):
Những dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư làm chậm và đã được gia hạn hoặc điều chỉnh nhưng vẫn không thực hiện thì sẽ được cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có ý kiến của cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư theo khoản 3 Điều 48 Luật Đầu tư 2020.
Trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng. Trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất theo tiến độ thì việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng được áp dụng đối với từng phần diện tích đất đó; thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất đó.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/van-kho-so-vi-du-an-treo-i669772/