Văn Lâm - từ người bị Miura từ chối tới đỉnh cao J.League 1
Tròn 10 năm sau ngày tới V.League, Đặng Văn Lâm giờ là niềm tự hào, mũi tiên phong của bóng đá Việt Nam trên con đường tiến ra thế giới.
Từ kẻ mộng mơ tới lên tuyển Việt Nam sau 2 trận, từ người bị Toshiya Miura từ chối tới bức tường thép của triều đại Park Hang-seo, từ một ngoại binh nước ngoài tới kẻ khiến người Thái phải ngưỡng mộ ngay trên đất Thái, từ những năm dài ngồi ngoài ở V.League tới việc được các CLB Nhật, Nga tranh nhau xin chữ ký, Văn Lâm đã đi một hành trình rất dài, chông gai nhưng đầy tự hào, khó khăn nhưng luôn vững tin và không bao giờ từ bỏ bản ngã của mình, một người luôn nghiêm túc và tận hiến với nghề.
Văn Lâm từng mộng mơ và hơi “điên”
Những người chỉ theo dõi Văn Lâm trong khoảng 2 năm trở lại đây sẽ có nhiều ấn tượng về sự điềm tĩnh, trầm lặng, thậm chí thận trọng quá mức từ thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga.
Đó chưa phải những hình dung đầy đủ về Văn Lâm.
Xuất phát điểm, Văn Lâm chưa phải người điềm đạm như vậy. Chàng thủ môn sinh năm 1993 có bố, ông Đặng Văn Sơn, là một nghệ sĩ ballet còn mẹ, bà Jukova Olga, cũng theo đuổi con đường nghệ thuật. Thừa hưởng hai dòng máu ấy, Văn Lâm lãng mạn, hơi mơ mộng và không kém phần “điên” cả trên sân cỏ lẫn trong cuộc sống.
Khi đội tuyển Nga đánh bại Saudi Arabia ở World Cup 2018, Văn Lâm ăn mừng cuồng nhiệt, miệng thét lớn, tay đấm ngực thùm thụp. Ngày mới tới Việt Nam, khi chưa nói tốt tiếng Việt, anh thường bị HLV chê ở khoản giao tiếp. Khi đã quen thuộc, Văn Lâm luôn là người nói to nhất sân, tiếng thét vang khắp vùng cấm địa.
So với các thủ môn Việt Nam, Văn Lâm được đào tạo trong môi trường tốt hơn hẳn. Anh là một trong không nhiều cầu thủ trẻ được tập luyện cả ở Spartak và Dynamo, hai CLB danh tiếng của Nga. Tuyển thủ Việt Nam được huấn luyện trực tiếp bởi Aleksandr Georgievich Yartsev (con trai cựu HLV tuyển Nga Georgi Yartsev). Anh từng có mặt ở đội trẻ cấp độ cao nhất của Dynamo nhưng không được ký hợp đồng chuyên nghiệp.
Hành trang tuổi trẻ ấy mang tới cho Văn Lâm sự tự tin lớn. Như nhiều cầu thủ Việt kiều khác trước khi về Việt Nam, anh chưa hiểu rõ về V.League, chưa biết được trình độ thật sự của bóng đá Việt Nam. Ở tuổi 18, Văn Lâm thậm chí có phần mơ mộng khi tin rằng sẽ dễ dàng chinh phục V.League. Thủ thành này từng kể: “Tôi đến V.League với một tâm lý gần như không chỉ tự tin mà còn kiêu hãnh. Tôi nghĩ không phải họ, mà tôi mới là người sẽ lựa chọn giữa hàng tá các CLB săn đón. Tôi đơn giản chỉ tìm kiếm trên mạng địa chỉ các CLB và muốn đến cùng với điều kiện hợp đồng mình đưa ra”.
Thực tế không tươi đẹp như Văn Lâm nghĩ.
Anh trải qua những chuyến thử việc thất bại ở CLB Hà Nội và TP.HCM. Tìm kiếm mãi, Văn Lâm mới được HAGL chấp nhận và đưa về phố núi. Tuy nhiên, suốt mùa giải 2011 và 2012, anh không được trao cơ hội. Thủ môn tương lai của tuyển Việt Nam vẫn thể hiện được mình trên sân tập. Ngoài sân cỏ, anh vướng vào hàng loạt rắc rối, gặp khó khăn trong giao tiếp với các HLV và đồng đội, bối rối với mọi thứ ở phố núi trong lần đầu về Việt Nam.
Việc được triệu tập lên U19 Việt Nam không giúp Văn Lâm cải thiện tình hình tại CLB. Năm thứ ba ở Gia Lai, Văn Lâm bị đẩy sang HAGL Attapeu tại Lao League. Đó là lúc anh bắt đầu đoạn mới. Tại Lào, những mơ mộng đầu đời của Lâm “Tây” vụn vỡ trên những sân bóng dùng để chăn thả gia súc, những CLB không có HLV thủ môn, những phòng nghỉ không điều hòa, phơi mình dưới cơn gió Lào hầm hập thổi tới.
Danh hiệu á quân giải Lào năm 2013 không thể giúp Văn Lâm có suất thi đấu tại HAGL, CLB ngày ấy vẫn là một thế lực trong cuộc đua vô địch. Cuối năm 2014, anh bị thanh lý hợp đồng. Ít người biết Văn Lâm từng tới Thái Lan thử việc trong khoảng thời gian đó và thất bại. Cuối năm ấy, bố Văn Lâm gọi điện. Ông gần như bật khóc trong điện thoại. Văn Lâm kể: “Ông bảo tôi: Con có thể kiếm được thu nhập đó ở Nga dù chỉ làm công việc của một nhân viên quét rác. Nhưng ít nhất, con còn được ở gần gia đình”.
Bốn năm sau ngày đến V.League, Văn Lâm trở lại ở tuổi 22.
Trầm lặng và vững chãi
Khi Văn Lâm gửi tâm thư tới HLV Toshiya Miura trước thềm SEA Games 2015, anh đã là một con người hoàn toàn khác. Không còn tự mãn, không còn mơ mộng, mong muốn của Lâm là tâm sự của một người đã hiểu rõ mình đang ở đâu, là chia sẻ của một người đã trải qua rất nhiều khi còn trẻ: “Một lần nữa thôi, nếu đội không cần, Lâm sẽ về Nga và không làm phiền nữa đâu ạ”.
HLV Toshiya Miura không gọi Lâm lên U23 Việt Nam, nhưng lá thư ấy đã đưa Văn Lâm về Hải Phòng.
Văn Lâm được ký hợp đồng với Hải Phòng năm 2015 với tư cách dự bị số 4. Anh bắt chính từ mùa 2016 nhờ sự cố của thủ thành đàn anh Đinh Xuân Việt, trở thành trường hợp đặc biệt trong lịch sử khi lên tuyển chỉ sau 2 trận đấu.
Cuối năm đó, Văn Lâm dự AFF Cup với vai trò dự bị cho Trần Nguyên Mạnh. Năm kế tiếp, anh lấy suất chính thức ở tuyển Việt Nam trước khi thăng hoa cùng triều đại Park Hang-seo tại AFF Cup và Asian Cup. Đầu năm 2021, Văn Lâm được hàng loạt CLB theo đuổi trong đó có những đội bóng từ Nhật Bản, Nga và Bồ Đào Nha.
Nếu Văn Lâm trước năm 2015 vẫn là một người trẻ mơ mộng, Văn Lâm sau 2015 đã là một người đàn ông trưởng thành, đầy chín chắn. Có thể kể ra nhiều câu chuyện về sự khổ luyện và kiên trì của chàng trai sinh năm 1993.
Năm 2017, khi xảy ra sự cố với Lê Sỹ Mạnh, Văn Lâm buộc phải rời Hải Phòng trong đêm khi đang trong thời gian chấn thương. Anh không dám quay lại đội bóng đất cảng suốt thời gian dài, bơ vơ, thậm chí chưa biết phải ở tạm nơi nào để duy trì tập luyện.
Thông qua nhiều mối quan hệ, Văn Lâm được Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đưa về Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam. Từ một tuyển thủ quốc gia, ngôi sao của CLB, anh phải một mình tập luyện ở liên đoàn, sinh hoạt, ăn uống cùng những cầu thủ trẻ, xa rời đồng đội, bị đội Hải Phòng dọa kỷ luật,. Dù vậy, anh không một lần phàn nàn. Vài tháng sau, trợ lý Lê Sỹ Mạnh phải rời đội còn Văn Lâm trở về Hải Phòng.
Đầu năm ngoái, khi Văn Lâm đánh mất vị trí vào tay thủ môn người Thái Somporn Yos. Báo giới Thái Lan mừng rơn còn người hâm mộ Việt Nam lo sốt vó. Mặc kệ, Văn Lâm không thanh minh một lời, từ chối mọi đề nghị phỏng vấn. Không lâu sau, anh lấy lại vị trí. Khi đó, người ta mới biết Văn Lâm chấn thương suốt thời gian trước đó.
Tới khi Thai League 1 tạm hoãn vì dịch bệnh, các cầu thủ buộc phải chuyển sang chế độ tập luyện một mình tại nhà, khi hàng loạt đồng đội ở Muangthong tăng cân và sa sút thể lực, Văn Lâm vẫn giữ thể trạng hoàn hảo. HLV thủ môn người Brazil Marquinhos Domingues Goleiros khẳng định chỉ số của Văn Lâm còn tăng thêm 10% so với giai đoạn trước nghỉ dịch.
Chinh phục người Thái trên đất Thái
Văn Lâm trải qua cuộc chiến vị trí khốc liệt giữa anh và Yos ở Muangthong. So với Văn Lâm, Yos là người cũ, đã gắn bó lâu năm với CLB, là thành viên thế hệ U23 của Kiatisak Senamuang. Anh nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ truyền thông và người hâm mộ bản địa, nhận lương thấp hơn Văn Lâm và được trao nhiều cơ hội. Muốn thắng Yos, Văn Lâm cần giỏi hơn hẳn, thể hiện tốt hơn hẳn đối thủ.
Và anh đã làm được điều đó. Chia sẻ với Zing, ông Goleiros bảo: “Văn Lâm giỏi hơn những đồng đội thủ môn bản địa. Đó là sự thật không thể bàn cãi. Anh ấy thuộc nhóm giỏi nhất mà tôi từng huấn luyện 20 năm qua”.
Ngày mới về Muangthong, Văn Lâm thuê riêng chuyên gia thể lực người Nga Jam Ashrapov tới Thái Lan trong một tháng. Sự chuyên nghiệp của Lâm “Tây” được người Thái đánh giá cao tới nỗi ít ngày sau, Muangthong mời Ashrapov ký tiếp 6 tháng, nhờ anh nâng cao thể lực cho cả đội bóng.
Sự chuyên nghiệp và nghiêm túc với nghề giúp thủ thành sinh năm 1993 là tuyển thủ Việt Nam nhận được sự ngưỡng mộ ở mọi nơi anh đến.
Sau trận gặp Iran ở Asian Cup 2019, thủ thành đối phương Alireza Beiranvand đã tới bắt tay hỏi chuyện Văn Lâm. Vài tháng sau, thầy của Beiranvand, HLV thủ môn Alexandre Lopes của tuyển Iran, cũng gia nhập Muangthong. Quyết định của Lopes có phần tác động từ Văn Lâm.
Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 Dương Hồng Sơn kể hồi năm 2017, anh từng gặp Văn Lâm đi taxi hàng ngày từ Hải Phòng lên PVF (Hưng Yên) để xin tập cùng chuyên gia Jason Brown. Tiền xe mỗi ngày lên tới cả triệu đồng, nhưng Văn Lâm chẳng hề bận tâm.
Khi Văn Lâm thể hiện xuất sắc trong màu áo Muangthong cuối năm ngoái, HLV Goleiros bảo ông không hồi sinh Văn Lâm. “Cái chính là nỗ lực của Văn Lâm, tôi chỉ làm tốt nhất công việc của HLV”, ông nói. Chia sẻ của ông thầy người Brazil giống y những điều HLV Park Hang-seo từng nói về Nguyễn Tuấn Anh. Cả Văn Lâm và Tuấn Anh đều thuộc tuýt người trầm mặc. Họ đều đã chịu nhiều nỗi đau, kiên nhẫn vượt qua khó khăn và trở lại mạnh mẽ.
Con đường trưởng thành của Văn Lâm trở thành một chuẩn mực cho giấc mơ của những Việt kiều. Những cầu thủ nước ngoài về Việt Nam trong vài năm trở lại đây như Adriano Schdmit, Martin Lo, Andrey Nguyễn... đều hướng về Văn Lâm với niềm tin tưởng và hy vọng. Họ liên lạc, lắng nghe, chờ đợi sự chỉ bảo của anh, tin tưởng rằng nỗ lực sẽ giúp họ thành công giống anh. Trước Văn Lâm, nguồn lực Việt kiều chưa từng mang tới niềm tin lớn cho các đội tuyển. Sau Văn Lâm, VFF và HLV Park Hang-seo phải tổ chức cả một chiến dịch tìm kiếm những cầu thủ Việt kiều cho các đội tuyển Việt Nam.
5 năm trước, Văn Lâm truyền cảm hứng cho những cầu thủ Việt kiều khi chinh phục V.League và tuyển Việt Nam. Hai năm trước, Văn Lâm trở thành mũi tiên phong của bóng đá Việt Nam khi lấy suất đá chính ở CLB hùng mạnh của Thái Lan. Hôm nay, anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chơi bóng tại J.League 1.