Vẫn loay hoay trước khát vọng vươn tầm

Thế vận hội là đấu trường quy tụ các vận động viên xuất sắc nhất thế giới. Với thể thao Việt Nam, đây vẫn là một sân chơi vượt tầm và rất ít bộ môn có đủ khả năng tranh chấp huy chương. Phải đầu tư ra sao và làm thế nào để các vận động viên bứt phá vẫn sẽ là bài toán nan giải.

Thu Vinh (phải) xếp thứ 4 ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ Olympic Paris 2024.

Thu Vinh (phải) xếp thứ 4 ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ Olympic Paris 2024.

Khoảng cách không nhỏ

Olympic Paris 2024 mới chỉ diễn ra được hơn một tuần, nhưng phần nào thực lực của các vận động viên Việt Nam đã bộc lộ. Ở hạng cân 48 kg nữ môn judo, Hoàng Thị Tình không thể tạo nên bất ngờ và để thua ngay trận ra quân trước đương kim vô địch châu Phi Oumaima Bedioui. Tay đấm boxing Hà Thị Linh dù đã vượt qua Feofaaki Epenisa ở vòng đầu, cũng đành lỡ hẹn trận tứ kết sau thất bại trước võ sĩ xếp hạng 4 thế giới Yang Wenlu.

Kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng cán đích thứ 5 ở nội dung 800 m tự do với thành tích 8 phút 8 giây 39, kém tới 19,9 giây so kình ngư dẫn đầu vòng loại Felix Auboeck. Trong lần đầu tham dự Thế vận hội, xạ thủ trẻ Lê Thị Mộng Tuyền giành được 621,1 điểm, xếp thứ 40 trong tổng số 43 vận động viên. Trước đó, sự kết hợp của Ánh Nguyệt và cung thủ trẻ Quốc Phong cũng chỉ giúp đội Việt Nam đứng thứ 24 trong 27.

Nhìn vào thành tích của các vận động viên tại Olympic Paris 2024, Thể thao Việt Nam nhiều khả năng sẽ lại một lần nữa tay trắng trở về sau tám năm ròng. Chúng ta ngày càng khó tranh chấp huy chương khi không thể thu hẹp khoảng cách quá lớn về thể chất và sức mạnh. Đồng thời, đấu trường Olympic cũng dần loại bỏ các nội dung thi đấu ở hạng cân nhẹ - sở trường của chúng ta (như hạng 56 kg cử tạ).

Hy vọng gợi mở hướng đi

Điểm sáng hiếm hoi ở kỳ Olympic Paris 2024 phải kể đến Trịnh Thu Vinh. Trong lần đầu tham dự Thế vận hội, xạ thủ trẻ khép lại vòng chung kết nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ ở vị trí thứ 4 chung cuộc.

"Qua hai vòng đấu, Thu Vinh thể hiện sự vững vàng và dần biết cách điều chỉnh tâm lý trong thi đấu. Tới vòng chung kết, ngoài hai lượt năm viên đầu tính điểm tích lũy, liên tục từng lượt, cứ sau hai viên một vận động viên sẽ bị loại. Việc này gây nên sự xáo trộn lớn về tâm lý. Vì thế, cần phải rèn luyện và nỗ lực hơn để vượt qua những tác động bên ngoài. Thu Vinh còn một nội dung sở trường nữa nên cơ hội vẫn rộng mở phía trước", Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nhận định.

Tại Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh xếp hạng 7/8 ở vòng chung kết bắn súng ngắn 25m. Theo đó, chiều 3-8, nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã bước vào thi đấu chung kết nội dung 25m súng ngắn thể thao Olympic Paris 2024. Dù rất nỗ lực, vượt qua thành tích của ngày 2-9 nhưng Vinh vẫn bị loại sau lượt bắn thứ 5 và đứng hạng 7 chung cuộc.

Thực tế, các chuyên gia đánh giá rất cao thái độ bình tĩnh của Thu Vinh, đặc biệt ở thời điểm cô hụt hơi trong cuộc chiến giành tấm huy chương đồng. Xạ thủ này nhẹ nhàng đón nhận kết quả và tiếp tục chăm chú theo dõi màn tranh tài của các vận động viên Hàn Quốc và Ấn Độ. Sau lượt bắn chung kết, cô gái trẻ vẫn cười khi được người thầy Park Chung-gun hỏi thăm và tự tin trò chuyện cùng các đối thủ. Điều đó cho thấy tố chất tâm lý vững vàng của một xạ thủ tài năng.

Rõ ràng, việc tìm kiếm và đào tạo được lứa vận động viên có tố chất luôn là thách thức rất lớn. Song, hy vọng cạnh tranh huy chương ở bộ môn bắn súng cũng gợi mở những hướng phát triển mới, khi bộ môn này không đòi hỏi những tố chất đặc biệt về thể hình.

Ðầu tư xứng tầm, quản lý bài bản

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, ba nguyên nhân khiến thành tích thể thao Việt Nam tốt ở SEA Games nhưng bấp bênh ở ASIAD và Olympic được nhắc tới, gồm sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nước, đầu tư cho thể thao thành tích cao chưa đáp ứng được nhu cầu và cuối cùng là sự thua kém về tầm vóc và thể lực của người Việt.

Như khẳng định của TS Cao Văn Chóng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Thể dục-Thể thao Việt Nam, vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam nằm ở nguồn lực đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn xã hội hóa.

"Cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt với thể thao thành tích cao. Ngoài ra, chúng ta phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản, các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ. Khi đó, kết quả mới tương xứng", TS Cao Văn Chóng nhấn mạnh.

Thế vận hội là đấu trường đỉnh cao với sự cạnh tranh quyết liệt của các nền kinh tế lớn. Thành tích ở các kỳ ASIAD hay Olympic là thước đo đánh giá sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước, các nền khoa học tiên tiến, khả năng đầu tư cũng như sự quan tâm đối với các môn thể thao.

Phong thái tự tin của Thu Vinh là thành quả của những lần du đấu và tập huấn đan xen liên tiếp trước thềm Olympic, với trường bắn hiện đại và sự góp sức của chuyên gia nước ngoài. Muốn các vận động viên vượt ngưỡng và vươn tầm cần phải có sự đầu tư tương xứng.

Bởi, kết quả sẽ khó lòng được xây nên nếu chỉ dựa vào khát vọng và sự quyết tâm đơn thuần.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202408/van-loay-hoay-truoc-khat-vong-vuon-tam-1017391/