'Vạn lý trường thành' bằng cát ở Tây Phi
Maroc là đất nước đầu tiên dựng lên những ụ cát chạy dọc biên giới quốc gia này vào năm 1981. Lần lượt Algeria, Tunisia, v.v…làm theo họ để ngày nay cả một khoảng lớn châu Phi bị bao bọc trong những 'trường thành' bằng cát. Tại sao lại có sự kỳ lạ này?
Ngăn mặt cách lòng
Yusuf là một trong số ít người Guinea tìm được đường đến châu Âu nhằm chạy trốn nạn đói đang diễn ra ở quê hương. Hành trình tị nạn của Yusuf đưa anh qua những vùng đất bị thiên tai, chiến tranh, bệnh tật tàn phá như Mali và Libya.
Trở ngại lớn nhất trong hành trình tuy vậy lại là ba ngày đi bộ vượt qua bức tường cát khổng lồ ở biên giới Mali - Algeria. Yusuf kể: “Bọn buôn người bảo bọn tôi xuống xe ngay dưới chân tường. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ụ cát nào to như thế. Họ bảo rằng xe không đi được nữa, chúng tôi phải tự leo qua tường rồi gặp người chờ sẵn ở bên kia biên giới. Từng người một leo qua trong khi bọn buôn người đứng canh cảnh sát biên giới Algeria đi tuần”.
Một nhóm các quan chức Algeria đi thị sát con hào và ụ cát mới đắp tại biên giới.
Toàn bộ khu vực giáp ranh với sa mạc Sahara được Chính phủ Algeria đắp tường cát cao từ 2 đến 5m. Thông thường chỉ có những quốc gia trong trạng thái chuẩn bị chiến tranh mới làm thế. Ít ai nghĩ rằng mảnh đất Sahara lại có những bức tường cát chạy dọc từ Biển Đỏ đến Đại Tây Dương.
Bức tường cát lâu đời nhất ở Tây Phi được Maroc dựng lên vào năm 1981 bao quanh miền Tây Sahara. Khu vực này trước là thuộc địa của Tây Ban Nha trước khi họ trao trả cho Maroc. Quân đội Maroc và phong trào đòi độc lập cho dân tộc Sarhrawi “Mặt trận Polisario” từng đụng độ nhiều lần trên mảnh đất này, để rồi Maroc quyết định xây dựng 2.500 km ụ cát, hào nước, dây thép gai ngăn cách hai bên. Từ đó đến nay Marốc còn nhiều lần xây dựng kéo dài khoảng tường và đặt những thiết bị theo dõi tiên tiến.
Sau Maroc, đến lượt Tunisia và Ai Cập dùng xe ủi dựng ụ cát ở biên giới. Lý do được hai nước này đưa ra là nhằm tự bảo vệ mình khỏi các nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động ở Libya. Bức tường dài 200 km ở gần thị trấn Dehiba, miền Tây Nam Tunisia là do Mỹ tài trợ về mặt tài chính và trang thiết bị. Ai Cập cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía Mỹ để xây tường cát ngăn cách với Libya và Sudan. Hiện Ai Cập đang trong quá trình hoàn thiện bức tường dài 30km và kết thúc ở bờ Biển Đỏ.
Nhưng không quốc gia nào xây nhiều tường như Algeria. Hiện nước này đang sở hữu 6.700 km ụ cát, hào nước, hàng rào dây thép gai, và tường bê tông bao quanh gần như toàn bộ đất nước. Chỉ riêng tại khu vực giáp Sahara họ đã cắt đặt 50.000 binh lính ngày đêm canh giác, và cứ 10 km đường biên giới lại có một căn cứ quân sự.
Ngoài chính phủ, nhiều nhóm phiến quân cũng xây tường cát nhằm chặn đường thu tiền mãi lộ. Ở miền Nam Libya và phía Bắc Chad, những bức tường cát lại trở thành “pháo đài” giúp phiến quân kiểm soát mỏ vàng, giếng dầu, sân bay và hải cảng. Nguồn thu từ những bức tường này khó có kể hết được. Quân nổi dậy FACT của Chad hiện đang lẩn trốn tại Libya, họ sống nhờ vào tiền thu từ những chuyến xe chở dầu và đoàn người tị nạn ra vào biên giới hai nước. Tổng thống Chad Idriss Déby Itno hồi tháng tư vừa rồi đã tự mình dẫn quân tấn công khu tường do FACT nắm giữ và vì thế mà tử trận.
Nỗi khổ khó đong đếm
Ngoài việc ngăn chặn các nhóm phiến loạn, chính phủ nhiều quốc gia Tây Phi còn viện lý do xây tường cát để ngăn chặn dòng người tị nạn trái phép vượt biên giới. Số liệu thực tế cho thấy họ có phần đúng. Tổ chức Di cư Quốc tế và các cơ quan ban ngành của EU mới đây đã cho ra một bản báo cáo chung cho biết đã giảm đến 79% số người Nigeria vượt biên trái phép sau khi Algeria xây dựng tường cát.
Mặt trái của những bức tường tuy thế không phải là ít. Người dân tộc Tuareg và Arập ở hai bên biên giới Algeria sống nhờ vào nghề buôn bán và chăn thả gia súc. Hệ thống tường bao thật chẳng khác gì “bóp cổ” họ cả. Không hiếm gia đình mất hết đường sống phải dọn đi nơi khác. Một số người còn ở lại thì thực chất sống bằng nghề buôn lậu qua biên giới.
Một thanh niên địa phương người Arập nói với phóng viên báo Le Figaro: “Chính phủ làm thế này cũng giống như cầm tù chúng tôi. Chưa nói gì đến việc kiếm sống, ngay cả chuyện đi thăm họ hàng sống ở bên kia biên giới cũng trở thành bất khả thi… Ngày trước tôi có thể kiếm được hơn 20 USD bằng việc lái xe đi buôn rau củ, hoa quả, v.v… Bây giờ một tuần may ra mới kiếm được chừng đấy”.
Cái nghèo lại đẩy nhiều cá nhân đến với việc buôn người. Ngôi làng Khalil tại Mali cách không xa biên giới Algeria đã trở thành trung tâm của bọn buôn người. Quân đội Algeria suýt nữa gây ra chiến tranh khi truy đuổi một đoàn người vượt biên trái phép đến tận Khalil. Nhưng mặc cho áp lực từ Mali và Algeria, những đối tượng buôn người vẫn công khai hoạt động. Dân cư địa phương che chở cho chúng do buôn người là cách duy nhất để họ kiếm tiền sống.
Các nhóm phiến quân Hồi giáo lợi dụng sự phẫn nộ của người dân địa phương để tuyển mộ thêm thành viên. Trùm khủng bố Iyad Ag Ghaly đang đứng đầu danh sách những đối tượng bị Pháp truy nã toàn cầu. Quân đội Algeria biết y đang lẩn trốn gần thành phố biên giới Tin Zaoutine nhưng không thể nào bắt được hắn. Lý do là vì trong số 10.000 người dân sống tại thành phố, không ít đã gia nhập nhóm phiến quân của Iyad Ag Ghaly. Họ hầu hết là thanh niên mất việc làm vì hệ thống tường cát. Ngày nay có những quận tại Tin Zaoutine do bọn khủng bố trực tiếp quản lý không khác gì chính quyền cơ sở cả.
Christian Forrester, nguyên cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Tây Phi, cho rằng: “Những bức tường chỉ là biện pháp tạm thời để các nước đối phó với vấn đề kiểm soát biên giới. Họ không hề đi đến “tận gốc” của vấn đề. Trong bối cảnh thiên tai, nạn đói và chiến tranh đang càng trở nên nghiêm trọng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một thảm họa nhân đạo thảm khốc xảy ra dưới chân tường… Điều mà cộng đồng thế giới cần làm ngay bây giờ là giúp các nước Tây Phi vượt qua khó khăn, đồng thời kêu gọi họ phá bỏ ngay hệ thống tường cát”.