Vận may đảo ngược của hai hãng bán dẫn Mỹ: Intel thất thế, Broadcom bùng nổ
2024 là một năm trọng đại đối với ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, nhưng không phải với công ty tiên phong Intel.
Intel, nhà sản xuất chip 56 tuổi do 3 “huyền thoại” Gordon Moore, Robert Noyce và Arthur Rock sáng lập, đã trải qua năm tồi tệ nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 1971 khi đánh mất 61% giá trị.
Câu chuyện trái ngược lại diễn ra ở Broadcom, tập đoàn chip do CEO Hock Tan điều hành, cách trụ sở Santa Clara của Intel khoảng 15 dặm.
Khép phiên giao dịch ngày 30/12, cổ phiếu Broadcom tăng 111% trong năm nay.
Nguyên nhân đứng sau bức tranh đối lập này là trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu Broadcom tận dụng thành công làn sóng AI, Intel lại hầu như bỏ lỡ chuyến tàu.
Vận mệnh thay đổi của hai nhà sản xuất chip nhấn mạnh tính chất biến động tự nhiên của ngành công nghệ và một vài quyết định then chốt sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ - thậm chí nghìn tỷ - USD vốn hóa thị trường.
Broadcom phát triển chip tùy chỉnh cho Google và các doanh nghiệp đám mây khác. Hãng cũng làm thiết bị mạng phục vụ các cụm máy chủ lớn, tập hợp hàng nghìn chip AI khác nhau.
Dù không nổi tiếng như Nvidia, chip AI XPU của Broadcom là một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái AI. XPU nhìn chung đơn giản hơn, vận hành rẻ hơn so với GPU của Nvidia. Chúng được thiết kế để chạy các chương trình AI chuyên biệt một cách hiệu quả.
Chip của Broadcom không dành cho tất cả mọi người vì chỉ có số ít công ty, bao gồm Meta, Google, Microsoft, Oracle… đủ khả năng thiết kế và xây dựng bộ xử lý tùy chỉnh.
Trong cuộc họp báo cáo kinh doanh ngày 12/12/2024, CEO Tan cho biết trong hai năm, các doanh nghiệp có thể chi từ 60 đến 90 tỷ USD cho XPU.
Trong khi đó, Intel – công ty thống trị thị trường chip Mỹ trong hàng thập kỷ - vừa thua kém rất xa đối thủ Nvidia về chip máy chủ, vừa đánh mất thị phần vào tay AMD và chi tiêu lớn cho các nhà máy mới. CEO Pat Gelsinger nghỉ hưu từ ngày 1/12/2024 sau một năm biến động.
Trước năm 2024, năm tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán của Intel là 1974, khi cổ phiếu giảm 57%. “Mầm mống” tai họa của hãng được gieo từ nhiều năm trước khi bỏ lỡ làn sóng chip di động trước Qualcomm, ARM và Apple.
Đối thủ lâu năm AMD cũng dần xâm chiếm thị trường CPU máy tính và máy chủ nhờ quan hệ với xưởng đúc chip TSMC. Công nghệ sản xuất của Intel đi sau TSMC nhiều năm, dẫn đến các CPU chậm hơn và tốn năng lượng hơn.
Tuy nhiên, cú sảy chân đắt giá nhất của Intel lại chính là AI. GPU của Nvidia – ban đầu được thiết kế cho video game – hiện là phần cứng quan trọng để phát triển các mô hình AI.
CPU của Intel – trước đây là thành phần quan trọng nhất và đắt nhất trong máy chủ - không còn được xem trọng. GPU Nvidia sẽ bán trong năm 2025 thậm chí không còn cần đến CPU Intel mà dùng chip trên nền ARM.
Nếu Nvidia ghi nhận tăng trưởng doanh thu ít nhất 94% trong 6 quý liên tục vừa qua, Intel ngày càng co hẹp. Doanh số giảm 9 trong 11 quý. Vào tháng 8/2024, công ty thông báo sa thải 15.000 lao động, tương đương 15% nhân sự.
Vấn đề chính của Intel là thiếu chiến lược AI toàn diện, theo CNBC. Dù nỗ lực phát triển tính năng AI trên chip laptop và ra mắt Gaudi 3 để cạnh tranh với Nvidia, chúng đều không được thị trường chú ý.
Intel dự định tách mảng đúc chip thành công ty độc lập với ban giám đốc riêng và gọi vốn bên ngoài. Song, cho đến nay, khách hàng chủ yếu của mảng đúc chip vẫn là Intel và khó đạt được doanh thu lớn trước năm 2027.
Broadcom hiện có vốn hóa 1,1 nghìn tỷ USD và là hãng công nghệ thứ 8 của Mỹ đạt cột mốc này. Hãng đứng thứ hai chỉ sau Nvidia (3,4 nghìn tỷ USD) trên thị trường bán dẫn. Cổ phiếu Nvidia năm nay tăng 178%.
Chỉ mới bốn năm trước, Intel vẫn còn là nhà sản xuất chip giá trị nhất thế giới với vốn hóa gần 300 tỷ USD vào đầu năm 2020. Nay, công ty chỉ còn giá trị khoảng 85 tỷ USD và bị Nvidia thế chân trong chỉ số Dow Jones Industrial Average.
Họ cũng đang đàm phán để bán một số mảng kinh doanh cốt lõi. Intel nay đứng thứ 15 về vốn hóa trong số các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
(Theo CNBC)