Văn minh hóa các trạm trung chuyển rác lưu động
Mặc dù đã có quy định về điểm thu gom, song do vướng mặt bằng cũng như lượng rác thải phát sinh, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố vẫn phải dùng lòng đường làm nơi trung chuyển rác. Và, dù lực lượng môi trường đô thị đã hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm nhưng người dân trong khu vực vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.
Lòng đường thành nơi “cẩu rác”
Ngã tư Linh Lang – Phan Kế Bính, vào cuối buổi chiều hằng ngày luôn có từ 3-4 thùng rác, vào lúc cao điểm buổi tối có thời điểm lên đến gần chục thùng, tất cả đều chất đầy các loại rác thải sinh hoạt, bốc mùi hối thối. Vào những ngày nắng nóng mùi hôi thối phát tán càng mạnh, khi trời mưa lớn, nước bẩn từ thùng rác thải rỉ ra đường, làm tăng nguy cơ phát tán bệnh tật. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, những thùng rác thải được tập kết ven đường còn làm mất mỹ quan đường phố, gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người đi đường, nhất là vào buổi tối.
Bà Nguyễn Thị Phương, người dân sinh sống tại phố Phan Kế Bính cho biết, tình trạng nói trên đã kéo dài nhiều năm trở lại đây, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao. Trên thực tế, tại nhiều khu vực khác trên địa bàn Thành phố, tình trạng dùng lòng đường làm nơi tập kết rác vẫn diễn ra. Đây là thực trạng chung của rất nhiều khu vực tại Hà Nội. Đơn cử như điểm tập kết trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), ngã tư phố Triệu Việt Vương – Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng)… tình trạng tập kết xe rác dưới lòng đường làm nơi trung chuyển vẫn diễn ra hàng ngày. Đặc biệt, theo quan sát của PV, dù không thường xuyên nhưng vẫn có tình trạng xe cẩu rác hoạt động vào giờ cao điểm buổi chiều gây ùn ứ, ách tắc giao thông trong khu vực.
Trao đổi về việc này, lãnh đạo một số phường trên địa bàn đều gặp khó khăn chung đó là không có khu vực nào đúng nghĩa là nơi “cẩu rác”. Theo quy định, khu vực cẩu rác đạt chuẩn phải là nơi cách xa khu dân cư và không ảnh hưởng đến giao thông, tuy nhiên thực tế không phải điểm nào cũng phù hợp với quy định do đó địa phương đành tận dụng các bãi đất trống, hoặc khu vực ít dân cư để làm điểm tập kết. Việc làm này là để giải bài toán trước mắt còn về lâu về dài vẫn chưa có câu trả lời.
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, việc chưa xây dựng các trạm trung chuyển chủ yếu là do các quận chưa bố trí được quỹ đất thích hợp. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng giờ quy định, vứt rác bừa bãi ra lòng đường, hè phố và nơi công cộng gây khó khăn cho lực lượng duy trì vệ sinh.
Để duy trì vệ sinh môi trường trong khu vực, ông Tiến cho biết, hiện tại Công ty đã lắp đặt được tổng cộng 4367 thùng rác bao gồm các loại 660 lít; 240 lít và 50 lít, đây đều là hàng nhập khẩu từ Pháp, có cơ cấu chân đạp mở nắp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bỏ rác. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tiến, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp cải tiến công nghệ, điều hành, tổ chức sản xuất. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với chính quyền các quận, huyện tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao hơn nữa chất lượng duy trì vệ sinh môi trường.
Thực tế, tại khu vực nội đô, từ năm 2016, 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã cơ giới hóa thu gom rác, các điểm tập kết dù vẫn còn gây ảnh hưởng nhưng cũng đã được chấn chỉnh hơn. Song trên địa bàn các quận khác, công tác này vẫn thực hiện bằng xe gom rác đẩy tay, điều này đã dẫn đến tình trạng thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gom tại mặt phố, đầu ngõ gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-minh-hoa-cac-tram-trung-chuyen-rac-luu-dong-60699.html