Văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
Tại Đồng Nai, thời gian qua ngày càng có nhiều địa phương, hộ gia đình tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Dù là xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều phong tục ăn sâu vào nếp nghĩ nhưng bà con ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) thực hiện khá nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
* Những chuyển biến…
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Tà Lài Ka Điều cho biết, ban đầu việc thực hiện đúng quy định nếp sống văn minh trong đồng bào là chuyện không hề đơn giản, bởi đây là vấn đề liên quan đến tâm linh, tình cảm và truyền thống tồn tại nhiều đời trong cộng đồng. Tuy nhiên, bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đã dần vận động bà con thực hiện những quy định trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trên thực tế hiện nay ở huyện Tân Phú vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc thực hiện việc tang. Một số gia đình có điều kiện kinh tế vẫn còn tổ chức đám tang kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định hủ tục dẫn đến việc nhắc nhở vi phạm còn chưa kịp thời.
Bằng chứng cụ thể là đám cưới của đồng bào hiện nay không còn tục thách cưới, tổ chức ăn uống linh đình dài ngày mà thu hẹp trong dòng họ và bạn bè thân thích. Các hủ tục đã giảm về số lượng, người ốm đau đã biết tìm đến trạm xá gặp bác sĩ thay vì tìm thầy mo, thầy cúng. Gia đình nếu có người qua đời được cộng đồng dân cư quyên góp giúp đỡ, được chôn cất đúng quy định.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Tâm, vài năm trở lại đây, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Tân Phú được người dân chấp hành tương đối tốt. Hầu hết các chủ trương đều được đưa vào quy ước, hương ước gắn với phong tục tập quán và thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể.
Ở phường Xuân An (TP.Long Khánh), gần 5 năm nay có đến trên 90% các đám tang không để quá 48 giờ, không rải vàng mã trên đường từ nhà đến nghĩa trang, không tổ chức rình rang, tốn kém. Mỗi khi ở phường có người qua đời, bao giờ cũng có bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận cùng đến thăm, bàn bạc với gia đình về nội dung tổ chức đám tang.
Đặc biệt từ năm 2015, phường Xuân An triển khai mô hình thư chúc mừng (đám cưới, chào mừng công dân mới ra đời) hay thư chia buồn đến người dân (hộ có người mất). Phía sau mỗi thư là những lưu ý như: tổ chức cưới cần tuân thủ theo quy định, trang trọng nhưng tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không dựng rạp, mái che, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường. Tổ chức tang lễ phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không mê tín dị đoan, hạn chế việc rải vàng mã và các hủ tục lạc hậu khác.
Chủ tịch UBND phường Xuân An Trần Văn Kim cho hay: “Khi mới thực hiện, mô hình này gặp không ít lời ra tiếng vào, có người còn tỏ ra không đồng tình nhưng phường vẫn kiên trì triển khai. Dần dà, suy nghĩ của người dân thay đổi. Không ai bảo ai, nhà nào có đám cưới, đám tang cũng tuân thủ và thực hiện đúng quy định. Hiện, mô hình này đã được nhân rộng ra các xã, phường khác của TP.Long Khánh”.
Với phương châm “lấy dân vận động dân”, đến nay việc trả hiếu, trả thảo sau đám tang của người dân Định Quán không còn diễn ra linh đình như trước. Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán Thiều Quang Tân cho biết, nếu như trước đây, khi nhà có người thân qua đời, đến 49 ngày, 100 ngày hay giỗ đầu… phải làm cỗ trả hiếu linh đình thì đến nay, lễ trả hiếu, trả thảo ở Định Quán được tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng tộc, người thân. Riêng trong đám tang, việc mở nhạc quá lớn, quá thời gian quy định đã được hạn chế. Đặc biệt, không còn hình ảnh lăn đường trên đường đưa tang, cúi người luồn dưới quan tài, hạn chế việc chôn người chết trong vườn, rẫy hay mê tín dị đoan như gọi hồn…
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần duy trì, giữ gìn những phong tục tập quán tiến bộ. Các địa phương thường xuyên lồng ghép các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào nội dung quy ước ấp, khu phố” và gắn với tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa.
Các lễ hội cũng diễn ra theo đúng quy định và nghi thức truyền thống trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Nhiều lễ hội đầu năm thu hút đông đảo khách thập phương đến dự lễ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đốt vàng mã, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong lễ hội... đã được giảm thiểu. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các trường hợp vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội thì ở một số địa phương ý thức thực hiện vẫn chưa cao, vẫn còn một số hiện tượng như: xin ăn, xả rác bừa bãi, ăn mặc phản cảm, đốt vàng mã không đúng nơi quy định trong lễ hội, rải vàng mã trên đường đưa tang… Do vậy, để nâng cao hơn nữa ý thức cũng như việc chấp hành quy định pháp luật của người dân, theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) Trần Anh Thơ, rất cần sự phối hợp của các cấp, các ngành và đoàn thể.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bổ sung hoàn thiện quy ước, hương ước của địa phương cho phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kịp thời chấn chỉnh xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.