'Vẫn mong một ngày tìm được anh ấy'
Trong căn nhà nhỏ ở kiệt 19/26 Hà Huy Tập (P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), bà Trần Thị Thìn, cựu nữ biệt động nhớ về một kỷ niệm không bao giờ quên. Miền ký ức ấy càng khắc khoải hơn bởi nỗ lực tìm kiếm đồng đội vẫn chưa thành.
Trong căn nhà nhỏ ở kiệt 19/26 Hà Huy Tập (P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), bà Trần Thị Thìn, cựu nữ biệt động nhớ về một kỷ niệm không bao giờ quên. Miền ký ức ấy càng khắc khoải hơn bởi nỗ lực tìm kiếm đồng đội vẫn chưa thành.
Từ căn hầm chữ A...
Nữ CCB tuổi xấp xỉ 70 vẫn giữ được một thời xuân sắc với vóc dáng cao ráo, lúm đồng tiền thật sâu. "Kiểu này chắc hồi trẻ cô gieo thương nhớ cho nhiều anh giải phóng quân lắm đây"- tôi đùa cứ nghĩ bà sẽ vui, vậy mà đôi mắt ấy lại nhìn xa xăm: "Vì thế mà cô day dứt lắm. Giá như có thể tìm được anh ấy...".
Chiếc hộp ký ức như mở ra đưa người con gái gốc xã Duy Trinh (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) trở về một thời hoa lửa. Qua tuổi trăng tròn, Trần Thị Thìn đã hoạt động trong Đại đội Lê Độ. Lúc đầu chỉ là giữ em, giúp việc trong các gia đình ở Đà Nẵng để nắm tin tức, giao liên, vận chuyển vũ khí; sau đó làm cứu thương, theo các anh biệt động tham gia các trận đánh. Năm 1969, cô gái được đưa lên núi học y tá nhưng mới đến thôn 3, Điện Thái (nay là Điện Thọ, Điện Bàn) thì được giữ lại phục vụ xưởng quân giới X74 của Mặt trận 4 Quảng Đà.
Nơi đóng quân của tổ quân giới là một khúc quẹo của sông Thu Bồn, cách cầu Kỳ Lam chừng 5 km. Đây là bãi bồi, cây sặt, lát ken dày. Cách xa nữa là những đồng mía, hoa màu của nhân dân. Phía trước, bên kia sông là bạt ngàn đám bói xanh rì, nơi trú ẩn của đội phẫu dân y Mặt trận 4.
Những căn hầm chữ A dọc bờ sông được ngụy trang bằng chính lùm cây lúp xúp trên bãi. Công sự nhỏ lộ thiên vừa đủ để ban ngày có thể ra làm việc, chủ yếu là buổi chiều. Buổi sáng máy bay địch thường do thám, oanh tạc hoặc kéo quân từ trong làng ra.
Tổ quân giới chưa đến chục người. Nữ y tá Trần Thị Thìn ngoài công việc chuyên môn còn giúp cho tổ những công đoạn đơn giản để chế tạo vũ khí. Vì thế mà không ít lần chạm mặt với anh chiến sĩ quân giới Lê Văn Dấm. Ấn tượng về anh là gương mặt sáng, nụ cười hiền hậu, tiếng Bắc nhẹ nhàng. Thi thoảng khi cô ra sông gội đầu mái tóc đen mượt dài quá gối của tuổi 17, hong khô, bết lại đôi sam rồi cuộn lên mái đầu, anh đều lén nhìn hồi lâu rồi quay đi. Còn cô, với kỷ luật của một chiến sĩ biệt động, không dám nghĩ đến gì khác ngoài nhiệm vụ. Có lần cô nghe từ hầm của anh tiếng cười nói rộn rã. Thì ra anh vừa nhận thư từ gia đình ngoài Bắc gửi vào. Người đồng đội trêu: "Mày viết thư về nói với mẹ là sẽ lấy vợ miền Nam, xem ý bà thế nào?". Anh trả lời: "Mẹ mình không thích con trai lấy vợ trong này đâu, vì nghĩ con gái ở đây hung lắm, đánh giặc còn không sợ cơ mà". Lại câu hỏi của bạn: "Mẹ mày ở đâu"- "Ở nhà máy dệt Nam Định"... Vừa nghe vừa mỉm cười, mẩu đối thoại này không hiểu sao in hằn trong ký ức của cô gái.
Cuộc sống cứ trôi trong bình yên thấp thỏm của cuộc chiến tranh. Một chiều cuối đông của năm 1969, Thìn đang ở trong hầm thì nghe tiếng máy bay Mỹ vút qua sau đó có người chạy về báo: "Anh Dấm bị trúng rốc két rồi. Cấp cứu mau!". Cô xách túi quân y chạy theo đồng đội. Cách chừng 1km, họ thấy anh nằm sõng soài, mảnh đạn trúng vào trán. Cô vội băng bó cho anh rồi cùng mọi người đưa về căn hầm chữ A trống gần đó. Hơi thở anh đứt đoạn, sự sống mong manh.
Tâm niệm dở dang
Đêm đó trong căn hầm, mọi người bất lực và lo lắng. Dự định địch không phong tỏa, ngày hôm sau sẽ đưa anh lên bệnh xá 78 của Tỉnh đội trên Hòn Tàu. Khi cô kiểm tra vết thương trên trán thì anh cầm tay cô áp lên trái tim mình. Môi mấp máy như muốn nói điều gì đấy mà không thành lời. Lần tìm bàn tay của cô có chiếc nhẫn (mẹ cô cho phòng thân khi đi làm biệt động), anh nhẹ nhàng rút ra đeo vào ngón út của mình, rồi lại đeo vào ngón tay cô, cứ như vậy mãi. Ngượng ngùng, cô rút nhẹ tay ra, bảo các bạn nữ khác vào chăm sóc anh. Anh biết và không hề nắm tay như đã làm với cô. Cô đưa mắt cầu cứu chủ nhiệm quân y Bùi Hồng Khanh cũng đang ở đó. Ông bảo: "Chắc Dấm để ý đến em thầm kín bấy lâu, muốn nói gì đó, thôi cứ để cậu ấy nắm tay một chút". Vậy là đêm hôm đó ở trong hầm, giữa những lúc tỉnh, người chiến sĩ quân giới lại áp bàn tay cô y tá vào ngực mình. Có lẽ anh muốn bày tỏ tấm chân tình hay muốn gửi gắm sau này lỡ anh hy sinh thì báo về cho gia đình biết. Cứ thế cả đêm dài trôi qua rồi đến sáng hôm sau, nữ y tá Thìn cảm thấy bàn tay anh đang nắm tay mình từ từ lạnh dần, rồi thả ra bất động. Trái tim dưới đôi bàn tay cũng ngừng đập. Gương mặt anh không còn giọt nước mắt mà giãn ra thanh thản. Cả căn hầm òa lên tiếng khóc. Không có gì để làm dấu, mọi người chỉ biết ước lượng khoảng cách từ nơi chôn cất anh đến khúc quẹo bờ sông. Xa hơn nữa là chiếc xà lan của Mỹ neo ở phía Tây. Vài tháng sau, cô gái cũng đi học rồi trở lại biệt động Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng.
Cuộc sống khó khăn sau khi lập gia đình đã hút hết sức lực của bà Thìn. Hưởng chế độ mất sức, phụ cấp không bao nhiêu, bà cùng chồng (cũng từ chiến khu xuống) chật vật nuôi hai con nhỏ. Sau này những giấc mơ và điềm báo lạ cứ thôi thúc bà phải làm một việc gì đấy để giải tỏa niềm day dứt. Bà Thìn kể: "Thời gian năm 2006, tôi cứ như thấy trước mắt mình, anh Dấm với vết thương trắng xóa trên đầu. Vậy là tôi quyết tâm tìm gia đình anh ấy từ một thông tin duy nhất: Mẹ làm ở nhà máy dệt Nam Định".
Nghĩ là làm, bà Thìn đã viết thư ra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định. May mắn là nửa tháng sau, bà nhận được thư của Sở thông báo cha mẹ liệt sĩ Dấm ở Hà Nam. Quá mừng rỡ, bà liên lạc với tỉnh Hà Nam và nhận được thông tin rằng, liệt sĩ quê ở xã Thanh Hà, H. Thanh Liêm. Chỉ thời gian ngắn sau, một người thân của gia đình liệt sĩ đã vào cung cấp cho bà tấm ảnh binh nhất Lê Văn Dấm. Trước đó người thân của liệt sĩ từng nhiều lần vào Quảng Nam tìm nhưng vô vọng.
Với sự giúp đỡ của Ban liên lạc biệt động thành phố, bà Thìn cùng gia đình liệt sĩ Dấm nhiều lần vào xã Điện Thọ tìm kiếm. Không còn đâu ra dấu tích năm xưa, bởi hiện nay đã là bờ bãi bạt ngàn hoa màu. Vào nghĩa trang liệt sĩ xã, bà dò hỏi nhưng không ai có thể biết được gì về người chiến sĩ quân giới. Có thể anh đã được đưa vào với cái mộ vô danh. Dọc bờ sông này, có rất nhiều bộ đội đã ngã xuống, số có tên chỉ rất nhỏ nhoi.
Nữ CCB Trần Thị Thìn giãi bày: "Vẫn biết chỉ có phép mầu, vậy mà vẫn mong một ngày nào đó tìm được hài cốt anh ấy. Như vậy là tôi thỏa niềm day dứt bấy lâu".
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_225555_-van-mong-mot-ngay-tim-duoc-anh-ay-.aspx