Vấn nạn bắt cóc ở Nam Phi

Đất nước Nam Phi không còn lạ gì với nạn bắt cóc. Vào những năm đầu thập niên 1990, quốc gia này trải qua một giai đoạn rối ren do chuyển đổi từ chế độ Apartheid sang nhà nước dân chủ toàn dân. Các băng đảng tội phạm có cơ hội tự do hoành hành. Người nào ra đường cũng canh cánh nỗi lo bị chúng trấn lột hay tệ hơn là bắt cóc.

Hiện tượng này phổ biến đến mức nhà sáng chế Charl Fourie đã nghĩ ra một loại súng phóng lửa gắn vào cửa xe ô tô. Khi gặp kẻ bắt cóc, tài xế chỉ cần bấm nút để phóng ra ngọn lửa che kín cả bốn cửa xe. Những năm gần đây số vụ bắt cóc tại Nam Phi lại tăng mạnh. Chính quyền và người dân quốc gia này đang lúng túng không biết làm sao đối mặt với vấn nạn này.

Nỗi sợ hằng ngày

Trong một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu an ninh thế giới ISS thì trong số 65 quốc gia, Nam Phi là nước có tỷ lệ bắt cóc cao thứ ba: 9,6 vụ/100.000 người. Còn theo số liệu của cảnh sát Nam Phi, trong vòng 10 năm qua số vụ bắt cóc đã tăng 133%. Chỉ khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì xu hướng này mới quay ngược đầu giảm 9% trong năm 2021. Hiện nay trung bình một ngày ở Nam Phi xảy ra 23 vụ bắt cóc.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có 5% số vụ bắt cóc tại Nam Phi để đòi tiền chuộc; phần lớn nạn nhân bị bắt cóc bởi những kẻ đi ăn cướp (cướp ngân hàng hoặc siêu thị, v.v…) hay có ý định hãm hiếp họ. Có 45,8% số nạn nhân bị bắt cóc là trẻ em và thiếu niên. Một xu hướng đáng chú ý là số lượng các vụ “bắt cóc” trong các trường hợp cha mẹ đã ly dị (thực chất là nuôi con trong khi không được tòa giao quyền giám hộ) đang tăng lên.

Đấy là số liệu thống kê, còn mức độ nghiêm trọng của các vụ bắt cóc thì sao? Cách đây chưa lâu, người dân thành phố Cape Town vẫn chưa hết bàng hoàng vì một vụ bắt cóc táo tợn diễn ra ban ngày ban mặt ngay trước cổng trường tiểu học. Các em học sinh đang đứng chờ để được đo thân nhiệt thì bất ngờ có một chiếc Toyota Yaris đỗ xịch. Ba người đeo mặt nạ xách súng xuống xe, gọi tên một học sinh nữ 11 tuổi, rồi xách cô bé lên xe trước sự sững sờ của đám đông.

Đây chỉ là một trong những vụ bắt cóc táo tợn xảy ra tại Nam Phi trong thời gian gần đây. Mặc cho người dân nâng cao cảnh giác và cảnh sát bố trí thêm lực lượng túc trực, các đối tượng tội phạm có vũ trang tiếp tục thực hiện bắt cóc giữa ban ngày.

Theo ông John Gwenda, cố vấn an ninh cho nhiều nhân vật chính trị tại Nam Phi, thì: “Các băng nhóm tội phạm có tổ chức lựa chọn vì độ rủi ro không quá cao. Trong hầu hết trường hợp, người nhà nạn nhân không báo ngay cho cảnh sát mà sẽ tìm cách thương lượng với những kẻ bắt cóc. Trong khi đó, các băng nhóm lại được vũ trang, có kinh nghiệm, và sở hữu mạng lưới khai thác thông tin nạn nhân. Trong bối cảnh đó, thật khó để nhà cầm quyền có thể tóm gọn những kẻ bắt cóc”.

Các bậc phụ huynh Nam Phi đang hằng ngày canh cánh nỗi lo sợ con bị bắt cóc.

Các bậc phụ huynh Nam Phi đang hằng ngày canh cánh nỗi lo sợ con bị bắt cóc.

Phần “mạng lưới khai thác thông tin nạn nhân” mà ông Gwenda đề cập tới liên quan đến một số liệu mới được cảnh sát Nam Phi công bố: 60% vụ bắt cóc được chỉ đạo bởi một hay nhiều đối tượng có quan hệ với gia đình nạn nhân. Từ trước khi thực hiện bắt cóc, những kẻ tội phạm đã biết thời khóa biểu hằng ngày của nạn nhân, người nhà giàu có đến mức nào để đòi bao nhiêu tiền chuộc, v.v…

Ông Kyle Condon, Giám đốc Công ty thám tử tư Condon, cho biết: “Những kẻ bắt cóc luôn phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Bắt cóc người giàu có thì chúng có thể đòi được nhiều tiền hơn, nhưng sẽ phải chịu sự truy bắt gắt gao hơn không chỉ từ cảnh sát mà còn cả gia đình nạn nhân. Ngược lại, bắt cóc người nghèo thì dễ trốn tránh hơn, nhưng lại thu được ít tiền chuộc”.

“Tôi từng chứng kiến một gia đình trả 50 triệu rand để người nhà của họ được tự do. Điều đáng quan tâm là số tiền này được chi cho một tài khoản ở Brazil, sau đó chuyển đổi sang Bitcoin. 50 triệu rand mà đổi sang Bitcoin cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng đổi lại những kẻ bắt cóc tránh được việc bị cảnh sát lần theo số tiền”, ông Kyle Condon nói.

Nguy hiểm hơn nữa là các đối tượng tội phạm lại đang hướng sự chú ý về vùng nông thôn, nơi lực lượng cảnh sát mỏng hơn và người dân ít hiểu biết luật pháp. Khu vực biên giới Nam Phi - Mozambique đang là điểm nóng trong cuộc chiến chống bắt cóc. Không ít vụ bắt cóc được thực hiện bởi những tay súng Mozambique dưới sự chỉ đạo của tội phạm Nam Phi. Các đối tượng này sau đó lại chạy sang Mozambique để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát. Trường hợp bé gái 11 tuổi kể trên là một ví dụ. Hiện nay nhà chức trách Nam Phi và Mozambique đang phối hợp mở một cuộc truy tìm ở cả hai bên biên giới.

Cảnh sát và phụ huynh đứng ngoài cổng ngôi trường nơi vừa xảy ra một vụ bắt cóc.

Cảnh sát và phụ huynh đứng ngoài cổng ngôi trường nơi vừa xảy ra một vụ bắt cóc.

Vết thương khó lành

Cô Lesego Tau, 26 tuổi, làm nghề bán hoa quả ở Johannesburg. Một buổi chiều chủ nhật nọ, cô lái xe van chở hàng tới chợ. Nhưng khi Tau vừa mở cửa ôtô thì hai người lạ mặt tiến tới, một người nhảy lên xe còn người kia đứng chặn ở cửa. Gã đàn ông chĩa súng vào đầu cô buộc Tau lái xe đến vùng ngoại ô. Lesego Tau đã bị bắt cóc.

Nạn nhân kể lại: “Trên đường lái xe tôi liên tục cầu xin họ thả tôi ra, nhưng hắn ta dùng báng súng đánh vào đầu tôi. Tôi lái xe đến một chỗ vắng vẻ thì họ bảo tôi xuống. Đầu tiên họ khám người tôi lấy ví tiền và điện thoại. Sau đó họ yêu cầu tôi gọi điện cho người nhà để đòi tiền chuộc…Họ giữ tôi trong một căn nhà bỏ hoang khoảng năm tiếng đồng hồ. Nhân lúc một gã đi vệ sinh, tôi mới bỏ chạy được”.

Tuy Lesego Tau đã chạy trốn thành công, nhưng vết thương tâm lý vẫn còn hằn trong cô. Tau và người nhà hiện nay ăn ngủ không yên. Họ lo sợ mình bị trả thù vì bọn bắt cóc rõ ràng đã biết tên cô từ trước. Bây giờ cả việc đến chợ bán hàng Tau cũng không dám đi một mình mà phải có người nhà cùng lên xe.

Vấn nạn bắt cóc đang phủ bóng đen lên Nam Phi.

Vấn nạn bắt cóc đang phủ bóng đen lên Nam Phi.

Người dân Nam Phi, đặc biệt là tầng lớp lao động, đang phải sống hàng ngày cùng nỗi lo sợ bị bắt cóc. Một vụ bắt cóc có thể diễn ra và được giải quyết trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ- trong nhiều trường hợp người nhà chỉ cần trả tiền qua ví điện tử là con cháu họ được thả. Nhưng vết thương tâm lý còn ở lại với nạn nhân khó mà chữa lành được. Họ sợ không chỉ người lạ mà cả các khuôn mặt thân quen với mình. Ai mà biết chắc rằng có hay không người quen đã cung cấp thông tin cho bọn bắt cóc?

Theo một cuộc điều tra của báo Daily Sun, có đến 86% trẻ em được họ phỏng vấn cho biết tính cách các em thay đổi hoàn toàn sau khi bị bắt cóc. Các em trở nên thụ động hơn, ít giao tiếp hơn, dễ nổi nóng hay hoảng hốt hơn. Đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh nhân mắc hội chứng sang chấn tâm lý hậu khủng hoảng. Nếu như các em không được sớm chữa trị, quá trình trưởng thành cả về cơ thể lẫn tâm lý của các em sẽ bị thui chột.

Đi tìm giải pháp

Ông Kyle Condon nhận xét: “Số lượng các vụ bắt cóc khó mà giảm trong tương lai gần. Lệnh phong tỏa giãn cách vẫn được áp dụng tại nhiều nơi ở Nam Phi. Các băng đảng tội phạm vẫn chưa thể quay trở lại những cách kiếm tiền truyền thống của mình - thu tiền bảo kê, kinh doanh vũ trường, tổ chức sòng bài, v.v…Chúng vẫn sẽ phải dựa vào bắt cóc như nguồn thu nhập chính”.

Kyle Condon cho biết thêm: “Nhìn ra xa hơn, tình hình chính trị tại các nước láng giềng Namibia và Zimbabwe vẫn chưa ổn định lại. Các băng đảng tại hai quốc gia này nhân lúc rối loạn đã và đang liên kết với tội phạm Nam Phi để che chở cho những kẻ bắt cóc. Tôi mong rằng chính phủ và các cơ quan hành pháp trong khu vực có thể đẩy mạnh những hoạt động hợp tác để đẩy lùi liên minh tội ác này”.

Một vụ bắt cóc trẻ tại nhà hàng bị camera ghi lại.

Một vụ bắt cóc trẻ tại nhà hàng bị camera ghi lại.

Đúng như nguyện vọng của ông Condon, hồi đầu năm nay Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Bheki Cele đã tuyên bố thành lập cục điều tra các vụ bắt cóc. Hàng loạt các đội điều tra chuyên nghiệp sẽ được đặt dưới sự quản lý chung của cục này và cơ quan công tố địa phương.

Chưa hết, cục điều tra sẽ xúc tiến việc hợp đồng tác chiến với những tổ chức hành pháp nước ngoài và Interpol. Với nhiều quyền hạn và công cụ hơn, cục điều tra được hy vọng sẽ sớm đưa những nhóm tội phạm có tổ chức ra trước vành móng ngựa.

Mặt khác, các nhà chức trách Nam Phi đang bỏ nhiều công sức cho hoạt động giáo dục và tuyên truyền. Hệ thống các trường tiểu học và trung học tại nước này vừa mới đưa vào chương trình đào tạo các nội dung liên quan đến phòng vệ cá nhân. Các em được dạy về cách xử trí khi bị bắt cóc; làm sao để không lộ thông tin cá nhân, v.v…

Rồi chính học sinh sẽ là chất xúc tác cho việc giáo dục cha mẹ các em. Ngoài việc giúp người dân có kiến thức tự bảo vệ mình, các nhà chính sách còn mong sẽ giảm được phần nào tâm trạng bấn loạn trong xã hội hiện thời.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/van-nan-bat-coc-o-nam-phi-i646397/