Vấn nạn làm giả căn cước công dân và bằng lái xe

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí bắt giữ các đối tượng làm giả căn cước công dân, làm giả giấy phép lái xe nhưng tình trạng chào bán, sử dụng các loại giấy tờ giả nhiều năm nay vẫn tồn tại.

Người thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và người sử dụng giấy tờ tài liệu giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật đều bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phá các đường dây chuyên làm giả giấy tờ

Cùng với sự phát triển của công nghệ, thẻ căn cước công dân ngày nay đã tích hợp nhiều tính năng thể hiện thông tin dữ liệu cá nhân, đây là giấy tờ tùy thân quan trọng để xác định nhân thân một con người.

Đối tượng Đỗ Trung Kiên và Nguyễn Thành Long tại trụ sở Công an.

Đối tượng Đỗ Trung Kiên và Nguyễn Thành Long tại trụ sở Công an.

Thẻ căn cước công dân được cấp cho mỗi công dân theo trình tự thủ tục luật định, khi thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý, công dân xuất trình thẻ căn cước của mình để chứng minh nhân thân lai lịch. Thẻ căn cước công dân có thể sử dụng để mở tài khoản ngân hàng, để tham gia các hợp đồng, giao dịch dân sự và tham gia các hoạt động trên không gian mạng.

Chính vì tầm quan trọng của thẻ căn cước công dân như vậy và đặc điểm các hoạt động giao tiếp trên không gian mạng nên nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi làm giả thẻ căn cước công dân để lập các tài khoản mạng xã hội trái phép, lập tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp. Có những trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân giả để vay tiền rồi chiếm đoạt hoặc thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật nhằm che giấu thông tin bản thân...

Ngoài ra giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, bằng cấp chứng chỉ cũng là những thứ dễ được làm giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Có nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi làm giả như một nghề kiếm sống, quảng cáo công khai trên không gian mạng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Mới đây, ngày 31/7, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã triệt phá thành công đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ, lần đầu tiên phát hiện tại tỉnh Đắk Lắk.

Lực lượng công an đã xác định được 2 đối tượng chuyên làm giả, mua bán các loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức là Đỗ Trung Kiên (26 tuổi) và Nguyễn Thành Long (22 tuổi, cùng trú tại huyện Ea H’leo).

Tại cơ quan công an, Đỗ Trung Kiên khai nhận năm 2021 sau khi ra tù đã lên mạng xem và thấy việc làm giả giấy tờ đem lại lợi nhuận cao nên đặt mua máy móc, thiết bị rồi cùng đối tượng Long làm giả.

Các loại giấy tờ mà 2 đối tượng làm giả chủ yếu là các loại bằng cấp, chứng chỉ, bằng lái xe, căn cước công dân, chứng minh nhân dân. Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 3 máy tính, 2 máy in màu, 1 máy ép nhựa dẻo, gần 300 thẻ nhựa có in chữ giấy phép lái xe, cùng rất nhiều loại giấy tờ, tài liệu có liên quan.

Đây không phải là trường hợp lần đầu cơ quan công an triệt phá đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã phá đường dây làm giả căn cước công dân, giấy phép lái xe; bắt giữ G.V.Q. (31 tuổi, ở huyện Thanh Chương, Nghệ An), làm rõ vụ án mua bán, làm giả giấy tờ cho hàng trăm người trên cả nước...

Kẽ hở để các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, với các thẻ căn cước giả, giấy phép lái xe giả, người sử dụng có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau để giả danh người khác, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính, quản lý dân cư và tạo ra những mối nguy hại cho xã hội. Dưới góc độ pháp lý, hành vi làm giả thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật đều bị xử lý hình sự mức chế tài là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù với mức độ thấp nhất là 6 tháng và mức cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Ngoài ra, nếu sử dụng tài liệu con dấu giả là thẻ căn cước, giấy tờ bằng cấp chứng chỉ hoặc giấy tờ về tài sản ra để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với chế tài thấp nhất là 6 tháng tù, chế tài cao nhất là tù chung thân.

“Hiện nay có cả chế tài hành chính và chế tài hình sự đối với hành vi làm giả giấy tờ tài liệu và sử dụng giấy tờ tài liệu giả nhưng chưa có quy định rõ ràng về ranh giới khi nào xử phạt hành chính, khi nào xử lý hình sự dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vì nhiều đối tượng cho rằng, hành vi của mình có thể chỉ bị phạt hành chính nên cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi làm giả tài liệu con dấu và sử dụng tài liệu con dấu giả là thẻ căn cước, giấy phép lái xe thực hiện nhiều hoạt động trên mạng xã hội. Trong khi đó, quy định về thẩm quyền xử lý trên không gian mạng chưa rõ ràng dẫn đến chưa quy trách nhiệm của đơn vị quản lý, trách nhiệm phát hiện xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-nan-lam-gia-can-cuoc-cong-dan-va-bang-lai-xe.html