Vấn nạn lừa đảo qua điện thoại về học sinh phải cấp cứu đã lan tới nhiều địa phương
Khởi đầu từ TPHCM cách đây hơn 1 tuần, vấn nạn lừa đảo qua điện thoại với các bậc cha mẹ rằng con em họ phải cấp cứu đã lan ra nhiều địa phương khác. Sáng 16/3 đã ghi nhận hàng chục trường hợp tại Thái Nguyên.
Thầy giáo Trịnh Đức Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập (TP. Thái Nguyên), đã xác nhận về thực trạng vừa xảy ra nói trên.
Trước đó, nhà trường cũng đã nhận được thông báo của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên cảnh báo về việc có số điện thoại lạ gọi đến báo tin con bị tai nạn đang nằm viện và yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí. Nhà trường đã kịp thời thông báo đến 1.145 học sinh và các bậc phụ huynh. Nhờ vậy, các phụ huynh đều nắm được thông tin và gọi xác nhận với trường sau khi nhận cuộc gọi của đối tượng lừa đảo. Đến nay, không có trường hợp nào mắc lừa thủ đoạn trên.
Theo thông tin của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, từ đầu giờ sáng 16/3, có 5 phụ huynh học sinh ở một số trường học trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã nhận được cuộc gọi thông báo có con đang phải cấp cứu tại Bệnh viện, nên đã đến Khoa Cấp cứu để hỏi. Tuy nhiên, không có trường hợp học sinh nào là con của các phụ huynh này phải vào cấp cứu. Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đã liên hệ với Công an tỉnh để thông tin về sự việc trên.
Theo nhiều ý kiến, vấn nạn này sẽ còn tiếp tục lan rộng ra nhiều địa phương khác và các bậc cha mẹ khi nhận được cuộc gọi cần bình tĩnh và tỉnh táo để liên hệ với nhà trường và bệnh viện nhằm xác minh thông tin.
Cũng cần nói thêm, là bên cạnh các số điện thoại lạ tương đối dễ kiểm chứng, hiện đã có cả những công nghệ làm giả số điện thoại và nếu những kẻ tội phạm sử dụng thì những người cả tin sẽ dễ lầm tưởng là người thân của họ gọi đến nếu không xác minh lại.
Còn về thông tin là nếu không nộp ngay viện phí thì sẽ không được bệnh viện tiến hành mổ kịp thời, PGS. TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, nguyên tắc của ngành y tế là “cứu người như cứu hỏa” nên không bao giờ có chuyện phải nộp tiền thì bệnh nhân mới được nhân viên y tế, bác sĩ cấp cứu, điều trị. Khi bệnh nhân nhập viện thì chỉ yêu cầu khai thông tin cơ bản như họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ.
Ông cũng thông tin thêm, việc đóng viện phí không bao giờ là bắt buộc ngay lập tức, càng không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc chữa hay không chữa cho bệnh nhân. Vì thế, trường hợp có người lạ gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu chuyển tiền mới cấp cứu cho con cái thì phụ huynh phải cảnh giác, không nên làm theo lời kẻ xấu bảo.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và lừa đảo bằng công nghệ cao nói riêng cần có sự cảnh giác của tất cả mọi người. Chúng ta cần xác định đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao là một mặt trận lớn và quan trọng không kém đấu tranh với tội phạm ngoài đời thực.