Vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Thực phẩm chưa thể an toàn khi tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh, các loại chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn diễn ra.
Tại Hội thảo “Vai trò của Hiệp hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm” do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Bảo vệ Người tiêu dùng phối hợp với Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam tổ chức tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… thiếu kiểm soát hiện nay là nguyên nhân gây nên thời gian qua. Chính vì thế, cần có sự vào cuộc của các tổ chức hiệp hội cũng như cả cộng đồng để ngăn chặn vấn nạn này.
20% nông dân sử dụng hóa chất trong sản xuất
Nêu lên thực trạng hiện nay đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, PGS.TS Ngô Tiến Hiền, Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam cho biết, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất, chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi là nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, cũng là vấn nạn thực phẩm bẩn đáng báo động hiện nay.
PGS.TS Ngô Tiến Hiền đưa ra hàng loạt các dẫn chứng như việc dùng hóa chất để tăng trọng mỡ nước, dùng chất cấm làm giò chả, nem chua tại một số địa phương, hay việc ngâm cá, mực, tôm… với muối phốt phát tăng trọng, bơm thạch hóa chất vào tôm... đã và đang gây ra những mối đe dọa lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Mặc dù đã có sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng, song vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh, các loại chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi vẫn diễn ra. Số liệu thống kê cho biết, vẫn còn 20% nông dân sử dụng hóa chất trong sản xuất. Con số này thực sự đáng báo động đối với vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay”, PGS.TS Ngô Tiến Hiền cảnh báo.
Nhiều năm qua, lĩnh vực chăn nuôi luôn được coi là tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm nhất. Đặc biệt là khi vẫn còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ tràn lan… dẫn đến những bất cập lớn trong an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để làm tốt vấn đề về an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, từ nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất, đến các tổ chức xã hội và bản thân người tiêu dùng.
Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân chính gây nên thực trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay chính là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đã dẫn đến tình trạng giết mổ gia súc gia cầm tràn lan. “Hiện nay chỉ tính riêng Hà Nội có đến 750 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ. Đây chính là mầm mống gây nên các dịnh bệnh trên gia súc gia cầm”, ông Sơn cho hay.
Chăn nuôi theo chuỗi tăng an toàn thực phẩm
Câu chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã được nói đi nói lại nhiều năm qua, song cho đến nay, việc xử lý sao cho triệt để vẫn còn là câu hỏi bị bỏ ngỏ. Điều đáng nói là vấn nạn này lại được tạo nên bởi chính ý thức của cả nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Khó khăn đầu tiên là thiếu doanh nghiệp chế biến sâu, thứ nữa là thói quen tập quán khó thay đổi, người dân vẫn thích ăn thịt tươi dẫn đến rủi ro mất an toàn thực phẩm rất lớn.
Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có số lượng đàn gia súc gia cầm lớn thứ nhì cả nước, chỉ sau Đồng Nai. Các chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải loại bỏ dần các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ mới có thể hạn chế được tình trạng dịch bệnh trên vật nuôi, từ đó góp phần giảm thiểu vấn nạn thực phẩm bẩn.
Đặc biệt, để hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững, giảm thiểu tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi…Ông Nguyễn Ngọc Sơn chỉ rõ, để câu chuyện chăn nuôi hình thành theo chuỗi mới là lời giải cho bài toán phát triển bền vững, chấm dứt vấn nạn sử dụng chất cấm không kiểm soát.
Trong vòng 3 năm qua, tại Hà Nội đã xây dựng được nhiều chuỗi chăn nuôi liên kết, theo đó con số từ 11 chuỗi năm 2017 đến nay đã tăng lên 26 chuỗi. Đơn cử, mô hình “chung cư lợn” của HTX Hoàng Long được xây dựng chăn nuôi đàn lợn tập trung, xung quanh khu “chung cư” của HTX này người ta thả bèo tây. Theo Chủ tịch HTX Hoàng Long, việc nuôi thả bèo tây sẽ khiến rễ bèo hút hết các chất thải, chất độc thải ra môi trường, hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh.
“Các mô hình chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo chuỗi tương tự HTX Hoàng Long chính là lời giải cho bài toán phát triển chăn nuôi bền vững, cũng là chìa khóa cho mục tiêu hướng tới một nền sản xuất an toàn”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Chỉ rõ những thiếu sót trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Trần Thị Vân, thành viên Hiệp hội Tiêu dùng nữ Hà Nội cho rằng, thời gian qua việc tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong dư luận xã hội…
Hơn nữa, một trong những hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua là chưa phát huy được vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội cũng như người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại các cơ sở sản xuất…/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/van-nan-thuc-pham-ban-van-chua-co-dau-hieu-thuyen-giam-961059.vov