Vấn nạn tranh giả, tranh chép

Trong những năm qua đã có nhiều xu hướng nghệ thuật đan xen nhau cùng phát triển. Các hình thức nghệ thuật ngày một đa dạng, nhiều sắc thái lạ từ khuynh hướng đến phong cách, khi tiếp thu khai thác tinh hoa từ các trào lưu nghệ thuật hiện đại trên thế giới và kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước.

Xu hướng hiện thực mới đã được các nghệ sĩ trẻ dấn thân để mở ra những không gian mới cho sáng tạo. Chất lượng nghệ thuật có nhiều mức độ và đã định hình. Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn sử dụng các tác phẩm của nghệ sĩ đưa vào thiết kế, với mục đích kinh doanh nhưng không trả nhuận bút và không xin phép tác giả. Các họa sĩ bị sử dụng rất tùy tiện tác phẩm của họ. Vấn nạn về một thị trường tranh giả, tranh chép đáng báo động...

Hỗn loạn trào lưu và xu hướng

Mỹ thuật Việt Nam đương đại qua nửa đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI vẫn vẹn nguyên không khí nghệ thuật từ thế kỉ trước vắt sang. Thị trường tranh đóng băng và gallery ngủ đông cả bốn mùa đã kéo luôn cả đời sống mỹ thuật cùng tụt dốc. Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2015 không đứng bên ngoài cái toàn cảnh đó nhưng đã có những tín hiệu vui từ những câu chuyện của một thế hệ khác. Họ tự tin đối diễn với những gì đã có, đã cũ và đang qua đi.

Sứ mệnh lật trang mới, xoay thập niên bản lề dường như ở trong tay các nghệ sĩ trẻ đương đại thế hệ 7X, 8X và 9X. Cách nhìn khác, nghĩ khác, vẽ khác đã cho họ nét đẹp mới của người nghệ sĩ độc lập khi dám chịu trách nhiệm cá nhân trong những không gian mở của sáng tạo dù chưa có luật mỹ thuật, luật hành nghề tự do và cả luật chung cho hoạt động sáng tác Văn học nghệ thuật ở nước ta.

Bức “Chiều thu bên Ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị làm giả và rao bán.

Bức “Chiều thu bên Ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị làm giả và rao bán.

Triển lãm “Mở cửa” năm 2016 tiếp theo đó cũng là một toàn cảnh cô đọng của mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016) qua các tác phẩm được tuyển chọn với gần 50 họa sĩ tác giả đại diện. Liên tục những triển lãm mỹ thuật được diễn ra trên những thành phố lớn.

Festival Mỹ thuật trẻ được tổ chức định kì 3 năm một lần nhằm tìm kiếm tài năng trẻ trong ngành mỹ thuật đương đại Việt Nam đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo, làm bùng nổ và khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ hiện đại. Năm nay, mặc dù đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng festival Mỹ thuật trẻ vẫn được diễn ra, thể hiện sự trăn trở trong tâm thế sáng tác của các nghệ sĩ trẻ đương đại trước những biến động của đời sống trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày một rộng hơn khi thế giới tiếp tục phẳng trong bức tranh văn hóa toàn cầu.

Theo nhận định của họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam): Festival Mỹ thuật trẻ 2020 vẫn tiếp tục là một toàn cảnh chưa đầy đủ của các họa sĩ trẻ Việt Nam. Dù vội vã, nông nổi hay trầm lặng, sâu sắc, những con mắt khác vẫn tiếp tục khác, góc cạnh và đáo để hơn giữa xã hội Việt đương đại nhiều thời tiết khó đọc vị.

Những thách thức khác về nghệ thuật đang bỏ ngỏ khi sứ mệnh chuyển giao thế hệ đã sang vai các đồng nghiệp trẻ trước thập niên thứ ba của thế kỷ mới. Sự chững lại của festival Mỹ thuật trẻ cho thấy thiếu thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp và giao lưu quốc tế cũng như một thực tế sáng tác hiện nay ở giới trẻ còn ít sự tìm tòi, trải nghiệm, đặc biệt là việc tự bổ trợ nền cốt văn hóa cho cá nhân.

Tác phẩm bị phát hiện sao chép tại một khách sạn ở Sapa.

Tác phẩm bị phát hiện sao chép tại một khách sạn ở Sapa.

Mỹ thuật khi đã hòa nhập thì thật khó phân biệt Việt Nam hay không Việt Nam. Với ngôn ngữ dùng chung, phong cách nghệ thuật trẻ hòa tan vào các trào lưu chung của khu vực và thị trường quốc tế. Một số về bạo lực, tình dục, bất công... phát triển với trạng giễu nhại và tự trào, châm biếm và chỉ trích. Đây cũng là thời điểm các tập đoàn kinh tế vào cuộc, bắt đầu làm trung tâm, bảo tàng, gallery, sưu tầm nghệ thuật, chọn các không gian kiến trúc cao cấp làm workshop, triển lãm, phòng trưng bày nghệ thuật.

“Nghệ thuật công cộng ở các điểm đến du lịch xuất hiện ồ ạt và chất lượng kém. Khung cảnh cứ để ngỏ như vậy, một khi chưa có giải pháp khả thi từ phía quản lý nhà nước. Những năm qua, bên cạnh những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao, vẫn còn những tác phẩm hời hợt, thiếu sâu sắc, xa rời cuộc sống. Còn ít tác phẩm phản ánh, biểu hiện sinh động những vấn đề của cuộc sống đương đại. Chưa có bước đột phá mới về ngôn ngữ tạo hình và sử dụng chất liệu, khai thác đề tài, về thẩm mỹ và sức biểu cảm. Xu hướng thương mại hóa vẫn tồn tại. Có biểu hiện chạy theo đề tài dễ bán, hạ thấp chức năng giáo dục thẩm mỹ, còn nặng tính giải trí... Xu hướng nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên nhưng tình trạng nghiệp dư hóa vẫn còn tồn tại khá phổ biến” - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Tranh giả, tranh chép ngang nhiên tồn tại

Một thực tại hiển nhiên là khách mua tranh nước ngoài giảm, quỹ nước ngoài cũng giảm tài trợ. Thị trường nội địa bùng nổ, giới sưu tầm đông đảo ở nhiều thành phố. Gallery thương mại phát triển, nhà đấu giá, người môi giới nhiều và gu trưởng giả áp đảo. Tác phẩm của thế hệ vàng Mỹ thuật Đông Dương tăng giá mạnh, kích thích một cách đột biến thị hiếu của lớp thị dân lãng mạn, kéo theo nạn làm tranh giả ngang nhiên tồn tại.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, trên thế giới cũng có xâm hại bản quyền, song tỉ lệ chỉ 5%, trong khi Việt Nam thì quá trầm trọng, chiếm tới 50%.

Tác phẩm của họa sĩ Bùi Trọng dư bị vi phạm bản quyền trên áo dài.

Tác phẩm của họa sĩ Bùi Trọng dư bị vi phạm bản quyền trên áo dài.

Nhiều năm qua, hiện tượng tranh giả, tranh chép được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, cho đến các gallery. Có lẽ, số tiền kiếm được lợi nhuận khủng này càng thúc đẩy vấn nạn tranh chép, tranh giả, gây hoanh mang cho người tiêu dùng. Nhiều họa sĩ đã bức xúc lên tiếng nhưng hiện tượng này từ nhiều năm nay vẫn không có dấu hiệu dừng lại mà ngày một gia tăng.

Không chỉ có chép tranh của những cây cao bóng cả, những tên tuổi đã đóng đinh trong làng hội họa Việt Nam Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... mà ngay cả những họa sĩ đương đại cũng bị chép tranh liên tục như Đỗ Quang Em, Bùi Hữu Hùng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong... tranh giả đầy rẫy mọi nơi. Nhiều họa sĩ khác không quá tên tuổi vẫn bị chép tranh miễn là bức tranh đấy bắt mắt và phù hợp với mục đích tiêu dùng.

Kì lạ thay, nạn tranh giả, tranh chép không chỉ đơn thuần bày bán ở các gallery hay tìm con đường xuất ra nước ngoài mà còn trên các sản phẩm như tranh tường, áo dài... Sao chép tranh tự do ở rất nhiều cửa hàng trong các thành phố, chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng là tác phẩm tất cả các danh họa trong và ngoài nước có thể và bán với giá rất rẻ, chừng vài trăm nghìn một bức.

Trong vấn nạn đáng lên án này, người ta đã phát hiện nhiều bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Dương Bích Liên đã bị làm giả và chép tranh trên mọi chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa... Còn tranh giả của Phố Phái thì khỏi phải nói rồi. Tranh giả từ tinh xảo đến đại ẩu, xuất hiện từ các nhà sưu tập tranh cổ đến tranh vỉa hè bán cho khách du lịch...

Mùa hè năm ngoái, tác phẩm hội họa của họa sĩ Bùi Trọng Dư lại xuất hiện trên tà áo dài của các cô người mẫu xinh xắn. Sự việc ồn ào một thời gian rồi chìm vào quên lãng. Rồi nhộn nhạo thị trường sao chép ảnh thành tranh cũng rầm rĩ một thời gian dài. Nhiếp ảnh gia Lê Bích đăng bức ảnh “Ngày xuân ở Lao Xa” chụp hai đứa trẻ miền sơn cước lên mạng và ít lâu sau anh thấy xuất hiện một bức tranh sơn mài giống đến ngỡ ngàng.

Tranh Phố của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị sao chép và bán.

Tranh Phố của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị sao chép và bán.

Thoải mái vẽ theo một phong cách đang bán chạy, với bố cục khác và ký tên trực tiếp người vẽ. Vì mờ mắt bởi lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm nhiều điều đáng xấu hổ. Xuất hiện họa sĩ ảo. Thậm chí cũng trưng bày, tặng hoa...

Tức là tranh do một xưởng, nhiều người vẽ từng công đoạn và lấy một cái tên nào đó (cũng có thể cử người thật tên thật nhưng lại không phải người tham gia vẽ). Hoặc một họa sĩ chuyên vẽ thuê, nay vẽ theo phong cách biểu hiện lấy một tên, mai vẽ theo phong cách trừu tượng lấy tên khác đi. Còn triển lãm thế nào, đặt tên tác giả là gì do chủ gallery quyết định.

Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng Phòng Mỹ thuật (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Thị trường mỹ thuật với sự tồn tại ngổn ngang của tranh giả, tranh nhái đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý. Trong khi đó, các thành phần của thị trường này, bao gồm các nhà sưu tập, người chơi tranh, kể cả chủ sở hữu và tác giả tranh cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề tôn trọng bản quyền.

“Việc thẩm định thật - giả đối với tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn khi người có nhu cầu thẩm định thì hiếm, quy trình thẩm định cũng chỉ chủ yếu bằng kinh nghiệm của các chuyên gia, thẩm định bằng mắt, kiến thức thủ công chứ chưa có sự tham gia nhiều của các phương tiện máy móc hiện đại, chuyên nghiệp. Điều đó ít nhiều khiến độ tin tưởng đối với công tác thẩm định chưa cao...”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: “Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nộ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép... làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Có nhiều cơ quan quản lý nhưng chưa có một cơ quan nào đứng ra giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền, khi Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật vẫn chưa đủ hành lang pháp lý và chế tài xử phạt để nghiêm trị những kẻ làm tranh giả không chỉ ở trong nước mà còn có cả sự bảo kê và tiếp tay của người nước ngoài”.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/van-nan-tranh-gia-tranh-chep-617252/