Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm 'nghẽn' xuất khẩu nông sản (Bài 1)

LTS: Sau hơn 10 năm Việt Nam trở thành thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), trên cả nước đã có hàng trăm giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, công tác bảo hộ giống cây trồng đang có chuyển biến tích cực, một số giống cây đã được đăng ký bản quyền, song trên thực tế, tình trạng xâm phạm bản quyền giống cây trồng tiếp tục diễn ra khá phổ biến và chưa được quản lý, bảo hộ nên tạo ra điểm 'nghẽn' trong hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Bùng nhùng cây giống bản quyền

Ðối với các công ty, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hướng đến hoạt động xuất khẩu thì yếu tố bản quyền về giống là điều kiện tiên quyết để tạo nên thành công. Tuy nhiên, những năm qua, việc xâm phạm bản quyền giống đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại tỉnh Lâm Ðồng. Thực tế này đã và đang tạo nên sự thiếu minh bạch trong ngành Nông nghiệp khi giống kém chất lượng mặc sức tung hoành…

Doanh nghiệp nhập và sản xuất giống có bản quyền, được bảo hộ chỉ sau 1 - 2 vụ đã bị sao chép, sản xuất tràn lan trên thị trường nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để

Doanh nghiệp nhập và sản xuất giống có bản quyền, được bảo hộ chỉ sau 1 - 2 vụ đã bị sao chép, sản xuất tràn lan trên thị trường nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để

Xâm phạm bản quyền tràn lan

Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết: Hiện, công ty đang đề xuất cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng giám sát tình trạng xâm hại bản quyền đối với 4 giống cúc Calimero và 7 giống hoa cúc Florini. Đây là giống do công ty đã nhận chuyển giao bản quyền từ các đối tác ở nước ngoài và được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới tại Việt Nam có thời hạn lên đến 20 năm.

Theo ông Bảo, chỉ sau 2 năm kể từ thời điểm công ty tiến hành nhập các loại giống về Việt Nam, năm 2016 đã có rất nhiều nông dân, kể cả doanh nghiệp trong tỉnh đang trồng các loại giống hoa cúc này mà không thông qua công ty của ông là chủ sở hữu bản quyền giống hoa cúc các loại nêu trên. Điều đó dẫn đến việc có những đơn vị xuất khẩu với mức giá thấp, không đúng chất lượng sản phẩm mà Dalat Hasfarm đưa ra. Thậm chí có những đơn vị sản xuất loại hoa trái phép này công khai đăng thông tin mua bán trên các diễn đàn của ngành hoa mà không một chút nghi ngại.

Ông Bảo cho biết thêm: “Mỗi năm, công ty chúng tôi đều đặn nhập các loại giống hoa cúc này về trồng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ trả tiền bản quyền giống cho đơn vị cung ứng dựa theo số lượng cành sản xuất. Tuy nhiên, với thực trạng giống hoa cúc Calimero đang bị nông dân sản xuất tràn lan như hiện nay, công ty rất khó chứng minh sự minh bạch trong sản xuất với đối tác. Từ đó, uy tín của công ty trên thị trường quốc tế giảm sút nghiêm trọng, nhất là khâu nhập giống mới vì đã vi phạm yếu tố bản quyền. Do vậy, buộc công ty chúng tôi phải thỏa thuận lại hợp đồng với đối tác nước ngoài”.

Theo ông Bảo, đối với Dalat Hasfarm, 3/4 sản lượng hoa cúc Calimero của công ty sản xuất sẽ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu sang Nhật với giá cả ổn định. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra tình trạng xâm hại bản quyền giống, nông dân Đà Lạt trồng hoa cúc Calimero tràn lan nhưng chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa với giá rẻ chỉ bằng 1/5 giá xuất khẩu đã khiến công ty và kể cả nông dân mất lợi thế trên thị trường.

Tương tự, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Thời gian qua, Thanh tra Sở NN-PTNT cũng như Chi cục đã nhận được đơn khiếu nại từ doanh nghiệp về việc các tổ chức, cá nhân cố tình phớt lờ các quy định luật pháp, “cầm nhầm” bản quyền các giống lúa đang được nhiều nông dân huyện Cát Tiên tìm mua như giống OM 4900 và OM 6162 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (Công ty Nha Hố).

Theo đó, một số cá nhân, hợp tác xã trên địa bàn huyện Cát Tiên đã và đang sản xuất và kinh doanh những giống lúa độc quyền của các Công ty Nha Hố được Cục Trồng trọt bảo hộ trên toàn quốc. Những sản phẩm của các đơn vị này thường không qua kiểm tra chất lượng lúa lẫn nhiều, tỷ lệ nẩy mầm thấp, thông tin không đầy đủ, lập lờ và dễ gây nhầm lẫn nhưng vẫn đóng bao để bán ra ngoài thị trường.

Đáng lo ngại, những giống lúa này làm ra không tuân thủ quy trình sản xuất giống và không có giống gốc đạt tiêu chuẩn (siêu nguyên chủng, nguyên chủng), thiếu cán bộ kỹ thuật có tay nghề, thiếu trang thiết bị sấy, phân loại, đặc biệt không được các cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng kiểm nghiệm, công bố nên không đảm bảo chất lượng hạt giống dẫn đến năng suất giảm, lúa thương phẩm không đồng đều. Vì vậy, một mặt phía Công ty Nha Hố vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu giống lúa OM 4900 và OM 6162 đến với bà con nông dân; mặt khác, Chi cục đã có thông báo trên bao bì sản phẩm, tờ rơi, báo chí để giúp nông dân phân biệt giống với các tổ chức, cá nhân khác tự tổ chức sản xuất mà không được sự cho phép của Nha Hố.

Xử phạt lên đến 50.000.000 đồng hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng

Điều 12 Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về quyền của chủ bằng bảo hộ sẽ phải chịu mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng giống cây trồng đã được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 Luật Sở hữu trí tuệ.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng quyền của chủ bằng bảo hộ liên quan đến vật liệu nhân của giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng để thực hiện một trong các mục đích sau: sản xuất hoặc nhân giống; chế biến nhằm mục đích nhân giống; chào hàng; bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường; xuất khẩu; nhập khẩu.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này”.

Lúng túng xử lý

Việc một công ty mua bản quyền khai thác giống ở các nước phát triển là động lực rất lớn để doanh nghiệp và nông dân có cơ hội được tiếp cận những giống mới tốt hơn. Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến bản quyền giống cây trồng đã quy định rõ là không có một cá nhân, tổ chức nào được phép trồng, kinh doanh loại giống đó mà không có sự thỏa thuận đối với công ty mua bản quyền. Tuy nhiên, nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy. Mặt khác, động thái xử lý, giải pháp ngăn chặn từ doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng cũng còn nhiều lúng túng.

Theo ông Lại Thế Hưng, hiện trên địa bàn tỉnh có 47 giống rau, hoa được đăng ký bảo hộ tại địa phương. Nếu như với cây rau, việc xâm phạm bản quyền là hầu như không đáng kể thì các giống hoa lại đang là một thực tại nhức nhối. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh than phiền khi các giống hoa mới được nhập về chỉ sau 1-2 vụ sản xuất đã bị nông dân tìm cách sao chép giống, sản xuất tràn lan.

Khi các đơn vị phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền giống thì họ sẽ có văn bản thông báo ngăn chặn việc vi phạm bản quyền, nhưng đa số những trường hợp này thông thường hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau nên cho đến nay chưa ghi nhận có trường hợp nào phải kiện nhau ra tòa giải quyết. Cách giải quyết là yêu cầu bên vi phạm phải nhổ bỏ tất cả những cây giống bất hợp pháp, hoặc bắt buộc phải xin giấy phép hợp pháp và trả tiền bản quyền giống. Nếu không chịu chấp hành thì sẽ thông tin lên các phương tiện truyền thông báo chí hoặc sau cùng sẽ đưa ra tòa giải quyết.

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các hộ nông dân vi phạm bản quyền giống của Công ty Dalat Hasfarm thực tế lại không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, mặc dù Dalat Hasfarm có hẳn một danh sách các đơn vị kinh doanh cúc Calimero đang bị sao chép và công ty đã gửi các văn bản cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng việc ngăn chặn, xử lý không mang lại hiệu quả. Bởi, giống hoa cúc Calimero đã được nông dân Lâm Đồng sản xuất tới mức quá phổ biến, gần như ngập tràn thị trường.

“Với diện tích trồng hoa cúc nhỏ lẻ chỉ 1.000 - 2.000 m2 của nông dân, chúng tôi không thể bắt nông dân nhổ bỏ, làm thế rất dễ xảy ra xung đột. Còn đối với cơ sở sản xuất giống, chúng tôi cũng không thể chứng minh, nhận diện đó là giống hoa bản quyền của công ty, chỉ khi cây ra hoa mới nhận diện được thì mọi sự đã muộn. Thực sự, chúng tôi đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc khiếu kiện vi phạm bản quyền giống!” - ông Bảo nói.

(CÒN NỮA)

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/van-nan-xam-pham-ban-quyen-va-diem-nghen-xuat-khau-nong-san-bai-1-2964813/